Trong Y Học Cổ Truyền, tạng thận còn được chia ra làm thận âm, thận dương, từ đó, các vị thuốc bổ cũng được chia làm thuốc bổ thận âm, bổ thận dương. Khi nói đến thuốc bổ thận tráng dương, thường được hiểu là thuốc bổ thận dương. Những vị thuốc bổ thận tráng dương gồm những vị thuốc nào?
1. Những vị thuốc bổ thận tráng dương
Trong Y Học Cổ Truyền có rất nhiều vị thuốc bổ thận tráng dương, trong đó có một số vị thuốc thường được dùng, bao gồm:
1.1. Cây ba kích - cây thuốc bổ thận tráng dương
Ba kích còn có tên gọi khác là ba kích thiên, diệp liễn thảo, đan điền âm vũ, đây là một dược liệu có tính ấm, vị hơi cay. Cây ba kích là cây dây leo, dạng thân thảo, có thân mảnh, nhiều lông mịn.
Trong cuốn Tài nguyên cây thuốc Việt Nam, vị thuốc ba kích được dùng cho các trường hợp tinh dịch ít, tinh trùng chết nhiều hoặc không có tinh trùng, hay không xuất tinh khi giao hợp.
Ngoài ra, vị thuốc ba kích còn có tác dụng cải thiện chứng đau mỏi gối, đau nhức phong thấp, tay chân bị lạnh, chữa mất ngủ kéo dài. Với người cao tuổi, vị thuốc ba kích có tác dụng rõ rệt giúp ăn ngon, ngủ ngon, tăng cân nặng, tăng cơ lực.
Trong Đông y có nhiều bài thuốc sử dụng cây ba kích, ngoài ra có thể sử dụng rượu ngâm ba kích tác dụng tốt cho sức khỏe sinh lý.
1.2. Nhục thung dung - cây thuốc bổ thận tráng dương
Nhục thung dung là một loại cây ký sinh vào rễ các cây khác. Nó thường chọn thân cây chủ là loại cây có rễ khỏe, xuyên sâu vào lòng đất, có thể hút được nước từ dưới tầng đất sâu. Hệ rễ của nhục thung dung bám chặt vào hệ rễ của cây chủ để có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng. Vào mùa xuân, mầm cây nhục thung dung mới có thể đâm thủng mặt đất để mọc nhô lên trên.
Nhục thung dung có thể tồn tại trong môi trường khí hậu khắc nghiệt nhờ lớp lá dày. Từ khoảng 2.000 năm trước, nhục thung dung đã được sử dụng trong các bài thuốc bổ thận tráng dương, tăng cường thể lực cho đàn ông và có tên trong cuốn sách Thần Nông bản thảo, bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y.
Trong Đông y, vị thuốc nhục thung dung có tính ấm, vị ngọt, có tác dụng bổ thận, trợ dương, lưu thông khí huyết, giúp cải thiện chức năng sinh lý, cường gân, hoạt cốt. Vị thuốc này rất thích hợp cho người bị yếu sinh lý, thận hư hay bị di tinh.
Theo các kết quả nghiên cứu hiện đại, cho thấy nhục thung dung có chứa các chất boschnaloside, orobanin, 8-epilogahic axít, betaine cùng nhiều loại axit hữu cơ và trên 10 loại axit amin.
Các chất này có tác dụng giống như hormone sinh dục giúp tăng cường thể lực, tăng sinh lý và tăng khả năng miễn dịch. Ngoài ra vị thuốc nhục thung dung còn có khả năng kích thích, điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận, khắc phục tình trạng suy giảm chức năng tuyến thượng thận ở cả nam và nữ.
1.3. Dâm dương hoắc - cây thuốc bổ thận tráng dương
Dâm dương hoắc có tên khoa học là Herba Epimedii, bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây phơi khô của cây dâm dương hoắc.
Theo Y Học Cổ Truyền, dâm dương hoắc có vị cay, ngọt, tính ấm, đi vào kinh can, thận. Nó có tác dụng ôn thận tráng dương, cường cân cốt, trừ phong thấp.
Dâm dương hoắc thường được dùng để điều trị chứng thận dương hư với các biểu hiện như liệt dương, không có con, tiểu tiện nhiều lần, thường dùng cùng với các vị thuốc khác như thục địa, kỷ tử, ba kích như bài Tán dục hoàn.
1.4. Cá ngựa - vị thuốc bổ thận tráng dương
Cá ngựa còn có tên gọi khác là hải mã, hải long, bộ phận dùng làm thuốc là toàn bộ con cá ngựa có tên khoa học là Hippocampus kelloggi jordan et Snyder.
