Phẫu thuật nạo sàng qua mũi

Nạo sàng qua mũi là phẫu thuật xoang mũi tạo đường dẫn lưu tất cả các xoang đổ vào hốc mũi, tránh được sự ứ dịch và nhằm phục hồi hoạt động thanh thải của hệ thống lông - nhầy, đưa niêm mạc các xoang trở lại trạng thái bình thường.

1. Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật

Nạo sàng xoang mũi được chỉ định khi:

  • Bệnh nhân mắc viêm xoang mũi mãn tính: nhiều thoái hoá polyp kèm mủ trong khe giữa hoặc chảy xuống họng. Viêm đa xoang mạn tính 1 bên hoặc 2 bên tái phát nhiều lần.
  • Phẫu thuật đồng thời với cắt polyp mũi.
  • Phẫu thuật trước mở đường cho phẫu thuật xoang trán.
  • Biến chứng viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu.

Chống chỉ định tuyệt đối: Các bệnh lý nội khoa nặng, mất bù như suy thận, các bệnh lý về máu.

Chống chỉ định tương đối: Viêm xoang cấp, viêm xoang có cốt tủy viêm. Papilloma vùng mũi xoang.

Các mốc giải phẫu:

  • Bọng sàng là một hình tròn vồng lên, nó tương ứng với một thông báo trước nổi lên trong khe cuốn giữa.
  • Bọng để mũi là một khối hình nhỏ thứ hai ở trước bọng sàng, tương ứng với một thông bào sàng trước, nó bao lấy ống thông mũi trán của xoang trán.

Nạo sàng xoang mũi được chỉ định khi phẫu thuật đồng thời với cắt polyp mũi
Nạo sàng xoang mũi được chỉ định khi phẫu thuật đồng thời với cắt polyp mũi

2. Chuẩn bị phẫu thuật

Người thực hiện: Các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng từ chuyên khoa I trở lên được đào tạo về phẫu thuật xoang mũi.

Phương tiện: Mở mũi ngắn, mở mũi dài, kéo khuỷu, thìa nạo sàng trước và sàng sau, kìm luc.

Người bệnh khám nội soi tai mũi họng, làm xét nghiệm đầy đủ:

  • Công thức máu.
  • Đông máu cơ bản.
  • Chức năng gan, thận.
  • Tiến hành chụp phim cắt lớp vi tính mũi xoang hai tư thế coronal và axial (nếu điều kiện cho phép).
  • Tiến hành khám trước mổ: thực hiện bởi bác sĩ gây mê hồi sức.
  • Giải thích về cách thức phẫu thuật nạo sàng qua mũi, tai biến có thể xảy ra.

Hồ sơ bệnh án: Hoàn thiện hồ sơ bệnh án theo như quy định chung.

3. Các bước tiến hành phẫu thuật

Phẫu thuật nạo sàng qua mũi có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Đặt co mạch.

Người bệnh nằm ngửa, có gối đầu, đầu cao hơn ngực. Phẫu thuật viên chính đứng bên phải người bệnh, người phụ đứng bên đối diện và trên đầu.

Thì 1: Cắt polyp, cắt cuốn giữa hoặc bẻ cuốn giữa (nếu cần). Để cho rộng khe mũi giữa.

Thì 2: Phá mổ khối sàng, qua mở mũi nhìn xác định bọng sàng ở quãng giữa rồi nạo sàng phá vỡ mở đường đi vào khối sàng, đồng thời dùng vòi hút sạch mủ nhầy ứ đọng tại chỗ.

Thì 3:

  • Nạo vét khối sàng, dùng thìa nạo phối hợp với kìm lực để mở rộng thêm phá bỏ các xoang từ trước ra sau.
  • Khi nạo sàng, thìa nạo luôn ở tư thế lưng ra phía sau, mặt sắc của thìa nạo quay ra trước.
  • Kéo thìa nạo từ sau ra trước và từ trên xuống dưới.

Lưu ý khi nạo sàng:

  • Không đi quá cao có thể phạm vào sàn não.
  • Không đi quá ra ngoài vì nó có thể gây tổn thương xương giấy hốc mắt.
  • Không đi quá vào trong sẽ phạm vào lá sàng có các lỗ mạch máu và thần kinh nền sọ.

Thì 4: Nhét meche mỡ kháng sinh hoặc merocel để cầm máu


Phẫu thuật nạo sàng qua mũi có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân
Phẫu thuật nạo sàng qua mũi có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân

4. Theo dõi và xử lý tai biến

Sau phẫu thuật nạo sàng qua mũi cần:

  • Tiến hành rút merocel 24 giờ hay 48 giờ sau mổ.
  • Quan sát, thực hiện hút máu đọng, lấy vẩy hoặc giả mạc, làm thuốc mũi xoang hàng ngày.
  • Vệ sinh rửa mũi - xoang từ ngày thứ 3 sau mổ.

Các tai biến có thể gặp:

  • Chảy máu: nhét bấc.
  • Tổn thương ống lệ mắt
  • Tổn thương chảy dịch não tủy, nền sọ
  • Tổn thương mạch cảnh nằm trong xoang bướm

Phẫu thuật nạo sàng qua mũi giúp mở và nạo khối xoang sàng, lấy sạch hết bệnh tích nhưng vẫn bảo tồn xương cuốn giữa. Làm giảm các triệu chứng của viêm xoang mũi. Phẫu thuật nạo sàng qua mũi là phẫu thuật tương đối khó nên cần thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm dày dặn cùng trang thiết bị đầy đủ và hiện đại để đem lại hiệu quả phẫu thuật cao nhất.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe