Nhồi máu não và xuất huyết não là hai bệnh cảnh lâm sàng thường gặp trong bệnh lý tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Tuy có những triệu chứng gần như nhau nhưng nhồi máu não và xuất huyết não là hai hiện tượng hoàn toàn khác biệt, cần có những cách cụ thể để phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não trên lâm sàng để có thể chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho từng trường hợp bệnh nhân.
1. Nhồi máu não
Nhồi máu não hay còn gọi là thiếu máu não cục bộ được xem là tình trạng giảm lưu lượng máu cung cấp đến cơ quan não một cách đột ngột khiến cho động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc toàn phần. Tình trạng nhồi máu não chiếm đại đa số những ca lâm sàng đột quỵ thường gặp, với tỉ lệ khoảng 80%.
Nhồi máu não diễn ra trong một khoảng thời gian dài nhất định sẽ gây nên tình trạng thiếu máu, khiến các mô não bị thiếu oxy nuôi dưỡng và kết quả là hoại tử mô. Tình trạng thiếu oxy não hay thiếu máu não sẽ khiến cho não bộ bị tổn thương trầm trọng, dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm như hội chứng liệt nửa người, hôn mê, rối loạn một số chức năng trong cơ thể như thị giác hay ngôn ngữ.
Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu não cho đến nay được nghiên cứu rất nhiều, có thể do bệnh nhân có một số bệnh lý nền như: tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn lipid máu... Mặc dù chiếm tỉ lệ rất cao trong đột quỵ nhưng nhồi máu não hoàn toàn có thể chữa khỏi, di chứng để lại ít nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cũng ít hơn so với xuất huyết não.
2. Xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não hoặc tên gọi khác là xuất huyết nội sọ là một trường hợp khác của tai biến mạch máu não, bị gây ra bởi tình trạng máu động mạch tràn vào nhu mô não một cách đột ngột gây tổn thương não cấp tính. Mặc dù tỉ lệ của xuất huyết não thấp hơn nhồi máu não rất nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% nhưng tình trạng bệnh lý này có mức độ nguy hiểm cao hơn, biến chứng nặng nề và tỉ lệ tử vong cao.
Cơ chế của tình trạng xuất huyết não được giải thích là do khi bệnh nhân gặp phải một chấn thương, dẫn đến tình trạng máu kích thích mô não và sau đó dẫn đến tình trạng phù não. Xuất huyết não khiến cho khối máu tụ xuất hiện, làm tăng áp lực lên nhu mô não và lưu lượng máu đến mô não cũng giảm đi, cuối cùng là chết tế bào.
Vị trí có thể xảy ra xuất huyết não rất đa dạng, có thể trong não, giữa não hoặc thậm chỉ ở màng não, giữa những lớp tế bào bao phủ não bộ hoặc không gian giữa hộp sọ và vỏ của não. Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết não thường là chấn thương sọ não, bệnh nhân mắc bệnh lý tăng huyết áp, có tiền căn béo phì và không vận động thường xuyên hay có những dị dạng mạch máu như phình động mạch não, khối u ở não...
Một số trường hợp xuất huyết não cũng có thể bắt gặp ở những người trẻ tuổi, có thể do áp lực công việc hoặc áp lực cuộc sống khiến cho tình trạng xuất huyết não diễn ra. Vì vậy, khi có những dấu hiệu như đau đầu diễn ra thường xuyên thì người bệnh không nên chủ quan mà cần phải đến những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chụp sọ não để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.
3. Phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não
Để phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não một cách chính xác nhất thì cần phải dựa vào biểu hiện trên lâm sàng của bệnh nhân, kết quả những xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng cùng với khai thác tiền sử của bệnh nhân trước đó để có chẩn đoán xác định:
- Về mặt lâm sàng
Nhồi máu não ở những vị trí khác nhau sẽ biểu hiện trên lâm sàng với những triệu chứng khác nhau, có thể là liệt nửa người trên bệnh nhân tổn thương tại vị trí động mạch não giữa, hoặc thay đổi tính cách, tiểu không tự chủ, yếu chi dưới nhiều hơn chi trên, thường gặp ở bệnh nhân có tình trạng thiếu máu cung cấp đến động mạch não trước, còn đối với bệnh nhân tổn thương động mạch não sau thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng thị giác khiến bệnh nhân bị mù lòa.
Trường hợp xuất huyết não trên lâm sàng bệnh nhân xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, bệnh nhân buồn nôn, nôn, ý thức có thể bị rối loạn hoặc mất. Đáng chú ý rằng những triệu chứng của xuất huyết não diễn ra rất cấp tính, đột ngột và tiến triển rất nhanh. Ở giai đoạn toàn phát của bệnh, thường xuất hiện sốt, có thể có dấu màng não như dấu cứng cổ hoặc dấu Kernig là một đặc điểm lâm sàng khác so với tình trạng nhồi máu não.
- Về mặt cận lâm sàng
Bệnh nhân đột quỵ cần thực hiện một số cận lâm sàng cần thiết cho việc chẩn đoán như chọc dò dịch não tủy, chụp cắt lớp vi tính sọ não. Kết quả cho thấy tình trạng nhồi máu não sẽ có dịch não tủy trong, tình trạng xuất huyết não sẽ có dịch não tủy màu vàng.
Chụp cắt lớp vi tính sọ não sẽ cho hình ảnh giảm tỷ trọng vùng não trong bệnh cảnh nhồi máu não và tăng tỷ trọng, phù nhu mô xung quanh vùng tổn thương, có máu trong não thất với những bệnh nhân xuất huyết não.
- Tình trạng những bệnh lý nền của bệnh nhân
Những bệnh lý nền của bệnh nhân tai biến mạch máu não cũng góp phần quan trọng trong chẩn đoán phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não. Bệnh nhân nhồi máu não thường do tình trạng thuyên tắc động mạch gây nên, hay gặp với những bệnh nhân có xơ vữa mạch máu hoặc một viêm nhiễm động mạch liên quan, hoặc cũng có thể do tình trạng co mạch lấp mạch gây nên.
Ngoài ra, một số bệnh lý là yếu tố nguy cơ của nhồi máu não như tim bẩm sinh, rung nhĩ, hẹp van 2 lá, thấp tim, viêm nội tâm, nhồi máu cơ tim. Ngược lại, tình trạng xuất huyết não thường do chấn thương sọ não gây nên, có thể do những bất thường trong hình dạng và cấu trúc của mạch máu não hoặc bệnh nhân bị huyết áp cao, rối loạn đông máu hay có tiền sử dùng một số thuốc chống đông cũng dẫn đến tình trạng bệnh lý này.
4. Kết luận
Phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não trên lâm sàng là một điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi những bác sĩ phải có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, còn phải nhờ vào sự hỗ trợ của cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán. Người bệnh khi có bất kỳ dấu hiệu nào gợi ý một cơn nhồi máu não hoặc xuất huyết não cũng nên chú ý và đến cơ sở y tế để được phát hiện sớm nhất nguy cơ đột quỵ.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).