Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: 06 điều bệnh nhân tim mạch cần biết

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành là một phương pháp an toàn và hiệu quả để điều trị bệnh động mạch vành. Để chuẩn bị tốt tâm lý trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên có một cuộc trò chuyện với bác sĩ phẫu thuật của mình để bản thân hiểu rõ hơn về những chuyện họ sắp phải đối mặt.

1. Tầm quan trọng của việc hiểu rõ về quá trình phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Lo lắng trước khi sắp phải đối mặt với các cuộc phẫu thuật bắc cầu mạch vành là một phản ứng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm bớt cảm giác lo sợ bằng cách đặt ra những vấn đề mà bản thân chưa hiểu rõ và nói chuyện trực tiếp với bác sĩ của mình.

Bước đầu tiên để giảm nhẹ sự lo lắng trước khi phẫu thuật, bệnh nhân hãy nghĩ đến những lợi ích mà phương pháp này mang lại: Phẫu thuật bắc cầu mạch vành (CABG) sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng đau ngực và khó thở khi gắng sức, hơn thế nữa đây là phương pháp điều trị giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.


Phẫu thuật bắc cầu mạch vành sẽ giúp bệnh nhân giảm nhẹ cảm giác đau ngực, khó thở
Phẫu thuật bắc cầu mạch vành sẽ giúp bệnh nhân giảm nhẹ cảm giác đau ngực, khó thở

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể quay trở lại hoạt động bình thường, cải thiện khả năng gắng sức và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim trong tương lai, cải thiện tuổi thọ cho người bệnh. Chính vì thế, phẫu thuật bắc cầu là phương pháp điều trị vô cùng cần thiết, mang lại cho bệnh nhân rất nhiều lợi ích to lớn.

Mặc dù đã hiểu rõ về những lợi ích mà phẫu thuật bắc cầu mang đến nhưng hầu hết mọi người vẫn cảm thấy lo lắng vì sắp phải đối mặt với một cuộc phẫu thuật tim lớn. Để giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn, các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên chủ động hỏi bác sĩ tim mạch những vấn đề xảy ra từ trước đến sau khi phẫu thuật: vì sao bệnh nhân nhất thiết phải phẫu thuật, trong quá trình mổ bệnh nhân có cần thiết sử dụng máy tim phổi nhân tạo hay không, bác sĩ phẫu thuật chính có kinh nghiệm như thế nào trong lĩnh vực điều trị bệnh động mạch vành...

2. Sáu điều bệnh nhân cần biết trước khi phẫu thuật bắc cầu mạch vành

2.1 Vì sao phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phương pháp tốt nhất?

Bên cạnh phẫu thuật bắc cầu, bệnh động mạch vành còn có thể được điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp đặt stent. Chính vì thế, bệnh nhân hãy nhờ bác sĩ giải thích chính xác phương pháp điều trị mà họ đề xuất và giải thích vì sao đó là lựa chọn tốt nhất cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Trên thực tế, phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phương pháp điều trị hàng đầu cho những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, mang lại kết quả tốt nhất và lâu dài nhất.


Bác sĩ sẽ giải thích với bệnh nhân vì sao phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là sự lựa chọn tốt nhất của họ
Bác sĩ sẽ giải thích với bệnh nhân vì sao phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là sự lựa chọn tốt nhất của họ

2.2 Bệnh nhân thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch vành có cần ngưng tim hay không?

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể tạm thời ngừng tim bệnh nhân hoặc không. Dựa vào tình trạng tổn thương, giải phẫu cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn ra phương pháp phù hợp tốt nhất.

Trường hợp phải ngừng tim, bác sĩ sẽ kết nối cơ thể bệnh nhân cùng máy tim phổi nhân tạo để thay thế cho chức năng của tim và phổi duy trì sự sống của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Thông thường, sử dụng máu hồi sức tim phổi sẽ đạt được kết quả phẫu thuật tốt hơn.

2.3 Kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật

Khi bệnh nhân biết càng nhiều thông tin về bác sĩ phẫu thuật chính của mình, họ sẽ càng có niềm tin về ca phẫu thuật của bản thân. Kinh nghiệm của bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến một phần kết quả phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Chính vì thế, bệnh nhân hãy thẳng thắn hỏi kinh nghiệm của bác sĩ điều trị để bản thân không còn bất kỳ lo lắng nào trước khi phẫu thuật diễn ra.


Kinh nghiệm của bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến một phần kết quả phẫu thuật
Kinh nghiệm của bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến một phần kết quả phẫu thuật

2.4 Chế độ ăn uống có bị hạn chế trước hoặc sau khi phẫu thuật không?

Thông thường, bác sĩ sẽ không đưa ra hạn chế cụ thể nào về chế độ ăn kiêng trước hoặc sau phẫu thuật. Tuy nhiên theo các bác sĩ, ăn uống lành mạnh sẽ mang lại những lợi ích rất tốt cho sức khỏe tim mạch của mọi người.

Cắt giảm lượng carbohydrate, ăn nhiều rau, trái cây tươi, ăn uống điều độ và duy trì cơ thể khỏe mạnh là biện pháp phòng ngừa bệnh động mạch vành hiệu quả, đồng thời hỗ trợ quá trình khôi phục sức khỏe sau phẫu thuật diễn ra tốt hơn.


Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bệnh nhân khôi phục sức khỏe sau phẫu thuật tốt hơn.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bệnh nhân khôi phục sức khỏe sau phẫu thuật tốt hơn.

2.5 Quá trình hồi phục sau phẫu thuật diễn ra thế nào?

Quá trình hồi phục của bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tuổi tác và tình trạng thể chất trước khi phẫu thuật. Trường hợp bệnh nhân còn trẻ và khỏe mạnh, quá trình hồi phục có thể diễn ra nhanh chóng.

Thông thường, bệnh nhân phải ở lại bệnh viện từ 5 đến 7 ngày sau khi thực hiện phẫu thuật. Một số bệnh nhân có tình trạng thể chất tốt hơn có thể được xuất viện sớm hơn.

2.6 Bệnh nhân được làm gì và không nên làm gì sau khi phẫu thuật?

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân tránh nâng vật nặng và thực hiện các hoạt động gắng sức sau phẫu thuật để cơ thể có thời gian hồi phục. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bệnh nhân nên nằm trên giường, ngồi trên ghế suốt cả ngày dài. Hiện nay, để quá trình hồi phục diễn ra tốt hơn, bệnh nhân nên tập đi lại ngay từ khi còn đang nằm viện.

Sau khi về nhà, bệnh nhân có thể thực hiện hầu hết các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày ngoại trừ việc nâng vật nặng và tập thể dục với cường độ cao. Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau ba đến bốn tuần. Bệnh nhân hãy giữ tâm trạng thoải mái trong hai tháng đầu tiên. Thông thường, cơ thể bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng 8 tuần.


Bệnh nhân tránh tập thể dục với cường độ cao sau khi phẫu thuật
Bệnh nhân tránh tập thể dục với cường độ cao sau khi phẫu thuật
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe