Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sau quá trình sinh nở, các sản phụ thường phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong việc ăn uống, vận động, cho con bú,... Xử lý tốt những vấn đề này không chỉ đảm bảo sức khỏe cho em bé mà còn giúp nâng cao sức khỏe người mẹ, giúp mẹ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Bài viết sẽ giải đáp những vấn đề thường gặp sau sinh nhằm đảm bảo sức khỏe và tâm lý tốt cho cả mẹ và bé.
1. Chế độ ăn sau sinh như thế nào?
1.1 Chế độ ăn uống sau sinh thường
Sản phụ vừa trải qua một cuộc chuyển dạ tiêu hao nhiều năng lượng nên cần phải có một chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng để mau hồi phục sức khỏe và có đủ sữa cho con bú.
Theo đó, sau sinh thường, sản phụ nên ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, trái cây,... và tránh những gia vị có chất kích thích như ớt, trà, cà phê,... vì sẽ gây ảnh hưởng tới việc tiết sữa. Các bà mẹ cũng cần chú ý ăn chín, ăn nhiều rau xanh, trái cây, tích cực cho con bú và uống đủ nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày), uống thêm sữa, nước hoa quả,... để đảm bảo đủ lượng sữa cho bé.
1.2 Chế độ ăn uống sau sinh mổ
Lựa chọn sinh mổ đồng nghĩa với việc sản phụ sẽ mất nhiều máu hơn sinh thường. Vì vậy, gia đình cần chú trọng việc bồi dưỡng, giúp sản phụ mau hồi phục sức khỏe.
Cụ thể, sản phụ không được ăn gì trong vòng 6 giờ đầu sau mổ. Nguyên tắc ăn uống là sản phụ sẽ ăn từ lỏng đến đặc, được ăn cơm khi đã xì hơi. Trong ngày đầu sau sinh mổ, sản phụ nên uống nước lọc, nước đường và ăn cháo loãng. Sau khi xì hơi, sản phụ có thể ăn uống như bình thường, tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa,... và tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, trà, cà phê; uống đủ nước, tăng cường ăn rau xanh và trái cây.
Trắc nghiệm: Những điều cần biết về kiêng cữ sau sinh
Sau sinh, cơ thể sản phụ sẽ có rất nhiều sự thay đổi, việc thực hiện tốt các kiêng cữ sau sinh và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khỏe. Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quan về kiêng cữ sau sinh và thực hiện sao cho phù hợp nhất.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
2. Chế độ vận động sau sinh như thế nào?
2.1 Chế độ vận động, nghỉ ngơi sau sinh thường
Về chế độ vận động sau sinh :
Vận động sau sinh là việc làm cần thiết để giúp tử cung co hồi tốt, tránh chảy máu sau sinh, tránh bế sản dịch và thuyên tắc mạch. Những ngày đầu sau sinh, sản phụ có thể ngồi dậy ra khỏi giường, đi lại nhẹ nhàng trong phòng. Bên cạnh đó, sản phụ cần chú ý vệ sinh vùng kín, lau khô sau mỗi lần tiêu, tiểu; thường xuyên thay băng vệ sinh để tránh viêm nhiễm.
Tùy thuộc vào thể trạng của từng người, sau một tuần sản phụ có thể tập các bài thể dục nhẹ nhàng. Trong quá trình sinh nở, cơ thể toát nhiều mồ hôi nên sản phụ cần phải tắm gội sạch sẽ. Phòng tắm cần phải kín gió, nên tắm bằng nước ấm và không ngâm mình lâu trong bồn tắm. Phụ nữ mới sinh nên tắm nhanh trong 5 – 10 phút, tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc đầy đủ quần áo. Khoảng 3 – 4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh, lau đầu cho thật khô, có thể dùng máy sấy để sấy khô tóc. Các bà mẹ vừa sinh chú ý không tắm gội cùng lúc để tránh phải tiếp xúc lâu với nước, tránh nguy cơ chóng mặt và té ngã do phải vận động nhiều, cúi đầu lâu.
Về chế độ nghỉ ngơi:
Ngủ đủ giấc là rất quan trọng đối với các bà mẹ vừa trải qua một cuộc chuyển dạ. Vì vậy, những người thân trong gia đình nên hỗ trợ chăm sóc bé để cho mẹ ngủ. Mỗi ngày, sản phụ nên ngủ khoảng 8 – 9 tiếng. Trong lúc ngủ, cơ thể của các bà mẹ sẽ lấy lại năng lượng và hỗ trợ tiết sữa tốt hơn, đồng thời tránh được nguy cơ trầm cảm sau sinh.
