Những vắc-xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi

Bài viết được tư vân chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Đức Tuyên - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Từ lúc sinh ra đến khi trẻ dưới 1 tuổi là thời điểm bé phải tiêm rất nhiều loại vắc-xin do trong giai đoạn này sức đề kháng của trẻ còn kém nên trẻ rất dễ mắc hàng loạt bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và mắc di chứng cao. Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi dưới đây là thứ tự tiêm phòng vắc-xin đầy đủ nhất bao gồm cả các loại vắc-xin trong danh sách Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.

1. Những loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh gì?

Những bệnh truyền nhiễm và vắc-xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho những trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B, sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.

Trong 10 vắc-xin kể trên, vắc-xin đã được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ dưới 1 tuổivắc-xin phòng viêm gan virus B tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, vắc-xin phòng lao được tiêm 1 liều duy nhất trong vòng một tháng đầu sau sinh. Ngoài ra, còn có vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae týp B, sởi.

Trẻ nào không được tiêm vắc-xin: theo quyết định 2301/QĐ-BYT của Bộ y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em quy định:

  • Các trường hợp chống chỉ định:

a) Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc-xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.

b) Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....)

c) Trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc-xin sống.

d) Không tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

đ) Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.

  • Các trường hợp tạm hoãn:

a) Trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

b) Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).

c) Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.

d) Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày.

đ) Trẻ có cân nặng dưới 2000g.

e) Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin


Trẻ sốt ≥ 37,5°C cần hoãn việc tiêm vắc-xin
Trẻ sốt ≥ 37,5°C cần hoãn việc tiêm vắc-xin

2. Lịch tiêm chủng cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng

Theo thông tư Số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định lịch tiêm như sau:

Những vắc-xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi

Những vắc-xin phải tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng có một số loại vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Dưới đây là danh sách các loại vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng Quốc gia:

  • Vắc-xin BCG: là vắc-xin phòng bệnh lao và cần được trẻ em dưới 1 tuổi tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 30 ngày sau khi trẻ được sinh ra.
  • Vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh: Vắc-xin viêm gan B được sử dụng để phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24h sau sinh.
  • Vắc-xin Quinvaxem/ Combefive (vắc-xin 5 trong 1): phòng được 5 bệnh bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HiB Vắc-xin Quinvaxem/Combefive được tiêm 3 mũi bao gồm:
    • Mũi tiêm 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
    • Mũi tiêm 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
    • Mũi tiêm 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
  • Vắc-xin phòng bại liệt (OPV- uống và IPV- tiêm): giúp trẻ em dưới 1 tuổi phòng bệnh bại liệt với 3 liều uống:
    • Uống liều thứ 1: khi trẻ tròn 2 tháng tuổi
    • Uống liều thứ 2: khi trẻ tròn 3 tháng tuổi
    • Uống liều thứ 3: khi trẻ tròn 4 tháng tuổi
    • Từ đầu năm 2016, trẻ tròn 5 tháng tuổi được tiêm thêm một liều vắc-xin bại liệt bất hoạt để phòng bệnh.
  • Vắc-xin phòng bệnh sởi: bao gồm có 2 mũi tiêm.
    • Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ tròn 9 tháng tuổi
    • Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
    • Hiện nay đã có vắc-xin phối hợp sởi – rubella được tiêm thay thế cho vắc-xin sởi đơn khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
  • Vắc-xin DPT: tiêm nhắc phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và được tiêm khi trẻ tròn 18 tháng.
  • Vắc-xin viêm não Nhật Bản: trẻ em cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
    • Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ được 1 tuổi.
    • Mũi tiêm thứ 2: cách mũi thứ nhất 1-2 tuần.
    • Mũi tiêm thứ 3: cách mũi thứ hai 1 năm.

3. Lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi theo chương trình tiêm chủng dịch vụ:

Chương trình tiêm chủng dịch vụ tương tự như Chương trình tiêm chủng mở rộng và có bổ sung thêm vắc-xin phòng cúm, viêm màng não do não mô cầu BC để đảm bảo phòng bệnh tối ưu nhất cho trẻ như sau:

  • Sơ sinh: tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và vắc-xin BCG phòng lao ( trong 30 ngày sau sinh).
  • Trẻ 2,3,4 tháng tuổi: tiêm vắc-xin 6 trong 1 (Hexaxim, Infanrix Hexa) phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae týp B, viêm gan B.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi: tiêm vắc-xin phòng cúm với 2 liều cách nhau 1 tháng và nhắc lại hàng năm.
  • Vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu BC: tiêm 2 liều cách nhau 6-8 tuần (thường chọn cách 2 tháng).
  • Trẻ 9 tháng tuổi: tiêm vắc-xin phòng sởi đơn MVVAC hoặc MMR, 6 tháng sau nhắc lại MMR phòng sởi – quai bị - rubella liều 1 và 4 năm sau nhắc mũi MMR liều 2. Trong trường hợp lưu hành dịch sởi, vắc-xin phòng sởi có thể được tiêm sớm hơn từ lúc trẻ 6 tháng tuổi.

4. Tác dụng của tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi

Vắc-xin và tiêm chủng là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại nói chung và cho trẻ dưới 1 tuổi nói riêng. Khoảng 85% – 95% số người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh, hạn chế bị tử vong hay bị di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc-xin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc-xin và tiêm chủng góp phần rất quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Nhờ vậy, vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng phát triển nguồn nhân lực. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ dưới 1 tuổi phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ dưới 1 tuổi nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững. Vắc-xin và tiêm chủng làm cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình.

Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung... Bên cạnh đó vắc-xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Để nhận tư vấn trực tiếp hoặc đặt lịch hẹn tiêm phòng cho con (bao gồm cả lịch nhắc lại) tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bố mẹ vui lòng đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline Phòng khám/ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec gần nhất:

  • Vinmec Times City - Hà Nội: 024 3974 3556
  • Vinmec Hạ Long : 0203 3828 188
  • Vinmec Hải Phòng : 0225 730 9888
  • Vinmec Đà Nẵng : 0236 3711 111
  • Vinmec Nha Trang : 0258 3900 168
  • Vinmec Central Park - Tp. Hồ Chí Minh : 028 3622 1166
  • Vinmec Phú Quốc : 0297 398 5588
  • Phòng khám Vinmec Royal City - Hà Nội: 024 3975 6887
  • Phòng khám Vinmec Sài Gòn - (028) 3520 3366
  • Phòng khám Vinmec Gardenia - Hà Nội: 024 3975 6788
  • Phòng khám Vinmec Metropolis - Hà Nội: 024 3975 6886
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe