Phản ứng quá mẫn thuốc Phần 1

Bài viết được viết bởi TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng đơn nguyên Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng/ Giảng viên Y - Bệnh viện Vinmec Times City/ Đại học Vinuni.

Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường do hệ miễn dịch của bạn đáp ứng quá mức với thuốc hoặc các thành phần tá dược trong thuốc. Tất cả các thuốc đều có nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng bao gồm thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc và vắc-xin. Tuy nhiên, có một vài loại thuốc thường hay gây ra phản ứng dị ứng hơn đó là kháng sinh, các thuốc giảm viêm chống đau, thuốc nhóm gây tê-gây mê và nhóm thuốc cản quang dùng trong chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ).

1. Biểu hiện phổ biến của phản ứng dị ứng thuốc

Biểu hiện phổ biến nhất của phản ứng dị ứng thuốc là ban đỏ trên da hoặc sốt. Tuy nhiên có trường hợp xảy ra phản ứng nặng có thể tử vong hoặc gây tổn thương các cơ quan nội tạng (thận, gan, đường hô hấp, tim mạch và não) ví dụ như sốc phản vệ hoặc các tổn thương da nặng.

Phản ứng dị ứng thuốc là phản ứng xảy ra mang tính chất cá thể. Có nghĩa là có thể xảy ra với người này mà không xảy ra với người kia. Do đó nó nguy hiểm và không thể đoán trước được. Nó khác với các phản ứng phụ do quá liều, ngộ độc hay những tác dụng phụ khác mà chúng ta biết chắc chắn nó sẽ xảy ra khi chúng ta dùng quá liều. Dị ứng thuốc đôi khi không có phụ thuộc liều, một lượng nhỏ thuốc cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng nặng và thậm chỉ tử vong.


Bọng nước trong tổn thương da nặng
Bọng nước trong tổn thương da nặng

Ngoại ban do thuốc
Ngoại ban do thuốc

2. Ai là người có nguy cơ cao dị ứng thuốc?

Dị ứng thuốc thường hay xảy ra ở những người hay có các bệnh lý dị ứng (atopy):

  • Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay hoặc các phản ứng dị ứng liên quan đến thức ăn
  • Những ai đã có lần có phản ứng dị ứng với thuốc trước đó. Nguy cơ dị ứng gia tăng liên quan đến dị ứng chéo
  • Người trong gia đình có bệnh lý dị ứng
  • Dị ứng thuốc hay gặp hơn ở nữ so với nam, người lớn tuổi so với trẻ tuổi do có thể liên quan đến các bệnh lý kèm theo và số lượng thuốc sử dụng
  • Đặc biệt, một số loại thuốc có nguy cơ gia tăng các phản ứng dị ứng liên quan đến gen di truyền. Ví dụ, người Việt Nam có nguy cơ dị ứng với các thuốc allopurinol điều trị gút và carbamazepine điều trị động kinh cao hơn khoảng 15-20 lần so với người da trắng vì liên quan đến kiểu gen đặc hiệu của người Việt Nam

3. Những biểu hiện nào nghi ngờ do dị ứng thuốc?

Các biểu hiện của dị ứng thuốc khá đa dạng do có thể liên quan đến nhiều cơ quan. Có thể từ nhẹ như các biểu hiện trên da bao gồm ban đỏ, ngứa đến mức độ nặng và tử vong. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay sau uống thuốc (từ vài phút đến dưới 1h) hoặc xảy ra chậm trong vòng vài giờ, vài ngày thậm chí vài tháng sau dùng thuốc.

Các biểu hiện của dị ứng thuốc bao gồm:

  • Ban đỏ
  • Ngứa
  • Sốt
  • Chảy mũi
  • Ngứa mắt, chảy nước mắt
  • Sưng phù (môi, mắt, mặt, đường thở)

Biểu hiện mày đay cấp trên người bệnh có phản ứng dị ứng thuốc
Biểu hiện mày đay cấp trên người bệnh có phản ứng dị ứng thuốc

4. Các biểu hiện nặng của sốc phản vệ

Sốc phản vệ là phản ứng hiếm, đe dọa tính mạng. Trong sốc phản vệ, có nhiều cơ quan tổn thương như hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn và hệ thần kinh trung ương. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:

  • Tắc nghẽn đường thở, cảm giác tắc nghẽn họng miệng, tức nặng ngực, khó thở
  • Cảm giác buồn nôn, nôn, đau bụng quặn do co thắt đường ruột
  • Nôn và/hoặc đi ngoài
  • Chóng mặt, có cảm giác sợ ánh sáng
  • Mạch nhanh, nhỏ, yếu
  • Huyết áp tụt
  • Co giật
  • Mất ý thức

Khi có một trong các triệu chứng trên sau khi dùng thuốc cần phải được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Bạn cần gọi cấp cứu để đưa đến bệnh viện kịp thời vì diễn biến của sốc phản vệ diễn ra rất nhanh và có thể nguy hiểm đến tính mạng.


