Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Biện pháp sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp rất phổ biến và cũng khá an toàn nếu sử dụng theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất cũng như của y, bác sĩ. Mặc dù có những vấn đề khó khăn khi dùng thuốc như: buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, chậm hoặc rong kinh,... nhưng hầu như không có biến chứng nào trở nên nghiêm trọng.
1. Thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng trong những trường hợp nào?
Thuốc tránh thai khẩn cấp là viên uống tránh thai có hàm lượng nội tiết tố cao, được sử dụng để giảm nguy cơ có thai ngoài ý muốn nếu sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn.
Thuốc tránh thai khẩn cấp có tác dụng:
- Tác dụng ức chế buồng trứng rụng trứng: Thuốc tránh thai có chứa hormone sinh dục từ bên ngoài đưa vào cơ thể, ức chế cơ thể tiết ra ovestin, từ đó ức chế sự điều tiết ra FSH và metakentrin, ức chế buồng trứng rụng trứng, giúp tránh thai hiệu quả;
- Tác dụng làm biến đổi niêm dịch ở cổ tử cung: Thuốc chứa progestin sẽ làm tuyến thể ở cổ tử cung trở nên đặc dính và không cho tinh trùng đi qua để gặp trứng, từ đó có tác dụng tránh thai;
- Làm thay đổi hình thái màng trong tử cung: Thuốc chứa progestin và estrogen từ bên ngoài đưa vào khiến màng trong tử cung phát dục không tốt, không cho trứng làm tổ trong tử cung nên giúp tránh thai.
Thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng trong những trường hợp như:
- Phụ nữ chưa từng sử dụng biện pháp tránh thai nào hoặc không được bảo vệ bởi các biện pháp tránh thai;
- Khi sử dụng các biện pháp tránh thai thất bại như bao cao su bị rách, trượt hoặc không được dùng đúng cách;
- Bỏ lỡ 3 ngày uống thuốc tránh thai hàng ngày trở lên;
- Đối với thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen, uống trễ 3 giờ so với thời gian dùng thuốc cố định hàng ngày hoặc hơn 27 giờ sau liều dùng trước đó;
- Đối với thuốc tránh thai thông thường (0,75mg), uống trễ hơn 12 giờ so với thời gian dùng thuốc cố định hàng ngày hoặc hơn 36 giờ sau liều dùng trước đó;
- Đối với thuốc tiêm progestogen norethisterone enanthate (NET-EN) khi bạn dùng trễ 2 tuần;
- Đối với thuốc tiêm progestogen chỉ có depot-medroxyprogesterone acetate (DMPA) khi bạn dùng trễ hơn 4 tuần;
- Đối với biện pháp tránh thai tiêm kết hợp (CIC) là trễ hơn 7 ngày.
2. Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp thế nào để đạt hiệu quả?
Viên thuốc tránh thai khẩn cấp uống càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ, tức là 3 ngày sau khi có quan hệ tình dục không được bảo vệ an toàn. Nhưng đến ngày thứ 5 sau khi có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai an toàn thì vẫn có thể sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng hiệu lực tác dụng của thuốc sẽ không còn cao.
Nếu uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong 24 giờ đầu hiệu quả tránh thai lên tới 95%, nếu uống thuốc sau 24-48 giờ hiệu quả 85% và sau 49-72 giờ hiệu quả chỉ còn 58%.
Bên cạnh đó, lưu ý:
- Không nên sử dụng quá 2 liều viên tránh thai khẩn cấp trong vòng một tháng.
- Loại thuốc tránh thai khẩn cấp 2 viên thì cần phải uống đủ cả 2 viên mới có tác dụng ngừa thai được.
- Trong trường hợp nếu không thấy kinh nguyệt trở lại trong vòng 4 tuần sau khi sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp thì có khả năng đã mang thai. Trường hợp này, người dùng cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn kịp thời.
3. Những vấn đề khó khăn khi sử dụng tránh thai khẩn cấp
3.1. Buồn nôn hoặc nôn trong vòng 2 giờ sau uống thuốc
Một trong những vấn đề khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp là người dùng có thể buồn nôn hoặc nôn trong vòng 2 giờ sau uống thuốc. Khi bị buồn nôn, người dùng nên:
- Uống lại liều thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt.
- Có thể sử dụng thuốc chống nôn trước khi uống liều lặp lại viên thuốc tránh thai kết hợp, hoặc liều lặp lại có thể được đặt đường âm đạo nếu vẫn tiếp tục buồn nôn hoặc nôn nhiều.
3.2. Chậm hoặc rong kinh sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp
Việc chậm hoặc rong kinh cũng là một trong những vấn đề khó khăn khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu chậm hoặc rong kinh từ 3 đến 4 tuần thì người dùng cần:
- Cần thử thai hoặc tái khám tại cơ sở y tế nếu chậm kinh.
- Hiện không có bằng chứng về nguy cơ lên thai khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và mang thai, vì vậy người dùng không cần phải lo lắng quá nhiều.
3.3. Chảy máu âm đạo thất thường
Khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể che lấp những triệu chứng của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung, do đó cần phải định kỳ (6-12 tháng) khám phụ khoa để loại trừ ung thư.
Bên cạnh đó, một số vấn đề khó khăn sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp như: Đau dạ dày; đau đầu; chóng mặt; đau ngực.
Thuốc tránh thai khẩn cấp là con dao hai lưỡi vì có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người sử dụng nếu lạm dụng phương pháp tránh thai này. Do vậy nên áp dụng những phương pháp an toàn hơn như dùng bao cao su, đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai hằng ngày,... Nếu uống thuốc tránh thai khẩn cấp vì lý do bất khả kháng, chị em nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, uống càng sớm càng tốt sau khi quan hệ, uống đủ liều lượng và đúng theo chỉ dẫn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.