Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Tuyết Mai - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Cơ thể phụ nữ sau khi sinh con có ít nhiều thay đổi, trong đó sản dịch và kinh nguyệt sau sinh vẫn luôn là đề tài được nhiều chị em đặc biệt chú ý. Sản dịch sau sinh và thời gian có kinh trở lại có thể khác nhau tùy theo từng sản phụ và phương pháp sinh nở của người mẹ.
1. Nhận biết sản dịch sau sinh
Sản dịch sau sinh là dịch từ buồng tử cung theo âm đạo chảy ra khi người mẹ vừa sinh con xong và bắt đầu thời kỳ hậu sản. Sản dịch thường bao gồm máu cục và máu loãng chảy từ niêm mạc tử cung, các mô của lớp niêm mạc và có thể lẫn cả vi khuẩn. Khi nhau thai bong khỏi tử cung trong quá trình sinh nở, nó khiến cho các mạch máu tại nơi tiếp xúc giữa nhau thai và tử cung bị vỡ, lượng máu này sẽ chảy vào tử cung, sau đó chảy ra ngoài qua ngã âm đạo. Sau khi nhau thai được xuất hết ra khỏi cơ thể, tử cung sẽ co bóp giúp đóng các mạch máu lại nhằm giảm lượng máu chảy ra ngoài.
Sản dịch sau sinh có thể khác nhau tùy theo từng sản phụ và còn phụ thuộc vào phương pháp sinh nở của người mẹ. Lượng máu trong cơ thể thường tăng lên khá nhiều trong quá trình mang thai nên việc chảy máu sản dịch sau sinh hiếm khi gây ra tình trạng thiếu máu.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
- Trong 3 ngày đầu sau sinh: Sản dịch thường là máu loãng và máu cục nhỏ nên thường có màu đỏ sẫm.
- Ngày thứ 4 đến 8: Sản dịch sẽ loãng hơn, thường chỉ là chất nhầy có lẫn ít máu, màu lờ lờ như máu cá.
- Từ ngày thứ 9 trở đi sản dịch sẽ có chất dịch trong hoặc màu trắng chứa lượng lớn bạch cầu và mô màng vỏ bị hoại tử, tế bào từ niêm mạc tử cung. Hiện tượng này có thể kéo dài từ 2-3 tuần.
Trung bình, sản dịch sau sinh có thể kéo dài suốt 1 tháng. Đối với những sản phụ sinh mổ, thời gian tiết ra dịch có thể ngắn hơn vì phần lớn lớp nội mạc tử cung đã được bác sĩ bóc sạch trong quá trình mổ đẻ. Đối với những mẹ sinh con đầu lòng, sản dịch thường hết nhanh hơn do tử cung có độ co hồi tốt hơn.
2. Sự trở lại của kinh nguyệt sau sinh
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự trở lại của chu kỳ kinh nguyệt sau sinh có thể kể đến như:
- Thời gian phục hồi cơ thể của người mẹ nhanh hay lâu: Nếu cơ thể mẹ phục hồi nhanh thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ nhanh chóng xuất hiện và ngược lại.
- Những mẹ cho con bú thường lâu xuất hiện chu kỳ kinh hơn so với những mẹ không cho bú trực tiếp.
- Sự thay đổi nội tiết tố: Nội tiết tố của phụ nữ sau khi sinh thường bị thay đổi và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh nguyệt trở lại nhanh hay lâu.
- Tâm lý của người mẹ: Sau khi em bé ra đời, phụ nữ thường có thêm rất nhiều thứ phải lo toan, hầu hết mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, yếu tố này sẽ tác động mạnh đến việc chu kỳ kinh nguyệt quay trở lại
3. Khi nào sản phụ có kinh nguyệt trở lại?
Thông thường, phụ nữ có thể có chu kỳ kinh trở lại sau 6 tuần sinh con, khi đó cơ thể mẹ đã trở lại tình trạng như trước khi mang thai. Các hormon nữ progesteron, estrogen, HCG cũng trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, thời gian người phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt trở lại còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kể trên.
Cho con bú ảnh hưởng khá lớn tới chu kỳ kinh nguyệt sau sinh. Những phụ nữ cho con bú hoàn toàn và mật độ cho bú khoảng 2-3 lần vào ban đêm có thể có kinh nguyệt trở lại sau 6 tháng hoặc thậm chí là muộn hơn. Những phụ nữ không cho con bú thường có thể có kinh chỉ sau khoảng 6 tuần.
4. Sản dịch sau sinh và kinh nguyệt sau sinh có giống nhau không?
Có thể thấy, về thời gian xuất hiện sản dịch sau sinh và kinh nguyệt không giống nhau. Tuy nhiên vẫn có những sản phụ sau khi hết sản dịch được không lâu đã có kinh nguyệt trở lại với màu sắc máu đỏ tươi, số lượng máu ra trung bình và giảm dần theo từng ngày, không quá 7 ngày rồi tự hết. Sau khi đã hết sản dịch, nếu bị ra máu với thời gian không quá 7 ngày, màu sắc và lượng máu giống với kinh nguyệt thì rất có khả năng đây là chu kì kinh trở lại. Tuy nhiên nếu ra máu kéo dài trên 7 ngày, mẹ cần đến bác sĩ kiểm tra để xác định nguyên nhân. Một vài trường hợp sản phụ đang cho bé bú, thỉnh thoảng có tiết ít máu ở âm đạo rồi tự hết thì vẫn hoàn toàn bình thường, không phải lo lắng gì.
5. Kinh nguyệt sau sinh bất thường
- Chu kỳ kinh kéo dài hơn bảy ngày hoặc có nhiều cục máu đông lớn.
- Ra máu âm đạo ra lốm đốm giữa các chu kỳ
- Kinh nguyệt đã bắt đầu lại nhưng sau đó biến mất trong khoảng thời gian dài. Nếu kinh nguyệt không đều kéo dài quá lâu, sau 1 năm vẫn không đều hoặc kèm biểu hiện bất thường như: vùng kín có mùi, ngứa ngáy, cục máu đông, chảy máu vùng kín hoặc đau bụng dữ dội thì sản phụ cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, kinh nguyệt sau sinh không đều cũng là hiện tượng bình thường, các bà mẹ không nên quá lo lắng và có thể cải thiện bằng cách: vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không lạm dụng dung dịch vệ sinh, không thụt rửa âm đạo quá sâu để tránh viêm nhiễm, chú ý chế độ nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, vận động nhẹ để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể khỏe mạnh.
Bs Tuyết Mai đã có trên 30 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, đặc biệt trong các phẫu thuật đường dưới, kế hoạch hóa gia đình, phẫu thuật nội soi chuyên môn, xử trí nhiều ca phẫu thuật nặng và khó như:
- Phẫu thuật cắt tử cung, vá màng trinh
- Phẫu thuật u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung
- Chích ngừa ung thư cổ tử cung
- Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
- Đốt điện cổ tử cung
- Khám và điều trị nội tiết
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.