Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Chí Quang, Khoa Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nội soi buồng tử cung là một kỹ thuật cho phép bác sĩ quan sát bên trong lòng tử cung để chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân xuất huyết tử cung bất thường. Ngày nay, đây cũng là phương tiện phổ biến để tiếp cận nhiều bệnh lý phụ khoa khác, cho hiệu quả cao.
1. Nội soi buồng tử cung là gì?
Tử cung là cơ quan sinh sản quan trọng của phụ nữ, là nơi làm tổ của phôi thai và là nơi bám dính của bánh nhau nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Nếu không có thai, nội mạc tử cung sẽ tăng sinh và bong tróc theo quy luật, hình thành chu kỳ kinh nguyệt.
Nội soi buồng tử cung là một phương tiện hình ảnh học giúp kiểm tra bề mặt bên trong lòng tử cung với mức độ xâm lấn tối thiểu, xác định nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường cho nhiều phụ nữ.
Để thực hiện, bác sĩ dùng ống nội soi bằng kim loại đưa qua âm đạo, cổ tử cung và vào tử cung. Trên ống có gắn nguồn sáng và camera, giúp thu nhận, dẫn truyền hình ảnh ra ngoài, thể hiện trên màn hình giúp nhiều bác sĩ có thể quan sát, tìm các bất thường trong lòng tử cung. Không những thế, việc điều trị cũng có thể được thực hiện cùng lúc nhờ bằng cách đưa vào các dụng cụ can thiệp, giúp việc chẩn đoán và chữa các bệnh lý bằng phương tiện nội soi buồng tử cung chỉ diễn ra trong cùng một quy trình.
Nội soi buồng tử cung thường mất 30 đến 45 phút và được thực hiện như một kỹ thuật ngoại trú, tức là bệnh nhân không cần nằm viện mà về nhà ngay trong ngày. Kỹ thuật này rát ít gây đau đớn nên người bệnh chỉ cần được gây tê tại chỗ hoặc cột sống. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được hẹn lịch trước và không nên ăn uống trong ít nhất 4 đến 8 giờ trước khi tiến hành nội soi.
2. Vai trò của nội soi buồng tử cung trong điều trị xuất huyết tử cung
Ngày nay, khi nội soi buồng tử cung càng ngày càng phổ biến, các nguyên nhân xuất huyết âm đạo nghi ngờ từ tử cung càng được xác định rõ ràng và điều trị hiệu quả.
Theo đó, nội soi buồng tử cung được chỉ định thực hiện với các mục đích sau:
- Xác định vị trí và đánh giá nguyên nhân gây xuất huyết tử cung, như bệnh lý u xơ tử cung dưới niêm mạc hoặc polyp gây biến chứng thiếu máu nghiêm trọng;
- Chẩn đoán và điều trị tăng sinh nội mạc TC
Mặt khác, nội soi buồng tử cung không chỉ được sử dụng để chẩn đoán mà còn để điều trị các bệnh lý chảy máu âm đạo bất thường có nguồn gốc từ các sang thương trên bề mặt tử cung. Nếu trong quá trình nội soi quan sát phát hiện các tổn thương gây chảy máu, khối mô có thể được can thiệp phá hủy bởi tia laser hoặc đốt điện bằng dòng điện hiệu điện thế thấp, hoặc bằng phẫu thuật bóc tách, cắt bỏ cùng một lúc. Bên cạnh đó, nội soi cũng là một công cụ hướng dẫn bác sĩ định vị để thực hiện sinh thiết nội mạc tử cung, giúp xác định rõ bản chất của sang thương và lên kế hoạch theo dõi về sau.
Tuy nhiên, để nội soi buồng tử cung nói riêng và các kỹ thuật nội soi các tạng nói chung được tiến hành an toàn, đạt hiệu quả trong phát hiện và điều trị bệnh thì trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của bác sĩ trực tiếp thực hiện cũng như hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, vì nội soi buồng tử cung chỉ giúp khảo sát các sang thương bên trong lòng tử cung, điểm hạn chế của kỹ thuật này là không thích hợp để kiểm tra hoặc chẩn đoán các bệnh lý xảy ra trong thành cơ hoặc bên ngoài tử cung. Đồng thời, mặc dù ống nội soi có thể cho thấy các hình ảnh lên đến lỗ mở của ống dẫn trứng đến khoang tử cung nhưng lại không giúp kiểm tra trực tiếp các ống dẫn trứng.
3. Cách tiến hành nội soi buồng tử cung
3.1. Chuẩn bị
Nội soi buồng tử cung chỉ được tiến hành sau khi các nguyên nhân gây xuất huyết tử cung không thể xác định được bằng những phương tiện khác. Theo đó, nhằm hạn chế các nguy cơ mà kỹ thuật này có thể đem lại, việc nội soi cần đúng chỉ định và không vi phạm các chống chỉ định.
