Những thay đổi của cơ thể trong ngày rụng trứng

Thời điểm rụng trứng có thể thay đổi dựa vào chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Việc dự tính ngày rụng trứng sẽ giúp cho các chị em phụ nữ tăng khả năng thụ thai cao nhất cũng như biết ngày an toàn để tránh mang thai ngoài ý muốn.

1. Quá trình rụng trứng diễn ra như thế nào?

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 28 - 30 ngày, tuy nhiên thời gian này còn thay đổi tùy theo từng người. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt thì rụng trứng là một phần trong chu trình này.

Rụng trứng là hiện tượng khi buồng trứng của phụ nữ giải phóng nang trứng vào vòi trứng do tác động của hormon để sẵn sàng cho việc thụ tinh. Nang noãn sau khi được giải phóng chỉ tồn tại trong khoảng từ 12 đến 24 giờ, nếu trong khoảng thời gian này gặp tinh trùng thì sẽ xảy ra hiện tượng thụ tinh tại vòi trứng tạo thành phôi, sau đó phôi sẽ di chuyển đến làm tổ trong buồng tử cung, hình thành và phát triển thành thai nhi.

Còn nếu trứng và tinh trùng không gặp nhau, nang trứng sẽ thoái triển và sau một khoảng thời gian xảy ra hiện tượng chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt.

Thời điểm rụng trứng lúc này là vào khoảng trước ngày đầu của chu kỳ tiếp theo 14 ngày. Như vậy tùy vào thời gian chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người mà thời điểm rụng trứng sẽ vào thời gian trước hoặc sau chính giữa chu kỳ kinh nguyệt.


Thời điểm rụng trứng có thể thay đổi dựa vào chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ
Thời điểm rụng trứng có thể thay đổi dựa vào chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ

2. Những thay đổi của cơ trong ngày rụng trứng

Khi rụng trứng sẽ khiến cơ thể có những thay đổi khác so với bình thường, đây cũng là cách phổ biến nhất để nhận biết mình có rụng trứng hay không. Một số dấu hiệu như:

  • Tăng tiết dịch nhầy ở cổ tử cung: Dịch nhầy màu trắng, dính ở âm đạo xuất hiện nhiều hơn so với ngày thường, đây là dấu hiệu nhận biết khác biệt rõ ràng mà phụ nữ có thể dễ dàng nhận thấy. Thông thường ở hầu hết phụ nữ thì khi rụng trứng lượng dịch nhầy dính sẽ tăng lên và sẽ giảm dần và khi hết ngày hành kinh sẽ trở về mức thấp nhất.
  • Thay đổi thân nhiệt cơ thể: Thời gian trứng rụng, cơ thể của người phụ nữ có sự thay đổi về các hormone do đó làm tăng thân nhiệt của cơ thể, tuy nhiệt hiện tượng này tăng không quá 1 độ C. Nên kiểm tra thân nhiệt thường xuyên để cho ra kết luận chính xác nhất, tránh nhầm lẫn với tình trạng bệnh lý gây tăng thân nhiệt.
  • Ngực căng cứng: Thấy có dấu hiệu ngực căng tức do ảnh hưởng của việc lượng hormon tăng cao.
  • Đau bụng dưới: Đây là dấu hiệu có thể gặp và đi kèm các triệu chứng đầy bụng, đầy hơi, khó chịu.... Nguyên nhân xảy ra có thể là do trứng vỡ trong nang buồng trứng hoặc trứng đã di chuyển trong ống dẫn trứng. Để hạn chế tình trạng này có thể bằng cách uống nước ấm.
  • Tăng nhu cầu quan hệ vợ chồng: Hiện tượng này xuất hiện là do lượng hormone estrogen tăng lên và nồng độ LH có sự biến đổi mạnh đã thúc đẩy làm tăng ham muốn của chị em trong thời gian rụng trứng. Do đó có thể làm tăng khả năng mang thai.
  • Chuột rút: Theo khảo sát thì có tới trên 90% phụ nữ gặp phải những cơn chuột rút mỗi tháng trước chu kỳ của mình.

Rụng trứng có thể kéo theo các cơn chuột rút mỗi tháng trước chu kỳ
Rụng trứng có thể kéo theo các cơn chuột rút mỗi tháng trước chu kỳ

  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu: Nhận thấy có khoảng 20% phụ nữ gặp phải hiện tượng này vào trước ngày trứng rụng và trước kỳ kinh nguyệt. Có thể do tác động của hormon nên gây ra tình trạng này.
  • Một số dấu hiệu khác như: Chóng mặt; tăng cân trước khi kinh nguyệt cũng khá thường gặp có thể do những khó chịu do thời gian rụng trứng gây ra làm cho chị em cảm giác thèm ăn và nạp nhiều năng lượng dẫn tới tăng cân.

3. Cách xác định thời gian rụng trứng

Cách xác định ngày rụng trứng có ý nghĩa trong việc tăng cơ hội mang thai hoặc có thể là một cách để tránh thai với những người có chu kỳ kinh nguyệt đều.

  • Tính theo chu kỳ kinh nguyệt

Để xác định gần đúng ngày rụng trứng của mình thông qua chu kỳ kinh thì nên theo dõi chu kỳ kinh trong 3 tháng liên tục.

Ngày rụng trứng sẽ vào thời điểm 14 ngày trước khi kỳ kinh tiếp theo đến, vậy nên cần theo dõi kỹ chu kỳ kinh nguyệt của bản thân để tính toán được thời điểm rụng trứng.

Công thức tính ngày rụng trứng là số ngày chu kỳ kinh nguyệt - 14 ngày.

Ví dụ: Nếu chu kỳ kinh là 28 ngày, thì ngày rụng trứng sẽ vào ngày 14 của chu kỳ kinh. Nếu chu kỳ là 35 ngày thì ngày rụng trứng sẽ vào ngày thứ 21 của chu kỳ.

Phương pháp này thích hợp với những bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt đều và kết hợp với các dấu hiệu để xác định tương đối ngày rụng trứng, trong trường hợp kinh nguyệt không đều thì sẽ khó tính toán và dễ sai lệch.


Có thể xác định thời gian rụng trứng gần đúng dựa vào chu kỳ kinh nguyệt
Có thể xác định thời gian rụng trứng gần đúng dựa vào chu kỳ kinh nguyệt

  • Sử dụng que thử trứng

Que thử trứng rụng giúp kiểm tra lượng hormone LH có trong nước tiểu. Nếu que thử trứng báo hai vạch tức là kết quả dương tính hay bạn đang rụng trứng. Tuy nhiên cần phải theo dõi từ thời điểm que cho kết quả âm tính đến lúc bắt đầu chuyển sang dương tính để cho kết quả được chính xác nhất.

  • Siêu âm theo dõi nang trứng

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp chị biết được chính xác thời gian rụng trứng. Phương pháp này rất hiệu quả với những người có kinh nguyệt không đều, tuy nhiên cần phải thực hiện tại các cơ sở y tế.

Trong quá trình rụng trứng chị em sẽ thấy có những thay đổi khác thường của cơ thể, đây cũng là những dấu hiệu khá dễ nhận biết nếu chú ý. Những dấu hiệu này có thể thay đổi về mức độ ở mỗi người, nên theo dõi cơ thể để biết những thay đổi này. Việc nhận ra những dấu hiệu đó cũng giúp tăng cơ hội mang thai hay giảm việc mang thai ngoài ý muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe