Bà bầu phải đối mặt với những thay đổi về mặt sinh lý, nội tiết. Trong đó phải kể đến các triệu chứng của bệnh dạ dày – tá tràng: ợ nóng, buồn nôn, nôn khan, đau dạ dày, đầy hơi... gây ra không ít khó chịu cho bà bầu.
1. Nguyên nhân bà bầu bị đau dạ dày
Phụ nữ mang thai bị ốm nghén hoặc do tâm trạng lo lắng, căng thẳng quá mức cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh đau dạ dày ở bà bầu phát triển nặng hơn.
Đau dạ dày khi mang thai rất không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, tình trạng ốm nghén tiến triển do thay đổi hormone mang thai, dạ dày sẽ rất đau do thai phụ nôn nhiều và liên tục, đôi khi còn nôn khan ra nước.
Khi triệu chứng ốm nghén thoái lui thì cũng là lúc tử cung to lên khiến vị trí dạ dày trong ổ bụng thay đổi (bị đẩy lên phía trên), thức ăn xuống dạ dày lúc này sẽ bị ứ đọng lại, gây ra tình trạng khó tiêu, ợ nóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niêm mạc dạ dày và thực quản.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Bà bầu bị đau dạ dày làm thế nào để cải thiện?
2.1 Kiểm soát ốm nghén
Khoảng 70% phụ nữ mang thai có triệu chứng ốm nghén, thường xuất hiện vào giai đoạn đầu của thai kỳ. Thông thường đến cuối tháng thứ 4, các triệu chứng này gần như biến mất hoàn toàn hoặc giảm đi nhiều. Để làm giảm đi các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ ốm nghén các mẹ bầu có thể:
- Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa chính (khoảng 2 tiếng ăn một lần).
- Tránh những thực phẩm có mùi, thực phẩm chiên nướng, dầu mỡ sẽ làm cho tình trạng ốm nghén tệ hơn.
- Ăn nhiều trái cây, rau củ, uống nhiều nước, có thể để sẵn những thực phẩm này bên mình để ăn bất cứ khi nào có thể trong ngày.
- Thêm gừng, chanh vào các bữa ăn hàng ngày.
- Có thể ăn bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên chất vào buổi sáng.
- Ăn ít đường và giảm ăn mặn.
2.2 Kiểm soát chứng ợ nóng
Hiện tượng ợ nóng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn vào những tháng cuối. Đây cũng là hiện tượng thường gặp, ở khoảng 30 - 35% phụ nữ mang thai. Bà bầu có thể làm theo một số cách sau để giảm chứng ợ nóng khi mang thai:
- Tránh ăn những thực phẩm gây chứng ợ nóng như: socola, đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn cay, rượu, cà phê, bạc hà... Đặc biệt tránh ăn vào thời gian trước khi đi ngủ vì thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết nên khi nằm xuống, axit trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, gây khó chịu.
- Uống sữa hay các chế phẩm sữa (sữa chua, phô mai) có thể làm giảm bớt chứng ợ nóng vì trong sữa có chứa nhiều canxi và một số chất khoáng giúp trung hòa axit trong dạ dày.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ và không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ.
- Nằm nghiêng bên trái hoặc kê cao gối khi ngủ.
Lưu ý, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bà bầu sử dụng thuốc kháng acid do một số loại thuốc có thể làm giảm hấp thu sắt khi dùng chung.
2.3 Giảm mệt mỏi, căng thẳng
- Bà bầu cần ngủ đủ giấc (đảm bảo ít nhất 8 giờ/ngày, ngủ trưa 30 phút), ngủ đúng giờ, tránh thức khuya.
- Dành nhiều thời gian thư giãn, đọc sách, xem tivi, nghe nhạc...
3. Bà bầu bị đau dạ dày cần thận trọng khi dùng thuốc
3.1 Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau
Đây là lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe khi nhắc đến việc dùng thuốc giảm đau cho thai phụ mắc bệnh về dạ dày. Do hầu hết các thuốc đều có ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Thuốc có thể từ máu mẹ thấm qua nhau thai, vào máu và gây hại cho thai.
- Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành các cơ quan (tim, hệ thống thần kinh trung ương, tay, chân...), việc bà bầu sử dụng bừa bãi một số thuốc trong thời kỳ này có thể dễ gây ra dị tật, quái thai.
- Ba tháng giữa thai kỳ tuy là giai đoạn thai ít nhạy cảm với thuốc, tuy nhiên vẫn có những bộ phận cơ quan của thai tiếp tục biệt hóa như: hệ thần kinh và hệ sinh dục bên ngoài, vì vậy thuốc vẫn có thể gây hại cho các bộ phận này.
- Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn các bộ phận của thai đã hình thành đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện như: gan chưa thực hiện tốt chức năng chuyển hóa, thận chưa hoàn thiện chức năng đào thải... Do đó, thuốc vẫn có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi và cho cả người mẹ khi sinh nở.
3.2 Một số lưu ý khi dùng thuốc cho bà bầu
Các chuyên gia khuyên rằng: khi mang thai và cho con bú, nên giữ gìn sức khoẻ để không phải sử dụng thuốc. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc trong thời kỳ này, thai phụ không nên tùy tiện, cần phải được sự đồng ý của bác sĩ và uống thuốc theo hướng dẫn. Đặc biệt là các thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày sau đây:
- Thuốc chống nôn Domperidon: phụ nữ mang thai không nên tự ý dùng thuốc chống nôn domperidon. Mặc dù, Domperidon không gây dị dạng thai nhưng lại có thể gây hiện tượng nhịp tâm thất nhanh làm nguy hiểm đến tính mạng thai phụ. Nếu người mẹ nôn nhiều có thể dùng thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin.
- Thuốc chống acid, thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton (PPI): về mặt lâm sàng, khi theo dõi việc sử dụng thuốc chống acid trên thai phụ vẫn chưa thấy biểu hiện gây quái thai, dị dạng do tác động của thuốc. Do đó, có thể sử dụng thuốc nhóm này cho thai phụ nếu thật sự cần thiết.
Theo các chuyên gia, phụ nữ có thai nên sử dụng một số loại thảo dược từ thiên nhiên, có tác dụng thanh nhiệt, giảm tiết dịch acid trong dạ dày, giúp cải thiện những cơn đau và làm lành các vết loét ở thành niêm mạc. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong thai kỳ, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Đồng hành cùng mẹ bầu trong suốt giai đoạn thai kỳ, để mẹ "mang bầu không lo âu", Vinmec cho ra mắt Khóa học trực tuyến "Thai kỳ khỏe mạnh cùng chuyên gia Vinmec" đầu tiên tại Việt Nam hiện nay theo tiêu chuẩn y khoa:
- 100% các bài học bằng video với chuyên gia Vinmec
- 100% thông tin thai sản, di truyền, tâm lý, vận động và dinh dưỡng theo chuẩn y khoa
- 10 lần tương tác, trao đổi với bác sĩ tương đương như 10 lần khám thai
- Khoá học trên nền tảng riêng, thiết kế thời gian phù hợp học mọi lúc, mọi nơi
- Nội dung học bổ ích cho mẹ bầu và cả gia đình
Tìm hiểu thêm về khoá học tại: https://songkhoe.vinmec.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.