Nhằm giúp các cha mẹ nhận biết được các dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh để xử trí ngay trong giai đoạn cấp cứu trước khi chuyển đến cơ sở y tế, dưới đây là hướng dẫn của Giáo sư Tiến sĩ Phạm Nhật An - Giám đốc Trung tâm Nhi tại Vinmec Times City.
Để trẻ khỏe mạnh, ít bị ốm hoặc trẻ bị bệnh được điều trị ngay, người chăm sóc trẻ phải phát hiện được khi trẻ có các dấu hiệu không bình thường để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị. Dấu hiệu của trẻ thường xảy ra là suy hô hấp – thân nhiệt – vàng da – bệnh lý về da và rốn.
1. Bệnh lý về hô hấp
- Biểu hiện: Nhịp thở nhanh nông, có thể rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, di động lồng ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở; kèm theo sốt hoặc hạ nhiệt độ, xuất tiết/ngạt mũi.
- Chăm sóc: Khi trẻ có dấu hiệu trên, cần nới lỏng quần áo, bế trẻ hơi ngửa cổ cho dễ thở, làm thông thoáng đường thở cho trẻ, hút dịch mũi nếu có.
2. Vấn đề thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể trẻ bình thường từ 36.5 độ C - 37.4 độ C
- Trẻ hạ nhiệt độ: Nhẹ (36 – 36.4 độ C), trung bình (32 - 35.9 độ C) và nặng (<32 độ C).
- Tăng thân nhiệt (sốt): Là nhiệt độ của cơ thể > 37.5 độ C về sáng.
- Biểu hiện: Nhiệt độ tăng, da trẻ nóng đỏ, có mồ hôi, nhịp thở nhanh, quấy khóc.
- Chăm sóc trẻ bị hạ thân nhiệt bằng cách ủ ấm ngay như đội mũ, đeo tất tay chân quấn ủ khăn có thể ôm ủ vào người chăm sóc da kề da, tăng nhiệt độ phòng 28 - 30 độ, đặt sưởi cạnh giường.
- Xử trí trẻ bị tăng thân nhiệt (sốt) bằng cách hạ nhiệt độ phòng, cởi bỏ bớt quần áo, cho trẻ bú mẹ (nếu trẻ bú được), dùng miếng dán hạ nhiệt độ, chườm khăn ướt vào trán.
3. Dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh
- Biểu hiện: Vàng da xuất hiện sớm trong 1 - 2 ngày đầu sau sinh, vàng mặt sau xuống ngực, bụng, chân tay, tốc độ vàng da tăng nhanh, màu sắc da vàng đậm, vàng rõ như màu vàng nghệ, màu vàng rơm, trẻ bú kém hoặc có thể bỏ bú, quấy khóc, tăng trương lực cơ, xoắn vặn, nhịp thở nhanh hoặc chậm. có thể sốt.
- Chăm sóc: Quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng ban ngày trong 7 ngày đầu để phát hiện vàng da sớm.
- Xử trí: Cho trẻ đến khám ngay nếu vàng da sớm sau sinh, vàng càng nhanh kèm theo các dấu hiệu thần kinh.
4. Bệnh lý về rốn
- Biểu hiện: Chân rốn ướt có dịch, có mủ, mùi hôi. Rốn chảy máu, sưng đỏ, có thể viêm tấy thành bụng quanh rốn hoặc trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn như sốt , bú kém hoặc bỏ bú, bụng chướng, rối loạn tiêu hóa.
- Chăm sóc: Tắm cho trẻ hằng ngày bằng nước chín, vệ sinh chân rốn bằng cồn 700.
5. Các vấn đề cần lưu ý
- Biết được nhịp thở bình thường của trẻ là 40 - 60l/phút. Nếu nhanh hoặc chậm hơn cần theo dõi sát. Khi thấy nhiệt độ trẻ hạ hoặc tăng hơn bình thường cần được xử trí ngay.
- Chăm sóc rốn thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
- Quan sát màu da trẻ hàng ngày dưới ánh sáng ban ngày.
- Cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay sau khi đã được xử trí.
Để bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, bạn cần theo dõi và đưa trẻ đi thăm khám khi có biểu hiện bất thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.