Phù môi và ban giãn mạch ở bệnh nhân sốc phản vệ
Phù môi và ban giãn mạch ở bệnh nhân sốc phản vệ

5. Các biểu hiện khác của dị ứng thuốc

Các phản ứng dị ứng ít gặp hơn, có thể xảy ra sau vài ngày đến vài giờ gọi là các phản ứng chậm. Thậm chí khi bạn đã ngừng uống thuốc thì triệu chứng vẫn tiếp diễn. Các biểu hiện bao gồm:

  • Bệnh huyết thanh: bệnh huyết thanh do thuốc thường xảy ra sau khoảng 1 tuần dùng thuốc, biểu hiện hay gặp là ban đỏ trên da, sốt, có sưng phù mặt, môi, buồn nôn và đau khớp.
  • Thiếu máu do thuốc: xét nghiệm máu giảm số lượng hồng cầu. Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, nhịp tim không đều, thở nông và có thể kèm theo các biểu hiện khác.
  • Tổn thương da nặng: tổn thương da có thể loét trợt da một phần hoặc toàn bộ cơ thể, có thể ban đỏ da. Tổn thương nội tạng bao gồm gan, thận, viêm phổi do thuốc, viêm màng não do thuốc. Có thể có biểu hiện rối loạn tế bào bạch cầu máu, sưng đau các hạch lympho. Biểu hiện hay gặp nhất là sốt, sốt thường cao >38.5.
  • Ban mụn mủ cấp tính toàn thân: Một vài bệnh nhân có xuất hiện ban mụn mủ như đầu đinh ghim trên da, lan toàn thân sau uống thuốc vài giờ đến vài ngày. Có sốt, xét nghiệm có tăng bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Viêm thận do thuốc: sau dùng thuốc, một vài trường hợp có biểu hiện sốt kèm theo đái máu, sưng phù mắt, môi, mặt.

Hồng ban nhiễm sắc cố định
Hồng ban nhiễm sắc cố định

6. Tại sao thuốc lại gây dị ứng?

Dị ứng thuốc xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị sai sót khi coi thuốc là một yếu tố lạ có thể gây hại cho cơ thể giống như các vi khuẩn, vi rút. Khi thuốc được đưa vào cơ thể lần đầu, hệ thống miễn dịch sẽ sinh ra kháng thể được gọi là IgE. Lượng kháng thể này được sinh ra nhiều bất thường và đó là nguồn cơn của phản ứng dị ứng sau này.

Khi trong cơ thể có kháng thể này, chúng như một đội quân trực chờ sẵn khi thuốc “vượt rào” vào cơ thể. Khi thuốc được đưa vào cơ thể lần sau, các kháng thể có sẵn này sẽ gây ra một “thác miễn dịch”. Các chất hóa học sẽ được sinh ra như một quả bom và gây hại cho cơ thể. Các hóa chất này làm giãn mạch-> sinh các ban đỏ, sẩn trên da, ngứa, nặng có thể giảm huyết áp, trụy tim mạch. Co thắt phế quản gây tức nặng ngực, khó thở...

Hầu hết chúng ta không biết được lần đầu tiếp xúc với các thuốc gây ra dị ứng là khi nào. Tuy nhiên, những loại thuốc đó có thể có trong thức ăn, có trong tự nhiên (các loại nấm sinh kháng sinh) mặc dù ở dạng vết (với lượng rất nhỏ) cũng làm cho hệ miễn dịch phản ứng lại. Do đó, khi chúng ta được tiêm, uống thuốc lần đầu (thực tế là lần thứ 2 chúng ta tiếp xúc) sẽ gặp phải những phản ứng toàn thân do trong cơ thể đã có sẵn kháng thể trực chờ.

Tuy nhiên, một vài trường hợp dị ứng thuốc còn có các cơ chế khác do bản chất thuốc và cách phản ứng lại của hệ thống miễn dịch của chúng ta rất đa dạng. Do vậy, cùng một thuốc có thể có nhiều loại phản ứng và biểu hiện khác nhau hoặc ngược lại nhiều loại thuốc có thể gây ra những phản ứng giống nhau những cơ chế có thể giống hoặc khác nhau, có thể là dị ứng thật sự hoặc các phản ứng giả dị ứng (aspirin, các thuốc giảm đau opiate và các thuốc cản quang).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe