Ăn trái cây và rau xanh rất tốt cho sức khỏe. Chúng ta nên ăn 2 cốc trái cây và 2,5 cốc rau mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư, đồng thời giúp giữ vóc dáng cân đối hơn. Bạn có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc sinh tố vào chế độ ăn uống của mình để cung cấp đủ lượng rau quả cần thiết. Câu hỏi đặt ra là nước ép trái cây có tốt không? Sinh tố có tốt không? Loại nào tốt hơn?
1. Sự khác biệt giữa nước ép trái cây và sinh tố
Sự khác biệt giữa nước ép trái cây và sinh tố nằm ở thành phẩm. Cụ thể, với nước ép trái cây, về cơ bản bạn sẽ loại bỏ tất cả các chất xơ, chỉ để lại nước của trái cây và rau quả. Còn với sinh tố, bạn sẽ có được tất cả: Chất xơ và rau quả được xay nhuyễn. Đặc điểm cơ bản của chúng gồm:
Nước ép trái cây:
- Lượng vitamin và chất dinh dưỡng đậm đặc hơn;
- Cho phép cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng dễ dàng hơn;
- Một số loại nước trái cây có nhiều đường hơn nước có ga;
- Thiếu chất xơ (chất cần thiết cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim);
Sinh tố:
- Giữ lại chất xơ trong trái cây và rau quả, giúp bảo vệ hệ tiêu hóa;
- Chất xơ của trái cây và rau quả giúp bạn no lâu;
- Có chứa chất chống oxy hóa.
2. Phân tích lợi ích của nước ép trái cây và sinh tố
2.1 Nồng độ chất dinh dưỡng
Nước ép trái cây và rau quả có nhiều chất dinh dưỡng cô đặc và dễ hấp thu hơn so với sinh tố. Điều này là do phần lớn các vitamin và khoáng chất có trong trái cây đều có trong nước ép - không phải phần thịt quả và chất xơ có trong sinh tố.
2.2 Hàm lượng chất xơ
Nước ép trái cây có chứa rất ít hoặc không chứa chất xơ. Trong khi đó, sinh tố có nhiều chất xơ hơn so với nước ép trái cây. Chất xơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của hệ tiêu hóa và cả cơ thể. Chất xơ hòa tan có trong táo, cà rốt, đậu Hà Lan và trái cây họ cam quýt làm chậm quá trình tiêu hóa và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Chất xơ không hòa tan có trong súp lơ, khoai tây và các loại rau sẫm màu giúp kích thích đường ruột hoạt động.
2.3 Chất chống oxy hóa
Trong sinh tố ngoài chất xơ còn có các chất chống oxy hóa. Theo nghiên cứu vào năm 2012, các nhà khoa học phát hiện ra rằng sinh tố có nồng độ hợp chất phytochemical (chất chống oxy hóa có khả năng chống ung thư) cao hơn so với nước trái cây. Lý do vì hợp chất này chủ yếu có trong màng xơ của trái cây.
2.4 Khả năng hỗ trợ tiêu hóa
Nhiều người cho rằng nước ép trái cây không có chất xơ giúp tiêu hóa dễ hơn và tăng cường sự hấp thụ các chất dinh dưỡng. Một phân tích đã xác nhận rằng beta-carotene (một loại carotenoid có lợi) thu được từ nước ép trái cây làm tăng nồng độ beta-carotene trong máu. Nồng độ beta-carotene trong máu cao đồng nghĩa với nguy cơ ung thư thấp hơn. Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng chất xơ hòa tan (có trong sinh tố) làm giảm 30 - 50% khả năng hấp thu beta-carotene. Với người mắc một số bệnh và tình trạng kém hấp thu, chế độ ăn ít chất xơ được khuyến khích. Bên cạnh đó, họ sẽ thích hợp sử dụng nước ép trái cây thay vì sinh tố.
Tuy nhiên, nếu tiêu thụ chất xơ dưới mức khuyến nghị thì có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe. Vì vậy, tiêu thụ sinh tố nhiều hơn so với nước ép trái cây sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho sức khỏe.
2.5 Hàm lượng đường
Cả nước ép trái cây và sinh tố đều có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nhưng tác động của nước trái cây nhanh hơn và mạnh hơn. Với sinh tố, bã, vỏ và chất xơ làm tăng thể tích đồ uống, giúp bạn no lâu và hạn chế tổng lượng calo tiêu thụ. Tuy nhiên, với nước trái cây, bạn có thể tiêu thụ cùng một lượng trái cây và rau quả nhưng vẫn cảm thấy đói.
Một số loại nước trái cây đóng chai thậm chí chứa nhiều đường hơn so với nước ngọt. Nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy trung bình nước ép trái cây chứa 45,5g đường fructose/lít, không khác biệt nhiều với mức trung bình 50g/lít của nước ngọt có ga. Và mặc dù sinh tố có thể có ít đường hơn so với nước ép trái cây nhưng đây vẫn là vấn đề mà bạn cần quan tâm.
3. Nước ép trái cây hay sinh tố tốt hơn?
Sinh tố ở dạng xay nhuyễn nên giữ được nhiều dưỡng chất từ trái cây và rau quả. Có thể kết hợp với các loại chất béo lành mạnh như hạnh nhân, quả bơ hoặc xay thêm gừng, lá bạc hà, bột trà xanh, quế,... để tăng giá trị dinh dưỡng trong sinh tố. Sinh tố cân bằng dinh dưỡng rất tốt, có thể thay thế một bữa ăn hằng ngày. Nhược điểm của nó là hàm lượng dinh dưỡng từ rau quả và trái cây quá nhiều, làm tăng calo trong cơ thể và dễ dẫn đến tăng cân.
Còn nước ép rau quả là lựa chọn tốt cho những người không có điều kiện để ăn đủ rau xanh hoặc trái cây hằng ngày hay những người không thích ăn rau quả trực tiếp. Nhược điểm của nó là chỉ lấy các chất dinh dưỡng quan trọng và loại bỏ chất xơ nên có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và một số loại nước trái cây nhiều đường có thể khiến đường huyết tăng đột ngột.
Mỗi loại đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, nếu để lựa chọn thì bạn nên uống sinh tố vì sinh tố giữ lại được chất xơ trong rau quả. Chất xơ có tác dụng cải thiện chức năng ruột già, chống táo bón, cung cấp năng lượng cho tế bào ruột già. Các loại rau quả có nhiều chất xơ giúp phòng và điều trị táo bón, giảm cholesterol máu rất tốt.
Thực tế, các chuyên gia không khuyến khích bất kỳ loại calo nào tiêu thụ vào cơ thể theo dạng lỏng. Để giảm cân, bạn hãy ăn trái cây và rau, không nên uống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com