Theo Y Học Cổ Truyền, cá ngựa có vị ngọt, mặn, tính ấm, đi vào kinh can, thận. Cá ngựa có tác dụng bổ thận tráng dương, hoạt huyết tán kết và tiêu thũng chỉ thống.
Cá ngựa thường được sử dụng trong điều trị thận dương hư suy, liệt dương, tinh ít, tử cung lạnh không có con, đau lưng mỏi gối, đi tiểu nhiều lần. Có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với bổ cốt chi, dâm dương hoắc.
1.5. Tỏa dương - cây thuốc bổ thận tráng dương
Vị thuốc tỏa dương là thân phơi khô của cây tỏa dương Cynomorium songaricum Rupr. Trong Y Học Cổ Truyền, tảo dương có vị ngọt, tính ấm, đi vào kinh can, thận, đại trường. Vị thuốc này có tác dụng bổ thận dương, ích thận tinh và nhuận tràng thông tiện.
Tỏa dương thường được dùng trong điều trị chứng liệt dương, đau lưng mỏi gối, không có con do thận dương hư, thường được sử dụng cùng với ba kích, bổ cốt chi, thỏ ty tử.
2. Một số bài thuốc bổ thận tráng dương
2.1. Nhất dạ ngũ giao - bài thuốc bổ thận tráng dương
Bài thuốc Nhất dạ ngũ giao là một bài thuốc bổ thận tráng dương đã được sử dụng từ rất lâu. Thành phần bài thuốc gồm có: Nhục thung dung 12g, xuyên quy 20g, cốt toái bổ 8g, táo nhân 8g, cam cúc hoa 12g, xuyên ngưu tất 8g, chích kỳ 8g, sinh địa 12g, nhị hồng sâm 20g, thạch hộc 12g, xuyên khung 12g, xuyên đỗ trọng 8g, xuyên tục đoạn 8g, quảng bì 8g, cam kỷ tử 20g, đảng sâm 10g, thục địa 20g, xuyên tục đoạn 8g, đan sâm 12g, đại táo 10 quả, đường phèn 300g.
Cách dùng bài thuốc nhất dạ ngũ giao như sau: Đường phèn để riêng, các vị thuốc còn lại đem ngâm với 3 lít rượu nếp ngon trong vòng 5 ngày đêm, đến ngày thứ sáu, nấu 0,5 lít nước sôi với 300g đường phèn cho tan ra, để nguội, rồi đổ vô bình rượu, trộn đều, tiếp tục ngâm đến ngày thứ 10 thì đem ra dùng. Ngày 3 lần sáng, trưa, tối mỗi lần uống 20 - 30ml, dùng liên tục trong vòng 20 - 30 ngày.
2.2. Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử - bài thuốc bổ thận tráng dương
Một bài thuốc bổ thận tráng dương nổi tiếng khác đó là bài Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử. Thành phần bài thuốc gồm có: Thục địa 40g, sa sâm 20g, bạch truật 12g, vân quy 12g, phòng phong 12g, đào nhân 20g, bạch thược 12g, trần bì 12g, xuyên khung 12g, thục linh 12g, nhục thung dung 12g, cam thảo 12g, tần giao 8g, tục đoạn 8g, kỷ tử 20g, thương truật 8g, độc hoạt 8g, mộc qua 8g, đỗ trọng 8g, nhục quế 4g, cát tâm sâm 20g, đại hồi 4g, cúc hoa 12g, đại táo 10 quả.
Cách dùng của bài thuốc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử như sau: Cho các vị thuốc trên ngâm với 2.5 lít rượu tốt trong vòng 7 ngày. Sau đó lấy 150g đường phèn nấu với một xị nước sôi cho đường tan hết, để nguội rồi đổ vào bình rượu thuốc, trộn đều, tiếp tục ngâm đến ngày thứ 10 đem ra dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 15 - 20ml vào buổi sáng, trưa, chiều trước bữa ăn. Bã thuốc sau đó đem ngâm nước hai với 1.5 lít rượu ngon, một tháng sau lấy ra dùng tiếp.
Theo các nghiên cứu khoa học cũng như dựa trên công dụng của các vị thuốc trong bài thuốc “Nhất dạ ngũ giao” và “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” đều là những vị thuốc bổ có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp ăn ngon miệng, ngủ ngon, mạnh gân cốt bổ thận tráng dương.
Dù là bài thuốc nổi tiếng, dù là các vị thuốc bổ nhưng khi sử dụng nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc, dùng đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được sử dụng một cách tùy tiện và thái quá.
Nếu sử dụng thuốc để điều trị bệnh thì trước hết người bệnh cần phải được thầy thuốc chuyên khoa thăm khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh, sau đó mới lựa chọn phương thuốc và bào chế thuốc cho phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.