Phẫu thuật cố định cột sống

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Cột sống giữ vai trò là trụ cột của cơ thể. Nhưng khi đốt sống bị xô lệch ra trước hoặc ra sau sẽ khiến đau thắt lưng, vận động khó khăn. Do vậy, phẫu thuật cố định cột sống sẽ giúp giải phóng chèn ép thần kinh, làm vững cột sống.

1. Khi nào cần phẫu thuật cố định cột sống?

Bệnh nhân trượt đốt sống cần được phẫu thuật cố định cột sống. Cột sống có vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Nhưng khi đốt sống bị trượt ra trước hoặc ra sau khiến người bệnh đi lại khó khăn.

1.1. Nguyên nhân trượt cột sống

Trượt đốt sống có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân:

  • Trượt đốt sống bẩm sinh thường xuất hiện từ thời niên thiếu, có khả năng tiến triển. Nguyên nhân của tình trạng này là do rối loạn phát triển
  • Trượt đốt sống do khuyết eo do: Khuyết eo do gãy mệt; Eo dài quá mức gây gãy và liền xương vùng eo xảy ra liên tục; Chấn thương gãy eo gây trượt đốt sống
  • Trượt đốt sống do thoái hóa
  • Trượt đốt sống do bệnh lý: Nguyên nhân của tình trạng này thường do nhiễm khuẩn hoặc ung thư làm phá hủy cấu trúc của cột sống
  • Trượt đốt sống do chấn thương
  • Trượt đốt sống sau phẫu thuật.

1.2 Triệu chứng của trượt cột sống


Đau cột sống là triệu chứng của trượt cột sống
Đau cột sống là triệu chứng của trượt cột sống
  • Biểu hiện chung của tình trạng trượt cột sống là đau thắt lưng, đau khi vận động.
  • Triệu chứng ban đầu sẽ là đau khi đi lại, leo bậc thang, cúi hay ngửa người. Ngay cả khi thay đổi tư thế cũng rất khó khăn.
  • Hoạt động càng nhiều thì các dấu hiệu đau càng xuất hiện. Bệnh nhân sẽ có dáng đi khom lưng về phía trước, vẹo cột sống sang bên.
  • Khi trượt cột sống trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ có dáng đi giống trẻ tập đi và khi xoay lưng thì khung chậu cũng xoay theo, bị teo cơ hai mông do thiếu vận động. Người bệnh có thể sờ vùng thắt lưng thấy chỗ hõm, đây là dấu hiệu đặc trưng của trượt đốt sống.
  • Bệnh nhân có thể bị đau dọc theo rễ thần kinh tại: mông, đùi, cẳng chân và bàn chân do thần kinh tọa bị chèn ép, đau tăng lên khi ho, hắt hơi
  • Tình trạng trượt cột sống trở nên nặng hơn sẽ gây bại, teo cơ, hạn chế vận động cẳng, bàn chân.

1.3 Phẫu thuật cố định cột sống

Nhằm giải phóng chèn ép thần kinh và cố định làm vững cột sống, người bệnh nên tiến hành phẫu thuật cố định cột sống. Nếu càng kéo dài thời gian, tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng gây teo cơ, bại liệt.

Phẫu thuật cố định cột sống được chỉ định đối với các bệnh nhân mất vững cột sống cổ. Cột sống bị biến dạng, mất đi đường cong sinh lý và dây chằng bị tổn thương dây chằng, phần mềm kèm theo.

Đối với những trường hợp cột sống vững và không có chèn ép về thần kinh hay bệnh nhân bị suy hô hấp, sốc tủy được khuyến cáo không nên phẫu thuật cố định cột sống.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh được được giải thích kỹ tiên lượng trước mổ, hoàn thiện các bilan, xét nghiệm trước mổ và thụt tháo đại tràng sạch trước mổ. Bệnh nhân sẽ được nẹp cổ tạm thời bên ngoài hay kéo liên tục tùy vào tổn thương cột sống cổ.

2. Tiến hành phẫu thuật cố định cột sống


Đặt ống thông dạ dày tránh trào ngược trong quá trình phẫu thuật cố định cột sống
Đặt ống thông dạ dày tránh trào ngược trong quá trình phẫu thuật cố định cột sống

Bước 1: Chuẩn bị

Ca phẫu thuật cần một phẫu thuật viên thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình. Dụng cụ được chuẩn bị đầy đủ gồm: Bộ dụng cụ mổ cột sống; C- arm (màn tăng sáng); Bàn mổ có gắn khung đỡ đầu (với người bệnh có chấn thương cột sống cổ) và Nẹp vít có các kích thước khác nhau

