Phân biệt sốt mọc răng với sốt do viêm họng ở trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốt là tình trạng bệnh lý rất hay gặp trên lâm sàng với trẻ nhỏ, đặc biệt là trong độ tuổi cơ thể cũng như hệ miễn dịch chưa phát triển và hoàn thiện một cách đầy đủ nhất. Trong đó, sốt mọc răng và sốt do viêm họng là hai hiện tượng rất dễ nhầm lẫn trên lâm sàng nên cần được phân biệt rõ để có biện pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp.

1. Trẻ bị sốt cao

Vì đặc điểm hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và dễ bị tấn công bởi những tác nhân ở môi trường ngoài nên tình trạng trẻ bị sốt cao rất phổ biến, kèm với đó là những triệu chứng lâm sàng khác. Dễ dàng thấy rằng, trẻ có thể bị sốt do những bệnh lý thông thường như cảm lạnh, viêm họng,... hoặc cũng có thể là sốt mọc răng.

Trên lâm sàng, rất khó để phân biệt được sốt mọc răng hay sốt do bệnh lý khác với những triệu chứng chung, đó là thân nhiệt cơ thể trẻ em tăng cao, trẻ có biểu hiện mệt mỏi nhiều, quấy khóc và có thể bỏ bú, khiến nhiều phụ huynh hay nhầm lẫn hai tình trạng này và xử lý sai cách. Vì vậy, cần hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến sốt ở trẻ em, phân biệt rõ những triệu chứng của sốt mọc răng hay sốt do nguyên nhân khác, trong đó điển hình nhất là sốt do viêm họng.


Trẻ có thể bị sốt do những bệnh lý thông thường như cảm lạnh, viêm họng,... hoặc cũng có thể là sốt mọc răng.
Trẻ có thể bị sốt do những bệnh lý thông thường như cảm lạnh, viêm họng,... hoặc cũng có thể là sốt mọc răng.

2. Sốt mọc răng

Sốt mọc răng là một trong những dạng sốt rất thường gặp ở trẻ em. Để có thể nhận biết được chính xác tình trạng này thì phụ huynh cần quan sát thật kỹ những biểu hiện đi kèm theo sốt mọc răng như chảy nhiều nước dãi hơn so với bình thường, sưng nướu răng, trẻ khó chịu vì đau nhức phần nướu nên luôn quấy khóc, đôi lúc có biểu hiện đờ đẫn.

Bên cạnh đó, trẻ còn có thói quen cắn, ngậm và cho vào miệng những đồ vật xung quanh trẻ vì lúc này, răng mọc khiến trẻ có cảm giác ngứa và khó chịu bên trong miệng. Vì có những biểu hiện này nên trẻ luôn cảm thấy bứt rứt, dẫn đến rất khó ngủ so với thường ngày. Quan trọng hơn hết là sốt mọc răng thường là sốt nhẹ, nhiệt độ không tăng quá cao, kèm với đó là trẻ sẽ không có những biểu hiện nặng khác như tiêu chảy, ho, chảy mũi nước,...

Sốt mọc răng thường tồn tại trong thời gian rất ngắn, khoảng 1 – 2 ngày và sau đó sẽ tự động khỏi mà không cần điều trị gì. Trong những trường hợp này thì trẻ có thể được phụ huynh tự chăm sóc tại nhà. Nếu sốt nhẹ dưới 38°C thì không cần uống thuốc hạ sốt mà chỉ cần lau mát cho trẻ, áo quần cũng nên lựa chọn chất liệu mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi, cho trẻ uống nhiều nước trong thời gian này. Vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa, bổ sung nước trái cây và dung dịch Oresol nếu cần thiết.

Nếu trẻ sốt cao trên 38°C và phụ huynh băn khoăn và lo lắng về tình trạng này thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý hạ sốt và theo dõi tình trạng sức khỏe. Phụ huynh cũng nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ trong giai đoạn này, đặc biệt là phần nướu. Bên cạnh đó, đừng quên dùng khăn mềm để lau sạch phần nước dãi trên mặt cho trẻ.

Tổng quan thì sốt mọc răng không quá nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ quá nhiều, phụ huynh nên giữ tâm lý bình tĩnh và thực hiện đúng những khuyến cáo trên để giúp trẻ mau chóng hạ sốt nhất có thể.


Sốt mọc răng là một trong những dạng sốt rất thường gặp ở trẻ em.
Sốt mọc răng là một trong những dạng sốt rất thường gặp ở trẻ em.

3. Sốt do viêm họng

Ngược lại, sốt do viêm họng thường cao hơn, vượt trên 38°C và xuất hiện những dấu hiệu như rét run hay ra mồ hôi nhiều hơn. Sốt do viêm họng có thể khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái mất nước, cơ thể mệt mỏi và bủn rủn tay chân nhiều hơn so với sốt mọc răng. Bệnh nhi còn có thể bị chảy mũi nước, đau vùng hầu họng, chán ăn, bỏ bú,...

Nguyên nhân của sốt do viêm họng là do những tác nhân gây bệnh thường gặp như virus, vi khuẩn tấn công hệ miễn dịch của trẻ và gây bệnh. Ngoài sốt do viêm họng thì những nguyên nhân thường gặp khác của sốt đó là bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch, bệnh lý viêm, nhiễm trùng, hay do tác dụng phụ của vắc – xin tiêm phòng.

Sốt do viêm họng hay những loại sốt thông thường khác thường kéo dài trên 2 ngày. Trên lâm sàng, nếu trẻ bị sốt và có dấu hiệu đỏ họng thì nguyên nhân nghĩ đến nhiều nhất có thể là sốt do siêu vi, lúc này cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và bổ sung thật nhiều nước ấm. Nếu trẻ bị nhiễm vi khuẩn hoặc nghi ngờ sốt do viêm họng nhiễm liên cầu nhóm A thì có thể dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh mà không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị. Khi dùng thuốc thì phải dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ trong khoảng 7 – 10 ngày, không tự động bỏ thuốc hay điều chỉnh liều.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý đến môi trường sống của trẻ bằng cách không để trẻ nằm ngủ trong không gian có nhiệt độ quá thấp, nên cho trẻ uống nước ấm thay vì uống nước lạnh. Không nên cho trẻ bú vào ban đêm và làm sạch vùng miệng sau khi bú để hạn chế tối đa những điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, quan trọng nhất là người mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu càng tốt vì trong sữa mẹ có chứa nhiều thành phần kháng thể giúp phát triển hệ miễn dịch của trẻ tốt nhất. Nếu đến lịch tiêm phòng vắc – xin thì phụ huynh cần tiêm đầy đủ cho trẻ để tạo kháng thể chống lại bệnh tật.


Sốt do viêm họng thường cao hơn sốt mọc răng (>38 độ C).
Sốt do viêm họng thường cao hơn sốt mọc răng (>38 độ C).

4. Kết luận

Sốt mọc răng và sốt khác, trong đó phổ biến nhất là sốt do viêm họng là hai biểu hiện rất giống nhau trên lâm sàng nhưng bản chất lại hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, nếu phát hiện trẻ bị sốt cao hoặc có những biểu hiện khác thì cần quan sát và theo dõi liên tục để xử lý kịp thời, tránh gây ra các biến chứng.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ Nhi khoa có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đặt lịch khám Nhi, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe