Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý phổ biến rất nhiều bà mẹ gặp phải, bệnh nếu không được kiểm soát tốt có thể gây nguy hiểm cho tính mạng cả sản phụ và thai nhi. Những vấn đề của trẻ sinh ra từ bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ cũng cần phải chú ý.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Theo định nghĩa Tổ chức y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp Glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
2. Những vấn đề của trẻ sinh ra từ bà mẹ tiểu đường thai kỳ
Những vấn đề có thể xảy ra với trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ bao gồm:
- Trẻ sinh ra thừa cân
Khi mẹ bị tiểu đường, đường huyết của mẹ cao, đường huyết của trẻ cũng sẽ cao, khi đó tuyến tụy của trẻ sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất nhiều Insulin hơn. Insulin làm hạ đường huyết và dự trữ lượng đường dư dưới dạng lipid, do đó trẻ sinh ra thường cân nặng cao hơn bình thường.
- Trẻ sinh non, thai chết lưu
Nếu đường huyết của mẹ không được kiểm soát có thể dẫn đến sinh non, hoặc thai chết lưu nhất là những tuần cuối của thai kỳ.
- Trẻ bị hạ đường huyết sau sinh
Khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ, đường huyết của mẹ cao, đường huyết của trẻ cũng sẽ cao, khi đó tuyến tụy của trẻ sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất nhiều Insulin hơn, sau khi trẻ được sinh ra sẽ bị cắt nguồn đường cung cấp từ mẹ, nhưng Insulin trong cơ thể trẻ vẫn còn nhiều, mà Insulin làm giảm đường huyết, vì vậy trẻ hạ đường huyết, trường hợp hạ đường huyết nặng có thể gây co giật ở trẻ.
- Nguy cơ suy hô hấp sơ sinh
Nguy cơ suy hô hấp gặp nhiều hơn khi trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Suy hô hấp không chỉ gặp ở trẻ bị sinh non mà còn gặp ở cả trẻ sinh đủ tháng.
- Hạ canxi
Hạ canxi máu ức chế chức năng tuyến cận giáp ở trẻ em và liên quan đến tăng phospho máu, đồng thời hạ Magie máu. Trong bệnh tiểu đường thai kỳ của mẹ, sự tái hấp thu Magie ở đường tiết niệu bị giảm, và suy giảm Magie từ mẹ qua nhau thai.
- Tăng Bilirubin máu
Sự chưa hoàn thiện chức năng gan và chứng đa hồng cầu là yếu tố gây tăng Bilirubin. Vì vậy, cần được chẩn đoán sớm tiểu đường thai kỳ, để kiểm soát đường huyết đối với mẹ, để giảm nguy cơ đối với con và biết được nguy cơ đối với con phòng và điều trị các bệnh kịp thời.
3. Hướng xử trí và chăm sóc trẻ sinh ra từ bà mẹ bị tiểu đường
Chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ cần phải:
- Trẻ sơ sinh ngay sau sinh cần được theo dõi, chăm sóc bởi chuyên khoa sơ sinh.
- Kiểm tra đường huyết của trẻ mặc dù không có triệu chứng gì về hạ đường huyết, tùy kết quả đường huyết can thiệp điều trị cho trẻ.
- Theo dõi hô hấp trẻ,, nếu trẻ có dấu hiệu suy hô hấp: Hỗ trợ hô hấp, cần tiêm chất Sulfactan, vì ở trẻ này thường do thiếu hụt hoạt chất đó.
Video đề xuất:
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai: Cẩm nang mẹ bầu cần biết
XEM THÊM