Phẫu thuật cắt tuyến mang tai được chỉ định trong một số trường hợp như khối u tuyến mang tai, viêm tuyến mang tai do sỏi...Phẫu thuật cắt tuyến mang tai chủ yếu sẽ bảo tồn dây thần kinh số VII tuy nhiên, tuyến mang tai là nơi dây thần kinh số VII phân các nhánh nhỏ chi phối cơ vùng mặt nên đôi khi trong trường hợp khối u ác tính có thể gây xâm lấn tổn thương dây thần kinh số VII không thể bảo tồn được khi phẫu thuật.
1. Đại cương
Tuyến mang tai là một trong những tuyến nước bọt chính của cơ thể, nằm ở vùng trước dưới của ống tai ngoài. Tuyến mang tai có liên quan mật thiết với nhiều cấu trúc quan trọng đặc biệt là dây thần kinh mặt (dây VII), tĩnh mạch cảnh ngoài và các nhánh tận của động mạch cảnh ngoài.
Những tổn thương tuyến mang tai dạng viêm, sỏi điều trị bằng nội khoa không hiệu quả hoặc trường hợp u tuyến mang tai điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt tuyến mang tai.
U tuyến mang tai chiếm tỷ cao nhất trong các khối u tuyến nước bọt vùng đầu mặt. Trong số các khối u tuyến mang tai thì ung thư tuyến mang tai chiếm tới 20% tổng số u tuyến nước bọt mang tai. Ung thư tuyến nước bọt nói chung chiếm từ 3-4% các khối u vùng đầu cổ. Phẫu thuật cắt tuyến mang tai là phương pháp điều trị chủ yếu trong bệnh lý u tuyến mang tai, trong quá trình cắt tuyến mang tai thì có thể bảo tồn hoặc không bảo tổn dây thần kinh VII, nhưng đa số là có bảo tồn trong trường hợp dây VII chưa bị tổn thương, còn trường hợp dây thần kinh VII đã tổn thương thì có thể lựa chọn không bảo tồn dây VII.
Tuy nhiên việc phẫu thuật cắt tuyến mang tai là phẫu thuật khó, rất có nguy cơ tổn thương các thành phần lân cận, nhất là gây tổn thương dây VII. Bởi sau khi thoát ra ngoài hộp sọ dây thần kinh số VII xuyên qua và chia nhánh trong tuyến mang tai trước khi đến chi phối cho các cơ vùng mặt. Nên việc bóc tách và bộc lộ rất cần sự khéo léo của bác sĩ phẫu thuật.
2. Phẫu thuật cắt tuyến mang tai có hoặc không bảo tồn dây thần kinh số VII
2.1 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- U lành tính hoặc u độ ác tính thấp.
- Viêm tuyến mang tai tái phát hoặc viêm do sỏi mà điều trị nội khoa không hiệu quả.
- Viêm tuyến gây phì đại làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Lấy bỏ hạch tuyến mang tai khi nghi ngờ hoặc đã xác định có tình trạng di căn.
Chống chỉ định:
- Khối u độ ác tính trung bình hoặc ác tính cao.
- Khối u lành tính ở cực dưới của tuyến mang tai.
- Người bệnh có bệnh lý toàn thân ảnh gây hưởng đến quá trình gây mê và phẫu thuật.
2.2 Chuẩn bị
- Người chuẩn bị: Cần đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa gây mê và chuyên khoa tai mũi họng được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật đầu cổ.
- Phương tiện: Phường tiền dùng trong gây mê, thuốc gây mê, dụng cụ phẫu thuật và các phương tiện cần thiết để xử lý tai biến do quá trình gây mê, phẫu thuật gây ra.
- Người bệnh: Khám và làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ, giải thích rõ về cách thức phẫu thuật và những tai biến có thể xảy ra trong quá trình gây mê phẫu thuật.
2.3 Các bước tiến hành phẫu thuật
Tư thế bệnh nhân:
- Người bệnh nằm ngửa, có gối độn vùng vai, đầu ngửa tối đa. Bộc lộ vùng tai, cổ, tuyến mang tai, góc ngoài mắt và miệng cùng bên.
- Bác sĩ phẫu thuật chính đứng bên cần phẫu thuật, người phụ đứng bên đối diện và trên đầu.
Gây mê: Trước khi phẫu thuật người bệnh được tiến hành vô cảm toàn thân.
Thực hiện phẫu thuật:
- Rạch da: Đường mổ đi từ phía trước vành tai ngang với mức nắp tai, vòng qua dái tai ra sau đến mỏm chũm, vòng theo góc hàm xuống cổ theo đường ngang dưới bờ hàm dưới 2 khoát ngón tay.
- Bóc tách phía trước tuyến mang tai cho đến bờ trước của tuyến tiếp giáp với cân bọc cơ cắn. Vạt da phía sau được bộc lộ khỏi tuyến.
- Tìm dây thần kinh VII: Tách bờ sau tuyến ra khỏi cơ ức đòn chũm, sụn ống tai ngoài. Tìm dây VII dựa vào mốc: bụng sau cơ nhị thân, sụn chỉ điểm,và mỏm chũm. Đặc điểm dây VII có màu trắng, đường kính khoảng 2mm và phân thành các nhánh nhỏ.
- Bóc tách các nhánh dây VII: Tách tổ chức tuyến dọc theo đường đi của các nhánh lấy đi toàn bộ phần thùy nông nằm ngoài các nhánh.
- Sau khi hoàn thành cần đặt dẫn lưu kín, khâu đóng da..
2.3 Theo dõi sau phẫu thuật
- Sau phẫu thuật cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở) và các biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật như nhiễm khuẩn, chảy máu...
- Hút dịch hàng ngày và rút dẫn lưu sau phẫu thuật khoảng từ 36 - 48 giờ.
- Thay băng cho bệnh nhân hàng ngày hàng ngày.
- Cắt chỉ sau 5-7 ngày.
- Sử dụng các thuốc chống viêm giảm phù nề và kháng sinh chống nhiễm khuẩn sau mổ.
3. Những tai biến khi phẫu thuật cắt tuyến mang tai
Sau khi phẫu thuật cắt tuyến mang tai người bệnh có thể xuất hiện một số biến chứng như:
- Liệt mặt: Trong trường hợp phẫu thuật không bảo tồn dây VII do có tổn thương dây thần kinh số VII trước đó, khối u xâm lấn vào thần kinh hoặc trường hợp phẫu thuật bảo tồn nhưng khi làm phẫu thuật cắt đứt các nhánh nhỏ của dây thần kinh thì người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng liệt mặt
- Chảy máu: Do tổn thương các mạch máu có liên quan hoặc ở các vùng lân cận của tuyến mang tai. Người bệnh thấy có máu đỏ tươi thoát ra ngoài theo dẫn lưu.
- Nhiễm khuẩn: Cần tiến hành điều trị bằng kháng sinh.
Phẫu thuật cắt tuyến mang tai là một phẫu thuật khó, vì ưu tiên của phẫu thuật là bảo tồn dây thần kinh số VII trừ những trường hợp đã có tổn thương dây VII không phục hồi trước đó. Nên để phẫu thuật thành công cần có bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm và khéo léo khi thực hiện phẫu thuật.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường khách hàng nên đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Xem thêm: