Phù mạch di truyền là một bệnh lý di truyền ít gặp. Phù mạch di truyền có vẻ lành tính, tuy nhiên lại nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy phù mạch di truyền khác với các dạng phù mạch khác như thế nào? Bài viết sẽ trình bày các dấu hiệu phân biệt các dạng phù mạch.
1. Phù mạch và các loại phù mạch
Phù mạch là tình trạng đột ngột sưng phồng da, tổ chức dưới da, hoặc dưới niêm mạc, đường hô hấp, đường tiêu hóa. Tất cả các bộ phận của cơ thể đều có thể bị phù mạch, tuy nhiên thường gặp nhất là môi và mắt. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị phù nề đường hô hấp, nguy hiểm nhất là phù thanh quản gây khó thở cấp tính, đe dọa tính mạng.
Phù mạch được chia làm nhiều loại dựa vào nguyên nhân gây phù mạch:
- Phù mạch dị ứng cấp tính: Nguyên nhân thường do dị ứng thức ăn (như hải sản, sữa, trứng) hoặc một số loại thuốc (như Penicillin, vacxin, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc cản quang), hoặc có thể do côn trùng đốt. Phù mạch dị ứng cấp tính thường xảy ra sau khi tiếp xúc với dị nguyên 1-2 giờ.
- Phản ứng do thuốc không qua cơ chế dị ứng: Các loại thuốc ức chế men chuyển có thể khởi phát phản ứng do thuốc không qua cơ chế dị ứng sau khi dùng thuốc nhiều ngày cho đến hàng tháng.
- Phù mạch tự phát: Nguyên nhân phù mạch tự phát còn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra 30-50% phù mạch tự phát liên quan với các rối loạn tự miễn, trong đó có Lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh phù mạch tự phát thường mạn tính, tái phát.
- Phù mạch di truyền: Bệnh phù mạch di truyền xảy ra do sự bất thường về gen dẫn đến sự thiếu hụt chất ức chế C1 (C1-INH) trong máu.
- Thiếu hụt chất ức chế C1 mắc phải: U lympho tế bào B hoặc kháng thể chống lại chất ức chế C1 có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phù mạch.
2. Phù mạch di truyền (HAE) là gì?
Phù mạch di truyền là bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Đây là một bệnh lý hiếm gặp, đặc trưng bởi sự phù nề của da và mô dưới da. Các đợt phù thường khu trú, tự giới hạn và tự khỏi trong vòng 24-37 giờ. Tần suất đợt cấp rất dao động, có thể 1 cơn/năm nhưng cũng có khi 3 cơn/tuần.
Nguyên nhân của bệnh phù mạch di truyền xuất phát từ các sai hỏng di truyền liên quan với hệ thống hoạt hóa tiếp xúc. Sự sai hỏng của các gene làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát quá trình tạo bradykinin. Sự dư thừa của bradykinin làm giãn và tăng tính thấm mạch máu, ứ đọng dịch trong mô và dẫn đến những đợt phù nề.
Phù mạch di truyền thường được chia làm 3 loại:
- Loại 1 (80 đến 85%): giảm nồng độ và chức năng của chất ức chế C1 lưu hành trong máu.
- Loại 2 (15 đến 20%): giảm chức năng của chất ức chế C1.
- Loại 3 (hiếm gặp, chủ yếu ở phụ nữ): giảm hoạt động chất ức chế C1, quá tải kallikrein, tăng bradykinin gây giãn mạch.
3. Triệu chứng phù mạch di truyền
Bệnh nhân phù mạch di truyền thường không biểu hiện triệu chứng cho đến tuổi dậy thì. Phù mạch di truyền có thể xuất hiện mà không liên quan đến các yếu tố khởi phát (như chấn thương, hoạt động thể lực nhiều, mang thai, kinh nguyệt, uống rượu, thay đổi cảm xúc). Các dấu hiệu phù mạch di truyền thường gặp là:
- Phù mạch dưới da và niêm mạc: Biểu hiện lâm sàng của phù mạch di truyền là sự sưng phù không đối xứng và đau nhẹ, thường xuất hiện ở mặt, môi và/hoặc lưỡi. Tình trạng phù cũng có thể xuất hiện ở mặt sau bàn tay, bàn chân hoặc phù bộ phận sinh dục. Phù mạch thường không kèm theo mày đay.
