Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.
Nếu không có sẵn xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay khô để tránh nhiễm bệnh hoặc lây truyền vi khuẩn cho người khác. Điều kiện là nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay phải đạt ít nhất 60% cồn.
1. Những điều cần biết về nước rửa tay
CDC khuyến cáo nên rửa tay bằng xà phòng và nước bất cứ khi nào có thể để làm giảm tất cả các loại vi khuẩn cũng như chất bẩn trên bàn tay. Nhưng nếu không có sẵn xà phòng và nước, bạn cũng có thể sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn với ít nhất 60% cồn để tránh mắc bệnh hoặc lây truyền mầm bệnh cho người khác.
- Nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay có khả năng làm giảm số lượng vi khuẩn trên tay một cách nhanh chóng, nhưng không thể loại bỏ được tất cả các mầm bệnh.
Chính vì vậy mà xà phòng và nước được xem là hiệu quả hơn tất cả các dung dịch rửa tay sát khuẩn để tiêu diệt một số loại virus, như Cryptosporidium, norovirus và Clostridium difficile. Mặc dù dung dịch sát khuẩn y tế chứa cồn có thể vô hiệu hóa nhiều loại vi khuẩn khi được sử dụng đúng, nhưng hầu hết mọi người đã dùng không đủ hoặc vô tình lau sạch trước khi chúng khô hoàn toàn.
- Dung dịch rửa tay sát khuẩn cũng sẽ không hiệu quả nếu như tay bị bẩn hoặc dính dầu nhờn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chất khử trùng tay hoạt động tốt trong môi trường lâm sàng như bệnh viện - nơi tay tiếp xúc với vi trùng nhưng không dính nhiều dầu nhờn. Một số dữ liệu cũng cho thấy chất khử trùng tay có thể phát huy hiệu quả cao đối với một vài mầm bệnh nếu tay không quá bẩn. Tuy nhiên, bàn tay của bạn rất dễ bị đổ dầu nhờn hoặc dính bẩn khi sinh hoạt trong cộng đồng, chẳng hạn sau khi tiếp xúc với thực phẩm, chơi thể thao, làm vườn hoặc đi cắm trại, câu cá. Khi tay bị dính nhiều dầu nhờn và chất bẩn hữu cơ, dung dịch sát khuẩn tay sẽ không hoạt động tốt. Vì thế nên ưu tiên rửa tay bằng xà phòng và nước trong những trường hợp này.
- Dung dịch rửa tay sát khuẩn có thể không loại bỏ được các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu và kim loại nặng.
Một vài nghiên cứu cho thấy nước rửa tay khô dường như không thể làm bất hoạt nhiều loại hóa chất gây hại. Thậm chí có trường hợp sử dụng dung dịch sát khuẩn tay lại làm tăng mức độ nhiễm hóa chất độc hại trong cơ thể. Do đó nếu đã chạm tay vào hoá chất độc gây hại, hãy rửa tay cẩn thận lại với xà phòng và nước sạch.
- Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay ở khoảng 60 - 95% sẽ có hiệu quả diệt virus cao hơn so với những loại có nồng độ cồn thấp hoặc nước rửa tay khô không chứa cồn. Nếu nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay không đạt 60 - 95 độ sẽ chỉ làm giảm sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn.
- Khi sử dụng nước rửa tay khô, hãy cho sản phẩm vào lòng bàn tay và chà lên khắp bề mặt của tay cho đến khi khô hoàn toàn.
Các bước sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn đúng cách khá đơn giản. Theo CDC, mọi người cần thoa đều chất khử trùng lên toàn bộ bề mặt của hai bàn tay để mang lại hiệu quả cao nhất.
- Nuốt phải nước rửa tay khô có cồn có thể gây ngộ độc.
Nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay Ethyl (ethanol) chỉ an toàn khi được dùng theo hướng dẫn, nhưng nếu một người nuốt một vài ngụm nước rửa tay sẽ có nguy cơ bị ngộ độc. Đặc biệt, trẻ em rất dễ nuốt phải nước rửa tay có mùi thơm, màu sắc hấp dẫn hoặc được đóng trong bao bì đẹp mắt. Do đó dung dịch sát khuẩn y tế rửa tay nên được đặt ngoài tầm với của trẻ nhỏ và các bé chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của người lớn.
2. Hướng dẫn pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn theo WHO
Nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay được pha chế theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ dẫn là 80%. Đây là tỷ lệ chuẩn, đủ để sát khuẩn, dựa trên chứng cứ nghiên cứu theo tiêu chuẩn EN1500.
Nguyên liệu để có được 270ml dung dịch sát khuẩn tay thành phẩm bao gồm:
- 240ml cồn Ethanol 90 độ (4 chai 60ml);
- 12ml oxy già 3%;
- 4ml glycerine (Có tác dụng dưỡng ẩm vì sau khi sát khuẩn tay sẽ rất khô. Có thể thay bằng gel lô hội hoặc mật ong với hàm lượng như trên);
- 14ml nước cất / nước đun sôi để nguội.
Cách làm:
- Đổ lần lượt tất cả nguyên liệu theo thứ tự như trên vào ly pha chế chuyên dụng;
- Khuấy đều và cho hỗn hợp vào chai sạch;
- Đậy nắp dạng xịt hoặc nhấn (nếu có) và lắc đều;
- Dán nhãn thông tin trên chai bao gồm: Tên hỗn hợp (dung dịch rửa tay sát khuẩn), lưu ý (để xa tầm tay trẻ em, tránh nguồn sinh nhiệt), ngày pha chế và hạn dùng (khoảng 6 tháng).
Công dụng: Sát khuẩn tay nhanh.
Lưu ý đảm bảo hiệu quả và an toàn khi pha chế:
- Tuân thủ đúng nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay và các nguyên liệu khác. Tỷ lệ cồn quá thấp sẽ không phát huy hiệu quả tốt, nồng độ cao dễ bay hơi, khô da, dễ cháy,...
- Không tự ý thay đổi hoặc thêm bớt nguyên liệu nếu không có kiến thức về bào chế;
- Đợi 72h sau pha chế mới bắt đầu sử dụng để các mầm vi khuẩn (nếu có) trong dung dịch được tiêu diệt hết;
- Pha chế nơi thoáng mát, tránh nguồn nhiệt và tĩnh điện vì sẽ bắt cháy, nổ;
- Thao tác nhanh và đậy kín ngay sau khi làm xong để tránh bay hơi làm giảm nồng độ cồn.
Việc tự pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn tại nhà rất thích hợp trong bối cảnh khan hiếm như hiện nay, hoặc khó tìm mua được sản phẩm đảm bảo đúng nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay là 60 - 95%. Tuy nhiên cần ghi nhớ rửa tay bằng nước sạch và xà phòng vẫn là bước quan trọng nhất để phòng ngừa virus, cũng như bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cdc.gov
Video đề xuất:
Sát khuẩn tay đúng cách - giảm nguy cơ nhiễm virus Corona 2019
XEM THÊM:
- Hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng
- Hướng dẫn bé tự rửa tay sạch để phòng dịch
- 5 thời điểm và 6 bước rửa tay cần nhớ để phòng dịch virus Corona 2019