Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh lõm ngực bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, việc phát hiện sớm lõm ngực ở trẻ giúp trẻ được điều trị sớm ngăn chặn các biến nguy hiểm xảy ra.
1. Tìm hiểu về bệnh lõm ngực bẩm sinh
Lõm ngực bẩm sinh là xuất hiện vết lõm sâu bất thường ở thành ngực trước do sự phát triển bất thường của 1 số xương sườn và xương ức theo chiều hướng vào trong lồng ngực.
Tỉ lệ mắc khá cao khoảng 1/1000 trẻ sinh ra. Trong đó trẻ nam mắc nhiều gấp 4 lần nữ. Nguyên nhân gây bệnh có thể yếu tố di truyền, sau mổ tim hở, thiếu canxi, vitamin D,..
Trẻ bị lõm ngực bẩm sinh chia thành nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng có thể gây các hậu quả như:
- Ảnh hưởng thẩm mỹ
- Vẹo cột sống; Khi lồng ngực bị lõm lệch sang một bên cột sống sẽ cong về bên kia bù trừ dẫn đến vẹo cột sống
- Ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ. Trường hợp lõm quá nặng lồng ngực không giãn nở đủ tốt dẫn đến giảm chức năng hô hấp, không đảm bảo thể tích để trao đổi oxy.
- Lâu dài vết lõm nặng có thể chèn ép vào tim gây hở van tim.
- Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả nhằm cải thiện đường thở, tư thế, thẩm mỹ và chức năng tim, hạn chế các biến chứng
2. Biểu hiện của lõm ngực bẩm sinh
Trường hợp nặng có thể thấy ngay vết lõm sâu ở ngực có thể phát hiện ngay khi sinh biểu hiện bằng đường rãnh sâu trước ngực, khi trẻ quấy khóc hoặc hít sâu, rãnh này trở nên rõ hơn.
Một số trường hợp đường rãnh này trở nên sâu hơn, dễ nhận thấy hơn khi trẻ lớn lên, tức là càng ngày càng nặng hơn.
Ngoài ra người bệnh có thể trạng gầy yếu, mệt mỏi, hay thở dốc khi hoạt động gắng sức, có cảm giác đau và tức ngực, nhiễm trùng hô hấp tái phát, mặc cảm tâm lý.
3. Điều trị
Phẫu thuật là phương pháp duy nhất điều trị hiệu quả, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có chỉ định phẫu thuật khác nhau dựa và triệu chứng mệt khi gắng sức, dấu hiệu đẩy lệch tim, tính thẩm mỹ,..
Bệnh cần được phẫu thuật khi chỉ số lồng ngực trên 3,25 ( chỉ số Haller đánh giá chiều trước – sau của lồng ngực) đánh giá dựa trên film chụp cắt lớp vi tính.
Lứa tuổi phù hợp nhất để phẫu thuật là trẻ trên 3 tuổi vì ở giai đoạn này việc mổ thuận lợi cho gây mê, phẫu thuật viên, cho cả trẻ.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật lõm ngực bao gồm:
- Phẫu thuật đặt thanh nâng ngực:
- Đưa một thanh thép cong vào dưới xương ức nhằm nâng khu vực bị lõm, sau đó được cố định vào hai bên xương sườn. Thanh thép sẽ được đặt trong người bệnh nhân từ hai đến ba năm. Sau đó bác sĩ sẽ phẫu thuật để tháo ra.
- Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra nhiều biến chứng như thanh nâng ngực bị xoay, trong quá trình phẫu tích đưa thanh nâng ngực vào có thể bị rách ở tim (tức là rách màng nhĩ, rách màng tim và một số trường hợp có thể bị chảy máu).
- Sử dụng chuông nâng ngực là dụng cụ điều trị lõm xương ức ở trẻ em
- Chuông nâng xương ức là bộ thiết bị hút đặt bên ngoài lồng ngực, úp lên diện lõm của thành ngực trước, được điều chỉnh áp lực bằng bóng bóp. Thiết bị này có tác dụng nâng xương ức và khung xương sườn bằng lực hút chân không, có thể quan sát hiệu quả bằng cách nhìn vào kính quan sát.
- Chuông nâng xương ức có thể sử dụng thay thế hoàn toàn cho phẫu thuật đặt thanh nâng. Ngoài ra, chuông cũng có thể dùng trong thời gian chuẩn bị mổ, thậm chí trong cuộc mổ để tạo khoang sau xương ức, giúp việc đặt thanh an toàn hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, và ít chảy máu. Kết quả điều trị lõm ngực thường rất tốt, sức khỏe và thể lực được cải thiện rõ rệt.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường của trẻ bố mẹ nên đưa bé đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.