Phẫu thuật lấy dị vật vùng hàm mặt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Phẫu thuật dị vật vùng hàm mặt là một kĩ thuật điều trị ngoại khoa có nhiệm vụ loại bỏ dị vật vùng hàm mặt do các nguyên nhân như chấn thương, vết thương hỏa khí... Kỹ thuật được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt đã trải qua đào tạo chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình hoặc phẫu thuật hàm mặt.

1. Dị vật vùng hàm mặt là chấn thương như thế nào?

Chấn thương vùng hàm mặt là một loại chấn thương thường gặp, chiếm khoảng 10% trong tổng số loại chấn thương nói chung. Trong đó, nam giới trong độ tuổi từ 21 – 30 tuổi là đối tượng có tỷ lệ bị các chấn thương hàm mặt nhiều nhất.

Dị vật vùng hàm mặt thuộc nhóm chấn thương phần mềm hàm mặt, bao gồm hai loại vết thương chính:

  • Vết thương xuyên: các vật nhọn xuyên qua tổ chức da và có khả năng gây vỡ các hốc tự nhiên như khoang miệng, hốc mũi, xoang hàm trên.
  • Vết thương do hỏa khí (ít gặp trong thời bình): gây ra do vũ khí có tốc độ nhanh như đạn súng, thường có lỗ vào nhỏ và lỗ ra to, có thể gây hủy hoại tổ chức bên trong và vết thương bị xé toạc, độ nguy hiểm cao.

Nguyên nhân gây ra dị vật vùng hàm mặt có rất nhiều, trong đó chia thành 4 nhóm chính:

  • Tai nạn giao thông.
  • Tai nạn lao động.
  • Tai nạn sinh hoạt.
  • Các loại tai nạn khác: như tai nạn trong thể thao, hoặc do hỏa khí...

2. Tìm hiểu về phẫu thuật dị vật vùng hàm mặt

Phẫu thuật lấy dị vật vùng hàm mặt nằm trong nhóm các phẫu thuật hàm mặt, vì vậy vẫn có một số đặc điểm chung như:

  • Người thực hiện phải là bác sĩ thuộc chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt đã được đào tạo sâu về chấn thương chỉnh hình hoặc phẫu thuật hàm mặt, có kinh nghiệm và chuyên môn cao.
  • Kỹ thuật vô cảm trong phẫu thuật thường là gây tê tại chỗ hoặc gây mê đặt nội khí quản.

Phẫu thuật dị vật vùng hàm mặt được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có dị vật xâm lấn vào trong vùng hàm mặt do nguyên nhân là tai nạn, do sinh hoạt hoặc do vết thương hỏa khí. Phẫu thuật này không có chống chỉ định riêng biệt.

3. Quy trình phẫu thuật lấy dị vật vùng hàm mặt


Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể gây mê toàn thân bằng kỹ thuật đặt nội khí quản
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể gây mê toàn thân bằng kỹ thuật đặt nội khí quản

Phẫu thuật này là loại phẫu thuật chấn thương hàm mặt cơ bản, bao gồm các bước sau:

  • Sát khuẩn và gây tê tại chỗ. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể gây mê toàn thân bằng kỹ thuật đặt nội khí quản.
  • Đối với dị vật nằm ở bề mặt vết thương như cát, sỏi..., có thể sử dụng các dụng cụ y tế thích hợp để loại bỏ dị vật khỏi vùng hàm mặt, sau đó sử dụng bàn chải đã vô khuẩn để làm sạch bề mặt vết thương bằng dung dịch sát trùng.
  • Đối với dị vật xâm lấn sâu trong mô mềm hoặc trong xương hàm mặt, bác sĩ cần căn cứ trên phim X-quang của bệnh nhân để xác định chính xác vị trí dị vật, thiết kế đường rạch da (hoặc niêm mạc) và sử dụng dụng cụ phù hợp để lấy dị vật khỏi cơ thể bệnh nhân. Tiếp theo, cần bơm rửa vết thương bằng nước muối sinh lý và đặt dẫn lưu nếu cần thiết.
  • Khâu vết mổ, kết thúc phẫu thuật.

4. Một số tai biến có thể xảy ra khi phẫu thuật hàm mặt lấy dị vật và cách xử trí

Tai biến có thể xảy ra trong gây mê phẫu thuật hàm mặt:

Trào ngược dạ dày lên đường thở

Biểu hiện rõ của tai biến này là xuất hiện dịch tiêu hóa trong khoang miệng và đường thở của bệnh nhân. Lúc này, bác sĩ cần ngay lập tức đặt bệnh nhân nằm thấp và nghiêng đầu sang một bên, hút sạch dịch bên trong đường thở. Cùng với đó, cần đặt nhanh ống nội khí quản, theo dõi và ngăn ngừa kịp thời các nhiễm trùng phổi sau phẫu thuật.

Rối loạn huyết động

Bệnh nhân có biểu hiện tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cần nhận biết và xử trí theo từng nguyên nhân.

Các biến chứng hô hấp

Ống nội khí quản khi bị gập hoặc tụt và bị đẩy sâu vào trong phổi sẽ gây cản trở hoạt động của hệ thống hô hấp, dẫn đến thiếu oxy và ưu thán. Bệnh nhân lúc này cần thông khí và cung cấp oxy 100% ngay lập tức, sau đó giải quyết nguyên nhân.

Biến chứng sau khi rút ống đặt nội khí quản


Đau họng, khàn tiếng là biến chứng có thể gặp phải khi rút ống đặt nội khí quản
Đau họng, khàn tiếng là biến chứng có thể gặp phải khi rút ống đặt nội khí quản

5. Tai biến xảy ra sau phẫu thuật dị vật vùng hàm mặt

Các tai biến/biến chứng đặc biệt trong phẫu thuật dị vật vùng hàm mặt thường hiếm gặp. Hầu hết những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật này là những rủi ro thường gặp trong điều trị ngoại khoa nói chung, bao gồm:

  • Chảy máu: thực hiện cầm máu bằng đông điện hoặc các kĩ thuật khác. Nếu bệnh nhân chảy máu liên tục, không thể cầm máu bằng phương pháp nội khoa, bác sĩ cần phải mổ lại để cầm máu.
  • Tụ máu: lấy máu tụ bằng các phương pháp y tế chuyên dụng.
  • Nhiễm trùng vết mổ: điều trị bằng liệu pháp kháng sinh toàn thân và vết thương cần được chăm sóc đúng cách, vệ sinh và thay băng thường xuyên.

Dị vật vùng hàm mặt thuốc nhóm chấn thương hàm mặt bao gồm vết thương xuyên, vết phim do hòa khí. Nguyên nhân thường do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tái nạn do hòa khí. Phẫu thuật dị vật vùng hàm mặt được chỉ định trong trường hợp vết thương hàm mặt do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn do hòa khí.

Phương pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất hiện nay để khắc phục triệt để tình trạng này là thực hiện phẫu thuật dị vật vùng hàm mặt. Bệnh nhân khi bị dị vật bên ngoài xâm lấn vào vùng hàm mặt, cần ngay lập tức đến bệnh viện để được xử trí kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm hơn đến các giác quan và vùng não bộ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe