Nội soi ổ bụng chẩn đoán là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến để phát hiện và đánh giá các thương tổn vùng bụng hoặc vùng chậu.
1. Nội soi ổ bụng chẩn đoán là gì?
Nội soi ổ bụng chẩn đoán là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có xâm lấn được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý các cơ quan thuộc vùng bụng hoặc vùng chậu. Để thực hiện nội soi ổ bụng chẩn đoán, bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt nhỏ trên thành bụng, sau đó đưa vào ổ bụng một dụng cụ gọi là đèn soi ổ bụng. Đèn soi này giống như một ống nhòm mỏng có nguồn sáng, hình ảnh thu được từ đèn soi sẽ chiếu lên một màn hình ở bên ngoài, giúp bác sĩ quan sát các cấu trúc trong ổ bụng. Trong quá trình nội soi chẩn đoán, nếu thấy các bất thường có thể xử lý được, bác sĩ có thể kết hợp thực hiện luôn trong ca nội soi.
2. Nội soi ổ bụng chẩn đoán được thực hiện khi nào?
Nội soi ổ bụng chẩn đoán được thực hiện để tìm ra nguyên nhân của đau, sưng vùng chậu hoặc những bất thường khác xảy ra ở những vùng này mà các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng khác như siêu âm, X-quang,... không thể chẩn đoán xác định được. Do có thể quan sát được ổ bụng một cách rõ ràng, nội soi ổ bụng rất hữu ích trong chẩn đoán một số bệnh lý như: Nhiễm trùng vùng chậu, xơ dính vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, thai ngoài tử cung, u buồng trứng, viêm ruột thừa,...
Nội soi chẩn đoán còn dùng để đánh giá hạch ổ bụng chưa rõ nguyên nhân, báng bụng chưa rõ nguyên nhân; chẩn đoán giai đoạn bệnh của các bệnh lý ung thư, thám sát khả năng cắt bỏ khối ung thư qua đánh giá tình trạng khối u di căn trong ổ bụng, mức độ xâm lấn của khối u,... Nội soi chẩn đoán giúp tránh mở bụng lớn không cần thiết khi chưa chắc chắn về khả năng cắt bỏ khối u.
Ngoài ra, nội soi ổ bụng chẩn đoán còn được chỉ định trong mổ cấp cứu vết thương thấu bụng hoặc chấn thương bụng kín nhằm xác định có tổn thương tạng hay không.
3. Các bước thực hiện nội soi ổ bụng chẩn đoán
Bệnh nhân sẽ không được ăn hoặc uống 8 tiếng trước khi tiến hành thủ thuật. Bệnh nhân phải thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh có cần ngưng thuốc hay không.
Các bước thực hiện nội soi chẩn đoán:
- Bệnh nhân sẽ được gây mê nội khí quản, có thể đặt ống thông tiểu và thông mũi dạ dày nếu cần thiết.
- Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ khoảng 1-2cm dưới rốn, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng bơm khí CO2 vào khoang bụng để bụng bệnh nhân phình lên. Bụng căng sẽ giúp các cấu trúc trong thành bụng được quan sát rõ ràng.
- Thông qua vết rạch trên bụng, các thiết bị nội soi được đưa vào bên trong ổ bụng. Nếu nội soi ổ bụng kết hợp với xử lý tổn thương, bác sĩ sẽ tạo thêm các vết rạch khác trên bụng bệnh nhân để đưa các dụng cụ khác vào.
- Hình ảnh được ghi nhận từ đèn soi ổ bụng được gắn vào ống nội soi sẽ truyền về màn hình, ống nội soi sẽ được điều chỉnh tới các vị trí khác nhau trên ổ bụng giúp bác sĩ quan sát toàn bộ ổ bụng gồm: tình trạng phúc mạc, dịch bụng, hạch ổ bụng, các cơ quan trong ổ bụng ở tầng trên và tầng dưới mạc treo đại tràng ngang,... Có thể kết hợp hút dịch để xét nghiệm sinh hóa, tế bào, soi cấy tìm vi trùng hoặc sinh thiết ở các nốt ở phúc mạc, khối u, gan, hạch,.. nghi ngờ bệnh lý. Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện các tổn thương có thể xử lý được, bác sĩ sẽ kết hợp thực hiện thủ thuật xử lý ngay trong ca nội soi.
- Sau khi nội soi kết thúc, bác sĩ sẽ lấy các dụng cụ ra và may lại các vết rạch da.
4. Nên làm gì sau nội soi chẩn đoán?
Sau nội soi ổ bụng chẩn đoán, người bệnh sẽ cảm giác khó chịu, choáng, đau tức vùng bụng, có thể xuất hiện đau vùng đỉnh vai do thần kinh hoành bị kích thích khi bơm hơi vào ổ bụng. Tuy nhiên người bệnh không cần lo lắng vì các triệu chứng trên thường tự biến mất sau 1-2 ngày. Thông thường sau 5-7 ngày người bệnh có thể sinh hoạt bình thường. Để nhanh hồi phục sau nội soi, người bệnh nên đứng dậy sớm, đi lại nhẹ nhàng, uống nước đường, sữa ngày đầu sau mổ, sau khi trung tiện có thể ăn uống bình thường. Người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh. Nếu có các triệu chứng như sốt cao trên 38 độ, đau bụng dữ dội vùng bụng, lạnh run, mệt mỏi, phù chân,... người bệnh nên được quay lại cơ sở y tế để được tái khám.
5. Các biến chứng có thể gặp khi nội soi chẩn đoán
Nội soi chẩn đoán là phương pháp chẩn đoán hiệu quả, an toàn, tuy nhiên trong một số ít trường hợp vẫn có thể xảy ra các biến chứng như nhiễm trùng sau phẫu thuật, tai biến do gây mê, chảy máu trong ổ bụng do tổn thương mạch máu hoặc các cấu trúc trong ổ bụng,... Các biện pháp điều trị sẽ được thực hiện tùy thuộc vào biến chứng cụ thể của bệnh nhân, có thể chỉ định mổ hở để xử lý nếu cần thiết.
XEM THÊM