2.2 Chế độ vận động, nghỉ ngơi sau sinh mổ
Về chế độ vận động và nghỉ ngơi:
Ngày đầu sau mổ, sản phụ có thể cử động tay chân, xoay trở nhẹ trên giường. Sau đó, tùy tình hình sức khỏe, sản phụ có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại để phục hồi các chức năng bình thường của cơ thể, giảm nguy cơ gặp các biến chứng sau phẫu thuật như bế sản dịch, thuyên tắc mạch,... Với những sản phụ đã trải qua giai đoạn khó chuyển dạ trước khi quyết định mổ lấy thai hoặc bị mất nhiều máu trong lúc sinh thì cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
Chăm sóc vết mổ:
Sau 3 – 5 ngày, vết mổ sẽ lành da. Nếu vết mổ được may bằng chỉ tiêu thì sẽ không cần phải cắt chỉ. Nếu vết mổ may bằng chỉ không tiêu, bác sĩ sẽ chỉ định cắt chỉ trong khoảng 5 – 7 ngày sau mổ. Trong thời gian này, người mẹ có thể lau người hoặc tắm nhanh với nước ấm, sau đó lau khô toàn thân và vết mổ. Chú ý sản phụ không băng kín vết mổ hoặc bôi các dung dịch sát khuẩn lên vết mổ nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Cho con bú:
Tùy tình trạng sức khỏe, sau sinh mổ bằng hình thức gây tê, sản phụ có thể cho con bú sau khoảng 30 – 60 phút. Với sản phụ gây mê toàn thân, sau khoảng 6 giờ có thể cho con bú.
3. Bụng to sau khi sinh có sao không?
Sau khi sinh, các sản phụ thấy bụng vẫn to, sờ thấy có một khối cứng ở vùng bụng và băn khoăn không biết tình trạng này có nguy hiểm không. Thực tế thì đó là biểu hiện sinh lý bình thường, các bà mẹ không cần lo lắng. Cụ thể, trong quá trình mang thai, tử cung của các bà mẹ sẽ lớn nhanh để chứa thai nhi, nhau thai và nước ối. Sau sinh, tử cung sẽ co hồi nhanh, giúp cầm máu sau sinh. Nếu sau sinh sản phụ sờ thấy có một khối cứng nằm ngang rốn thì đó là tử cung và đây không phải dấu hiệu nguy hiểm đối với sức khỏe.
4. Làm thế nào để có đủ sữa cho con?
Khi mới sinh, sữa non đã có trong bầu vú mẹ, có chứa nhiều năng lượng và kháng thể. Sữa non có màu vàng nhạt, đặc hơn sữa sau này, có khả năng giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng. Những ngày đầu sau sinh, dạ dày của trẻ rất nhỏ, các bà mẹ chỉ cần tích cực cho trẻ bú sữa non và bú nhiều lần là sẽ cung cấp đủ năng lượng cho bé. Người mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt, bú nhiều lần trong ngày để tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, tiết nhiều sữa hơn và không lo bị mất sữa.
Để trẻ được bú đủ sữa, sản phụ cần:
- Tin rằng mình có đủ sữa cho con;
- Giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn;
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, sữa, trái cây;
- Ở bên trẻ càng nhiều càng tốt;
- Cho trẻ ngậm núm vú đúng cách;
- Cho trẻ bú theo nhu cầu, bất cứ khi nào trẻ đòi bú.
5. Khoảng cách giữa các cữ bú như thế nào?
Các bà mẹ nên cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đòi bú cả vào ban ngày và ban đêm. Thông thường, mỗi cữ bú của trẻ sẽ kéo dài trong khoảng 10 – 15 phút. Tuy nhiên, một số trẻ có thể bú lâu hơn, khoảng 20 phút. Khi đã nhận đủ sữa, trẻ sẽ tự nhả vú, hài lòng và ngủ ngon.
Gợi ý cho bà mẹ biết trẻ bú đủ sữa hay thiếu sữa:
- Trẻ bú đủ sữa thường đi tiểu tối thiểu 6 – 8 lần/ngày, nước tiểu loãng và không nặng mùi;
- Trẻ bú không đủ sữa thường đi tiểu dưới 6 lần/ngày, nước tiểu bị cô đặc, nặng mùi và có màu vàng đậm.
6. Lưu ý khi theo dõi trẻ bú mẹ
Trong những ngày đầu sau sinh, trẻ sơ sinh phải thích nghi dần với môi trường bên ngoài. Lúc này, phản xạ thở, bú, nuốt của bé chưa hoàn chỉnh, dạ dày bé nằm ngang và dung tích nhỏ (ngày 1: từ 5 - 7ml; ngày 3: từ 22 – 27ml; ngày 10: từ 60 - 80ml) nên các mẹ cho trẻ bú cần lưu ý:
- Không cho trẻ uống nước đường, nước cam thảo vì dễ làm trẻ ói, sặc;
- Các mẹ nên ngồi cho con bú để giúp trẻ ngậm vú đúng và mẹ dễ quan sát bé;
- Sau khi cho bé bú, mẹ bế bé đầu cao, vỗ nhẹ vào vùng giữa hai xương bả vai để giúp trẻ ợ hơi trước khi nằm;
- Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng đầu sang một bên, nếu có ọc sữa sẽ chảy ra ngoài, tránh sữa chảy vào mũi gây sặc;
- Phòng bé cần phải để đèn đủ sáng để thuận tiện cho việc chăm sóc và theo dõi trẻ;
- Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như trẻ thở khó, khóc quấy, sặc nhiều lần,... cần liên hệ với y bác sĩ để được hỗ trợ.
Nắm vững những kiến thức trên đây sẽ giúp sản phụ có thể giữ được tâm lý, thể trạng tốt cho mình và bé yêu.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Lý Thị Thanh Nhã đã có quá trình làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay.
Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong chẩn đoán theo dõi và điều trị thai nghén, thai bệnh lý. Khám tầm soát thai kỳ. Thực hiện các kỹ thuật mổ lấy thai. Phẫu thuật nội soi điều trị u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.