Mảng sườn di động là tổn thương rất nặng của lồng ngực, là một trường hợp cấp cứu của ngoại khoa; thường gặp sau một chấn thương rất mạnh. gây ra rối loạn sinh lý hô hấp và tuần hoàn nặng nề.
1. Mảng sườn di động là gì?
- Mảng sườn di động là vùng thành ngực không còn liên tục với lồng ngực, do mất tính vững chắc của khung xương.
- Mảng sườn di động chỉ xuất hiện khi có ít nhất 3 xương sườn liền nhau bị gãy, và gãy ở cả hai đầu, đồng thời các ổ gãy xương ở mỗi đầu phải nằm trên cùng một đường thẳng. Vì các xương sườn bị gãy ở cả hai đầu nên tính vững chắc của khung xương mất đi, từ đó gây ra nhiều rối loạn về hô hấp.
- Mảng sườn di động hay gặp ở vị trí mảng sườn bên nhất, và các biểu hiện lâm sàng cũng sẽ rõ ràng nhất. Các vị trí khác có thể gặp mảng sườn di động là mảng sườn ức và mảng sườn sau bên.
2. Tại sao mảng sườn di động lại là trường hợp cấp cứu?
Khi có mảng sườn di động thì rối loạn hô hấp nặng sẽ xuất hiện, bắt nguồn từ các hiện tượng:
2.1 Hô hấp đảo chiều
Áp lực trong khoang màng phổi giảm xuống, mảng sườn bị kéo vào trong đè ép lên phổi bên tổn thương, đẩy một lượng khí ngược trở lại khí quản và vào bên phổi lành.
Hiện tượng trên lại diễn ra theo hướng ngược lại, dẫn tới hậu quả là xuất hiện một lượng khí chỉ chạy luẩn quẩn trong đường thở, hoàn toàn không tham gia trao đổi khí, dẫn tới làm giảm thể tích khí lưu thông, hạn chế quá trình trao đổi khí của phổi.
2.2 Lắc lư trung thất
Thở vào, mảng sườn di động sẽ ép lên phổi bên tổn thương, khiến trung thất bị đẩy lệch sang bên phổi lành. Thở ra, phổi bên tổn thương không còn bị mảng sườn di động ép lên nữa, trung thất không còn bị đẩy lệch và sẽ di chuyển ngược lại.
Trung thất liên tục bị dịch chuyển qua lại như vậy sẽ gây ra tình trạng kích thích các trung tâm phản xạ của tim, phổi và khiến các mạch máu lớn ở cuống tim bị xoắn vặn. Từ đó, dẫn đến hàng loạt rối loạn nghiêm trọng về tuần hoàn mà hậu quả là ngừng thở hoặc ngừng tim do phản xạ.
Do tình trạng thiếu oxy, bệnh nhân sẽ cố gắng thở nhanh lên, và càng thở nhanh thì càng làm hai hiện tượng trên diễn ra mạnh hơn, tạo thành vòng xoắn bệnh lý.
3. Dấu hiệu nhận biết mảng sườn di động
Khi mảng sườn di động xuất hiện, lúc bệnh nhân thở vào có thể nhìn thấy vùng mảng sườn bị lõm xuống (hút vào trong), còn lúc bệnh nhân thở ra thì vùng mảng sườn này lại phồng lên (khi hô hấp vùng mảng sườn luôn di động ngược chiều với lồng ngực).
4. Phương pháp điều trị đối với mảng sườn di động
Khi xuất hiện mảng sườn di động, việc đầu tiên cần thực hiện tại chỗ là sơ cứu nhằm mục đích để mảng sườn di động của bệnh nhân không còn di động. Việc cố định mảng sườn di động có thể tiến hành bằng những phương pháp đơn giản, như chèn đệm bông (hoặc bao cát vừa đủ) lên vị trí của mảng sườn di động rồi băng vòng quanh ngực cố định, để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng đè lên mảng sườn di động.
Mảng sườn của bệnh nhân sẽ luôn ở tư thế lõm vào trong mà không phồng lên được, giúp ngăn chặn những rối loạn tuần hoàn và hô hấp diễn ra (mặc dù khả năng hô hấp sẽ bị hạn chế một phần).
Điều trị thực thụ mảng sườn di động có thể thực hiện bằng cách cố định ngoài hoặc cố định trong (bằng thở máy), tuy nhiên cố định ngoài là phương pháp phổ biến thường áp dụng hơn cả. Cố định ngoài có thể thực hiện bằng những cách sau:
- Phẫu thuật kết xương sườn bằng kim loại
- Kéo liên tục mảng sườn (thường áp dụng cho mảng sườn ức)
- Khâu cố định mảng sườn trên khung
- Khâu cố định các xương sườn gãy với nhau
Bên cạnh điều trị mảng sườn di động, bệnh nhân sẽ được giải quyết các tổn thương đi kèm (nếu có), chẳng hạn như tràn máu khoang màng phổi, tràn khí khoang màng phổi,...