Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Hương - Trưởng Đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) đã trở thành một trong những phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất trên thế giới. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công của kỹ thuật ICSI như: chất lượng tinh trùng, tuổi tác người vợ, quy trình hoạt hóa trứng và tỷ lệ tổn thương trứng.
1. Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn là gì?
Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn có tên tiếng Anh là Intra-Cytoplasmic Sperm Injection (ICSI) là phương pháp mang lại hiệu quả thụ tinh cao với tỷ lệ đạt 60 – 85%. Khác với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường quy, ICSI chỉ sử dụng một tinh trùng duy nhất tiêm trực tiếp vào trứng. Và tinh trùng được lựa chọn là tinh trùng tốt về mặt hình thái, khả năng di động.
Từ khi ra đời, ICSI đã mang lại niềm hy vọng lớn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà nguyên nhân vô sinh do không xuất tinh được, thiểu năng tinh trùng, kháng thể kháng tinh trùng hoặc trứng ít, chất lượng kém, trứng và tinh trùng không kết hợp được với nhau dù người chồng có tinh dịch đồ bình thường... Vì vậy ngày nay, ICSI chiếm tỉ lệ cao trong các chương trình hỗ trợ sinh sản ở các trung tâm y tế trên thế giới.
2. Yếu tố ảnh hưởng tới kết quả kết quả ICSI
2.1 Yếu tố tinh trùng
Khi đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới kết quả điều trị thành công của phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, các nhà khoa học cho rằng chất lượng tinh trùng đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là tuyệt đối. Tinh trùng kém di động, không có tinh trùng trong tinh dịch, tinh trùng có hình dạng không bình thường,... vẫn có thể được sử dụng và thụ tinh thành công. Các trường hợp vô sinh nam do tinh trùng kém chất lượng vẫn có thể có con nhờ ICSI, miễn là có ít nhất một tinh trùng có khả năng di động thu được sau khi lọc rửa để tiêm vào bào tương noãn.
2.2 Yếu tố ở người vợ
Trong nghiên cứu thực hiện trên 92 cặp vợ chồng, các nhà khoa học đã tiêm tinh trùng vào bào tương noãn ở 1.163 trứng và thu được tỉ lệ thụ tinh thành công là 61%. Tỷ lệ có thai sau khi thực hiện kỹ thuật ICSI ở phụ nữ dưới 34 tuổi là 49%, phụ nữ 35 – 39 tuổi là 23% và phụ nữ 40 tuổi chỉ còn 6%. Kết quả cho thấy tỷ lệ thụ tinh không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác của phụ nữ nhưng tỷ lệ mang thai sẽ thấp đi ở những phụ nữ lớn tuổi do chất lượng trứng ngày một suy giảm.
2.3 Quy trình hoạt hóa trứng
Khi sử dụng kỹ thuật ICSI để hỗ trợ sinh sản, quy trình hoạt hóa trứng không bắt buộc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng quá trình hoạt hóa trứng sẽ làm tăng tỷ lệ thụ tinh và mang thai thành công nhờ kỹ thuật chọc hút và tiêm nhanh tinh trùng vào bào tương trứng. Khi đó, trứng sẽ được hoạt hóa, dễ hòa tan và nhanh chóng thụ tinh thành công.
2.4 Tỷ lệ tổn thương trứng
Trong quá trình ICSI có thể xảy ra tổn thương trứng. Kết quả của một số trung tâm thực hiện ICSI cho thấy tỉ lệ trứng bị tổn thương sau tiêm là khoảng 7 – 14%. Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương trứng: Những rối loạn siêu cấu trúc và màng plasma, phá hủy thoi vô sắc, sự phóng thích tế bào chất của trứng ra ngoài sau tiêm... Bên cạnh đó, tình trạng thay đổi nhiệt độ gây ra những biến đổi không thể phục hồi đối với thoi vô sắc của trứng người.
Ngoài ra, việc kích thích buồng trứng cũng có thể gây ảnh hưởng tới khả năng thành công của ICSI. Những phụ nữ được điều trị với liều lượng gonadotropin cao hơn (do nồng độ estradiol thấp) sẽ hình thành cả trứng non và trứng trưởng thành. Khi tiêm tinh trùng vào những trứng này thì trứng có nguy cơ tổn thương cao hơn.
Bên cạnh đó việc thực hiện kỹ thuật thành thạo sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tổn thương trứng, tăng khả năng thành công của phương pháp ICSI.
Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn là kỹ thuật phổ biến trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản, tăng tỉ lệ thành công khi điều trị vô sinh ở nam giới và những nguyên nhân gây vô sinh khác. ICSI là biện pháp mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.