- Phù mạch tại đường tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khó chịu là những triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân phù mạch di truyền.
- Phù mạch tại đường hô hấp: Bệnh nhân phù mạch di truyền có thể có tình trạng phù thanh quản, dẫn đến tình trạng khó thở đột ngột và đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Các triệu chứng khác: Các biểu hiện lâm sàng không điển hình khác của phù mạch di truyền có thể kể đến như tràn dịch màng phổi, phù não gây đau đầu, hôn mê.
Tình trạng sưng phù thường thuyên giảm trong khoảng 1 - 3 ngày kể từ khi khởi phát.
4. Các dấu hiệu phân biệt phù mạch di truyền với các dạng phù mạch khác trên lâm sàng
Trên lâm sàng, nếu bệnh nhân xuất hiện phù mạch, cần đánh giá kỹ các yếu tố sau đây trước khi nghĩ đến bệnh phù mạch di truyền:
- Dị nguyên: Cần loại trừ các tác nhân như: thuốc, hải sản,... để xem đó có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phù mạch hay không.
- Mày đay: Phù mạch di truyền thường không kèm với mày đay. Vì vậy, nếu bệnh nhân xuất hiện mày đay thì cần loại trừ các nguyên nhân phù mạch khác trước khi nghĩ đến phù mạch di truyền.
Nếu phù mạch không kèm nổi mày đay, phù mạch tái phát mà không có nguyên nhân rõ ràng, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh phù mạch di truyền, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để làm rõ chẩn đoán.
Các yếu tố nguy cơ chẩn đoán phù mạch di truyền:
- Có tiền sử gia đình
- Triệu chứng xuất hiện trong thời thơ ấu/thời niên thiếu
- Triệu chứng đau bụng tái diễn
- Xuất hiện phù nề đường hô hấp trên
- Không đáp ứng với thuốc kháng histamine, glucocorticoid, omalizumab, hoặc epinephrine
- Có sự hiện diện của các dấu hiệu hoặc triệu chứng trước khi phù nề
- Không có sự xuất hiện của mề đay
Đo lường mức bổ thể để xác định nồng độ của chất ức chế C4, C1, và C1q hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh:
- Phù mạch di truyền loại 1: Nồng độ chất ức chế C1 thấp, mức C1q bình thường.
- Phù mạch di truyền loại 2: Nồng độ chất ức chế C1 bình thường/tăng, mức C1q bình thường.
- Phù mạch di truyền loại 3: Nồng độ chất ức chế C1 và C4 bình thường.
- Thiếu chất ức chế C1 mắc phải: C1q thấp.
5. Điều trị phù mạch di truyền
Các điều trị phù mạch di truyền hiện tại chủ yếu dựa trên sinh bệnh học phù mạch di truyền có bất thường chất ức chế C1 (C1-INH) (phù mạch di truyền loại 1 và 2). Dưới đây là một số loại thuốc điều trị phù mạch di truyền:
- Chế phẩm C1-INH
- Ức chế kallikrein
- Ức chế thụ thể bradykinin 2 (B2R)
- Liệu pháp hormone sinh dục
- Kháng tiêu sợi huyết
- Huyết tương tươi đông lạnh
Điều trị cơn cấp: Khuyến cáo người bệnh nên điều trị sớm khi xảy ra cơn cấp phù mạch di truyền bằng icatibant, chất cô đặc C1-INH, ecallantide mang lại đáp ứng điều trị tốt hơn.
Điều trị dự phòng ngắn hạn: Sử dụng cho bệnh nhân sắp tiến hành các thủ thuật, phẫu thuật, nội soi ống tiêu hóa, nhổ răng, bác sĩ điều trị có thể sẽ cho thuốc dự phòng ngắn hạn. Các thuốc được dùng cho mục đích này gồm chế phẩm C1-INH hoặc chất đồng hợp androgen.
Điều trị dự phòng dài hạn: Quyết định dự phòng dài hạn dựa trên tần suất cơn, mức độ nặng, điều kiện kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và mong muốn của người bệnh nhằm đạt được kiểm soát hoàn toàn bệnh – chấm dứt các đợt phù. Các thuốc dự phòng dài hạn gồm: các chế phẩm của C1-INH (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da), Lanadelumab (tiêm dưới da), Danazol (uống),....
Tài liệu này được hỗ trợ bởi Takeda
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.