Các chống chỉ định của nội soi buồng tử cung là phụ nữ đang mang thai hoặc đang bị nhiễm trùng phần phụ, ung thư tử cung hay ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, tắc hẹp lỗ cổ tử cung có thể gây khó khăn hoặc không thể thực hiện được nội soi.
Trước khi thực hiện nội soi tử cung, người bệnh được thăm khám phụ khoa cũng như các hệ thống cơ quan khác nhằm đảm bảo thể chất có thể chịu đựng được cuộc thủ thuật. Sau đó, khi đã lên lịch, người bệnh được dặn dò nhịn ăn và vệ sinh cơ thể theo đúng quy định.
Tùy thuộc vào mục đích và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, nội soi buồng tử cung có thể được thực hiện ngoại trú hay cần phải nội trú. Đôi khi nội soi có thể được thực hiện trong phòng mổ nếu đã được dự trù cần kết hợp can thiệp với phẫu thuật. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và người thân chi tiết về cách thức chuẩn bị cũng như các phương thức gây tê hoặc gây mê trước khi thực hiện nội soi.
3.2. Quá trình thực hiện
Tùy vào bệnh lý nghi ngờ, tuổi tác và số con của người bệnh đã sinh, các bác sĩ sẽ lựa chọn kích cỡ ống nội soi đưa vào buồng tử cung thông qua lỗ cổ tử cung cho phù hợp. Điều này cũng còn tùy vào mục đích của nội soi cũng như dự trù các kỹ thuật can thiệp sẽ được thực hiện cùng một lúc. Trong đa số các trường hợp, các ống nội soi đường kính hẹp thường được sử dụng và người bệnh chỉ cần gây tê cục bộ mà không cần gây mê.
Ngoài ra, để tạo sự thuận lợi cho quá trình tiếp cận, người bệnh sẽ được đặt một dụng cụ mở âm đạo, gọi là mỏ vịt, và sau khi đặt được ống nội soi vào, buồng tử cung sẽ được bơm một lượng chất lỏng hoặc chất khí giúp khoang tử cung căng lên, cho hình ảnh thu thập thuận lợi và rõ nét. Bên cạnh đó, nếu cổ tử cung quá cứng chắc và đóng khít, gây khó khăn trong việc đưa dụng cụ vào, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc giúp thúc đẩy sự giãn nở cho cổ tử cung.
4. Theo dõi sau nội soi buồng tử cung như thế nào?
Nếu nội soi buồng tử cung được thực hiện ngoại trú, người bệnh có thể về nhà ngay sau khi kết thúc thủ thuật. Trong trường hợp phải cần đến gây mê toàn thân, người bệnh cần lưu lại theo dõi cho đến khi hết tác dụng của thuốc và cần có người thân đưa về, tuyệt đối không được lái xe, vận hành máy móc, leo lên độ cao trong vòng 24 giờ sau đó.
Sau khi được nội soi buồng tử cung, phần lớn người bệnh đều gặp hiện tượng chảy máu âm đạo nhưng với lượng rất ít và hoàn toàn có thể trở lại hoạt động bình thường gần như ngay lập tức. Một số khác vẫn có cảm giác đau đớn, cần dùng thêm các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc ibuprofen.
Tuy nhiên, nếu người phụ nữ gặp phải bất kỳ hiện tượng nào sau đây, nên quay lại khám sớm:
- Chảy máu âm đạo lượng nhiều và kéo dài;
- Đau bụng dữ dội;
- Dấu hiệu nhiễm trùng, như sốt, lạnh run và dịch tiết âm đạo có mủ, đặc, nặng mùi.
5. Các tai biến có thể gặp khi nội soi buồng tử cung
Nhìn chung, nội soi buồng tử cung là một kỹ thuật có tính an toàn rất cao. Tuy nhiên, tương tự như các kỹ thuật khác, nội soi buồng tử cung không thể tránh tuyệt đối các rủi ro.
Trong đó, nặng nề nhất là tai biến thủng tử cung hoặc cổ tử cung do ống nội soi, gây đau bụng và chảy máu vào ổ bụng. Các trường hợp này cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu cầm máu. Ngoài ra, nội soi buồng tử cung cũng có các biến chứng khác như mất máu nhiều do sang chấn trong lúc can thiệp hay nhiễm trùng... Tuy vậy, rất hiếm xảy ra khả năng nội soi buồng tử cung có thể gây ra các vấn đề đe dọa tính mạng người bệnh.
Trong thời đại phát triển của các kỹ thuật y học, nội soi buồng tử cung đang trở nên ngày càng phổ biến. Đây là một phương pháp hữu ích giúp chẩn đoán và can thiệp một số bệnh lý gây xuất huyết tử cung bất thường. Khi có các dấu hiệu chảy máu âm đạo không theo chu kỳ, người phụ nữ cần đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa tin cậy và được thực hiện nội soi đúng chỉ định, giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: acog.org; emedicinehealth.com