Hệ thống phân loại suy tim theo NYHA của hiệp hội tim mạch New York dựa trên chức năng lâm sàng của bệnh nhân. Hệ thống này được gọi là bảng phân cấp NYHA (New York Heart Association Functional Classification - NYHA), chia suy tim thành bốn cấp độ chức năng để đánh giá mức độ nặng của suy tim và hướng dẫn trong việc quản lý, điều trị.
1. Suy tim và biểu hiện suy tim
Suy tim là một tình trạng bệnh lý mà tim không còn hoạt động tốt để đáp ứng nhu cầu máu và dưỡng chất của cơ thể. Trong trường hợp suy tim, tim không thể bơm máu đủ để cung cấp máu và dưỡng chất cần thiết đến các cơ quan trong cơ thể. Biểu hiện suy tim có thể được nhận biết lâm sáng thông qua các triệu chứng sau:
Triệu chứng cơ năng:
- Khó thở: đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của suy tim. Người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi thở, đặc biệt là khi thực hiện các hoạt động như đi bộ nhanh hoặc leo cầu thang.
- Mệt mỏi: mệt mỏi có thể xuất hiện ngay cả khi làm những công việc nhẹ và các hoạt động hàng ngày.
- Khó khăn khi hoạt động: người bệnh có thể gặp khó khăn khi tham gia vào các hoạt động thể chất và thoải mái hơn khi ngồi nghỉ.
- Ở những người lớn tuổi còn xuất hiện một số triệu chứng như: kiệt sức, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, tăng cân, không có khả năng tự chăm sóc bản thân...
Triệu chứng thực thể:
- Tim đập nhanh: tim có thể đập nhanh hơn bình thường và nhịp tim có thể không đều.
- Tiếng tim T3: tiếng tim thứ ba (tiếng tim T3) là một trong những dấu hiệu của suy tim và có thể được nghe bằng ống nghe.
- Ran phổi: do sự tích tụ của nước trong phổi, người bệnh có thể trải qua ran phổi, một triệu chứng có thể được nghe qua ống nghe.
- Phù ngoại vi: sự giữ nước dẫn đến sưng ở các khu vực như chân và bắp chân.
- Gan to: tim hoạt động yếu dẫn đến sự giữ nước trong cơ thể, khiến gan to hơn.
- Tĩnh mạch cổ nổi: đối với một số bệnh nhân, các tĩnh mạch ở cổ có thể nổi lên, vì áp lực tăng do suy tim.
2. Cấp độ suy tim theo NYHA - hiệp hội tim mạch New York
Phân độ suy tim theo NYHA được phân chia dựa trên chức năng lâm sàng của bệnh nhân, đặc biệt là dựa trên khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày mà không gặp khó khăn. Gồm 4 cấp độ như sau:
Suy tim độ I:
- Bệnh nhân không gặp hạn chế về vận động thể thực.
- Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hoặc hồi hộp.
Suy tim độ II:
- Hạn chế nhẹ về vận động thể lực.
- Bệnh nhân cảm thấy khỏe khi nghỉ ngơi nhưng vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt mỏi, khó thở, hồi hộp và có thể xuất hiện đau ngực.
Suy tim độ III:
- Hạn chế nhiều về vận động thể lực.
- Bệnh nhân cảm thấy khỏe khi nghỉ ngơi nhưng khi tham gia vào các hoạt động nhẹ sẽ xuất hiện triệu chứng cơ năng như: mệt, khó thở, hồi hộp và đau ngực.
Suy tim độ IV:
- Gặp khó khăn khi vận động thể lực.
- Triệu chứng cơ năng của suy tim xuất hiện ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi. Mọi vận động thể lực kể cả nhẹ đều có thể làm tăng các triệu chứng cơ năng.
Sự tiến triển của suy tim qua các giai đoạn khác nhau phản ánh sự đa dạng của bệnh lý và cần thiết phải có sự theo dõi và quản lý thích hợp:
Suy tim độ I và II (Giai đoạn nhẹ):
- Bệnh nhân hầu như không có các triệu chứng rõ ràng và chỉ cảm thấy mệt nhẹ khi hoạt động gắng sức.
- Các triệu chứng ở giai đoạn này thường khó phát hiện và có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là các bệnh lý hô hấp thông thường.
- Quản lý tốt ở giai đoạn này có thể giúp kiểm soát và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Suy tim độ III và IV (Giai đoạn nặng):
- Các triệu chứng của bệnh trở nên rõ ràng hơn và ảnh hưởng lớn đến công việc và hoạt động thường ngày của người bệnh.
- Khả năng vận động giảm và mệt mỏi có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Các triệu chứng như khó thở hoặc đau ngực có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Điều trị tại giai đoạn này thường đòi hỏi sự can thiệp chuyên sâu và quản lý chặt chẽ để giảm bớt bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
3. Giai đoạn suy tim theo ACC/AHA
Hội tim mạch New York (NYHA) và Hội tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology - ACC) cùng với hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association - AHA) đều đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và quản lý bệnh suy tim nhưng cách tiếp cận khác nhau. Hệ thống phân loại giai đoạn suy tim theo ACC/AHA dựa trên mức độ nặng của bệnh và nguy cơ. Có 4 giai đoạn suy tim dựa trên dựa trên sự tiến triển của suy tim:
Giai đoạn A:
- Chưa có tổn thương tim hay triệu chứng suy tim.
- Là giai đoạn nguy cơ với những bệnh nhân có các yếu tố rủi ro cao về suy tim như: huyết áp cao, tiểu đường, hút thuốc lá hoặc tiền sử gia đình về các vấn đề tim mạch.
Giai đoạn B:
- Trong giai đoạn này, bệnh nhân đã có một vấn đề tim mạch cụ thể như một tổn thương van tim, tiền căn nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, rối loạn chức năng tâm thu thất trái... nhưng vẫn chưa xuất hiện triệu chứng của suy tim.
- Bác sĩ có thể thấy được dấu hiệu của vấn đề tim mạch thông qua các kết quả hình ảnh hoặc các xét nghiệm.
Giai đoạn C:
- Trong giai đoạn này, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của suy tim như: khó thở, mệt mỏi hoặc sưng.
- Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày và có thể cảm nhận sự giảm chất lượng cuộc sống.
Giai đoạn D:
- Đây là giai đoạn nặng nhất, bệnh nhân trải qua nhiều cấp độ và triệu chứng của suy tim đã nghiêm trọng.
- Các triệu chứng như: khó thở dù bệnh nhân đang nghỉ ngơi, đau ngực không giảm sau khi sử dụng nitrat và sự giảm khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày.
- Giai đoạn này sẽ có nguy cơ cao về các biến chứng nghiêm trọng như: đột quỵ, rối loạn nhịp tim hoặc cần phẫu thuật tim mạch.
Dù được phân loại độ suy tim theo NYHA hay các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA thì bệnh lý cũng đều phát triển từ nhẹ đến nặng. Chúng ta cần theo dõi và quan tâm đến sức khỏe tim mạch. Quản lý suy tim thường tập trung vào việc phát hiện và can thiệp sớm để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân suy tim rất cần thiết vì điều trị bệnh lý cần kết hợp: thuốc, thay đổi lối sống và quản lý chặt chẽ từ phía bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất:
Bệnh suy tim là gì? Cách chữa bệnh suy tim
XEM THÊM