Bước 2: Tiến hành phẫu thuật

  • Bệnh nhân được đặt vào tư thế phù hợp với vị trí làm phẫu thuật. Nếu tổn thương ở vùng cổ, người bệnh có thể nằm ngửa (nếu đi đường cổ trước bên) hay nằm sấp (nếu cố định cột sống cổ lối sau). Tốt nhất đầu người bệnh nên được cố định vào khung gá đầu. Nếu tổn thương vùng ngực thì bệnh nhân có thể nằm sấp. Người bệnh có thể được đặt nằm nghiêng nếu tổn thương vùng lưng hoặc thắt lưng
  • Bệnh nhân được gây mê toàn thân với máy thở có theo dõi huyết áp, điện timáp lực tĩnh mạch. Đồng thời, đặt ống thông dạ dày tránh trào ngược. Việc này giúp phẫu thuật viên nhận biết tránh thương tổn thực quản trong khi mổ.
  • Tùy theo tình hình, phẫu thuật viên có thể tiêm vào vùng mổ hỗn hợp Adrenaline + Lidocaine với tỷ lệ 1/100.000 để làm giảm chảy máu
  • Với tổn thương cột sống cổ, đường mổ được thực hiện là dọc theo bờ trong cơ ức đòn chũm. Dùng ngón tay xác định động mạch cảnh rồi dùng dụng cụ mềm mở và tách tổ chức tế bào phía trong động mạch tới tận cột sống. Bước tiếp theo dùng dụng cụ vén các thành phần trục giữa cổ (khí quản, thực quản, tuyến giáp) vào trong, nếu cần, vén bó cảnh ra ngoài nhưng tránh ép vào động mạch cảnh.
  • Bộc lộ cơ dọc trước cột sống và cân. Rạch dọc theo đường giữa cột sống nơi có đĩa đệm và đốt sống bị tổn thương và 2 đốt sống liền kề. Tách cơ càng rộng sang hai bên càng tốt. Để bộc lộ đốt sống cổ 2 và 3, cần kéo dài vết mổ lên góc hàm, khi đó, phải thắt động mạch giáp trên và có thể phải cắt dây thanh quản trên, nguyên nhân của rối loạn giọng nói tạm thời sau mổ.
  • Đối với tổn thương cột sống ngực, lưng sẽ thực hiện đường mổ là đường sau. Cách tiến hành là rạch da tương ứng với đốt sống tổn thương. Sau đó rạch cân cơ 2 bên gai sau, tách cơ cạnh sống sang 2 bên và bộc lộ rõ các cấu trúc giải phẫu.

Bước 3: Dựa vào tổn thương của người bệnh để lựa chọn phương pháp cố định cột sống. Các phương pháp phổ biến:

  • Kết hợp bỏ đĩa đệm với nẹp vít được áp dụng chủ yếu cho các thương tổn dây chằng hoặc các thương tổn xương đơn giản làm mất vững cột sống. Đường mổ dọc theo bờ trong cơ ức đòn chũm, bộc lộ mặt trước thân đốt sống. Lấy bỏ hoàn toàn thân đĩa đệm tới tận dây chằng dọc sau. Sử dụng banh tự động (Ecarteur de Cloward) để bộc lộ tốt khe đĩa đệm và lấy đĩa đệm sang hai bên tạo điều kiện cho việc ghép xương dễ dàng. Lấy mảnh ghép từ mào chậu với kích thước bằng kích thước khe đĩa đệm đã được banh rộng, và có ba mặt đều là mỏ xương. Sau đó đóng mảnh ghép vào khe đĩa đệm.
  • Lấy bỏ thân đốt sống kết hợp với nẹp vít, đặt lồng titan: Lấy bỏ đĩa đệm trên và dưới đốt sống bị thương tổn. Lấy bỏ thân đốt sống bị thương tổn bằng cách đào đường hầm dọc theo trục giữa thân đốt sống tới dây chằng dọc sau, để lại hai thành bên của thân đốt sống. Ghép xương chậu vào phần xương bị lấy bỏ đi và bắt nẹp vít vào hai thân đốt sống trên và dưới liền kề.
  • Hiện nay có thể áp dụng đặt lồng titan thay thế cho xương chậu vào vị trí thân đốt sống đã lấy đi. Kích thước lồng titan phụ thuộc vào chiều cao của thân đốt sống đã được lấy đi.

3. Hậu phẫu thuật


Sau phẫu thuật bệnh nhân cần chụp X-Quang để kiểm tra tình trạng bệnh
Sau phẫu thuật bệnh nhân cần chụp X-Quang để kiểm tra tình trạng bệnh

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân cần nẹp cứng hỗ trợ bên ngoài từ 4-6 tuần để phục hồi chức năng sau mổ. Vết mổ có thể bị nhiễm trùng và tụ máu vùng mổ do chảy máu, nên việc theo dõi cần được sát sao.

Sau 1 tháng kể từ sau phẫu thuật, bệnh nhân cần chụp X-quang để đánh giá lại tình trạng cũng như kết quả,

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe