Bệnh chàm hay bệnh eczema là bệnh da liễu có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh phức tạp. Đây là nhóm bệnh lý gây ra viêm da với các triệu chứng đặc trưng gồm có viêm, phát ban và ngứa. Nguyên nhân gây bệnh chàm là gì? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu sâu hơn ở nội dung dưới đây
1. Tìm hiểu về bệnh chàm
Chàm là một loại bệnh da liễu khá thường gặp song nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên hiện nay cũng đã xác định được các yếu tố nguy cơ gây bệnh chàm. Việc hạn chế những yếu tố nguy cơ này sẽ giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tốt hơn.
Eczema có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó xảy ra thường xuyên ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Vì thế cha mẹ nên chú ý đến dấu hiệu bệnh của con phát hiện và điều trị sớm. Biểu hiện chính của bệnh chàm là tình trạng viêm da sẩn mụn nước, gây nên những cơn ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh.
1.1. Bệnh chàm (Eczema) là bệnh gì?
Cùng với viêm da cơ địa, chàm cũng là một trong những bệnh lý phổ biến trên da. Chàm còn có tên gọi khoa học là Eczema với nguồn gốc từ gốc tiếng Hy Lạp Eczeo, chỉ những tổn thương là mụn nước. Trong dân gian thường gọi bệnh này là chàm tổ đỉa do những tổn thương lặp đi lặp lại nhiều lần khiến da sần sùi kèm theo các lỗ hút sâu rỉ nước vàng như mồm con đỉa.
Theo định nghĩa khoa học, chàm là một trạng thái viêm lớp nông của da dưới dạng cấp tính và mãn tính, có diễn biến khá phức tạp. Phát ban do eczema có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng chúng có thể thường xuyên xuất hiện ở một số bộ phận nhất định (tùy thuộc vào độ tuổi của mỗi người).
- Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Eczema thường xuất hiện trên mặt, ngực và sau da đầu (vì đây là những vùng mà trẻ nhỏ hay gãi). Eczema hiếm khi xảy ra ở vùng quấn tã. Cha mẹ nên quan sát kỹ dấu hiệu trẻ bị eczema để kịp thời xử lý.
- Ở trẻ lớn hơn và người lớn: Bệnh eczema thường bùng phát mạnh ở khuỷu tay hoặc mặt sau của đầu gối. Bệnh cũng phổ biến trên da mặt, mí mắt, bàn tay và bàn chân, đặc biệt là ở người lớn.
Bệnh chàm có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó các nhóm đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:
- Trẻ sơ sinh có sức đề kháng kém
- Trẻ chơi trong môi trường bẩn, không được vệ sinh sạch sẽ
- Các đối tượng làm công việc nội trợ và thường xuyên phải tiếp xúc với các chất tẩy rửa.
- Người nhạy cảm với thời tiết và dễ bị kích ứng khi có tác động từ bên ngoài
- Người có người thân trong gia đình từng có tiền sử mắc bệnh chàm da.
Bệnh chàm mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nếu không được điều trị dứt điểm có thể sẽ dẫn đến một số biến chứng khó lường như:
- Nhiễm trùng trên da: Những tổn thương không được chữa lành tận gốc, khiến cho bệnh tái đi tái lại nhiều lần, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu vàng hình thành.
- Nhiễm nấm
- Viêm da bong vảy
- Các vấn đề về mắt như: Viêm bờ mi mắt, viêm kết mạc, đục thủy tinh thể và bong võng mạc, giảm thị lực
- Rối loạn giấc ngủ: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh chàm là rối loạn giấc ngủ, khiến tinh thần sa sút.
- Hen suyễn, dị ứng cũng là một trong những biến chứng thường thấy ở người bị bệnh chàm.
1.2. Bệnh chàm có lây không?
Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm bởi bệnh chàm là bệnh ngoài da. Tuy nhiên, dựa vào các nghiên cứu thực tế, chàm da không có khả năng lây truyền qua đường tiếp xúc thông thường, ít lan truyền từ vùng da này sang vùng da khác. Do đó, người bệnh không nên quá tự ti, ngại tiếp xúc với người khác khi bị bệnh.
Thay vào đó, để bảo vệ cho vùng da bị chàm của bạn thì khi đi ra ngoài, người bệnh nên có các biện pháp bảo vệ để hạn chế tình trạng bội nhiễm và đặc biệt là sau khi bôi thuốc. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải xây dựng, thực hiện chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng vì một trong những nguyên nhân gây nên bệnh chàm là do sự suy yếu của hệ miễn dịch. Ngoài ra, việc lựa chọn một phương pháp giải quyết bệnh triệt để cũng là điều cần thiết nhằm ngăn chặn sự phát triển, lan rộng của các vùng da bị bệnh.
2. Nguyên nhân bị bệnh chàm và cách phòng tránh
Nguyên nhân gây bệnh chàm có thể kể đến như sau:
2.1. Một số hóa chất
Một số loại hóa chất có thể kích ứng và làm các triệu chứng của bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy để giúp phòng tránh bệnh chàm bạn nên thực hiện một số biện pháp khi tiếp xúc với hóa chất:
- Mang găng tay có lót bông
- Không sử dụng chất làm mát không khí, nước hoa hoặc nến thơm.
- Tránh xa khói thuốc.
2.2. Nước nóng
Thường xuyên sử dụng nước quá nóng là một trong những nguyên nhân gây bệnh chàm. Nếu đặc thù công việc phải tiếp xúc với nước nóng hàng ngày, bạn nên bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên.
Tắm vòi hoa sen với nhiệt độ nước quá nóng có thể gây thô ráp trên da và gây kích ứng. Điều này phá hỏng hàng rào bảo vệ da của cơ thể.. Bệnh nhân bị chàm đã có lớp màng bảo vệ da bị tổn thương và theo thời gian, tắm nước nóng chỉ làm cho bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Nếu phải tắm nước nóng, bạn nên thoa dầu lên da trước để bảo vệ da và chỉ tắm nóng trong một thời gian ngắn.
2.3. Mặt trời, mồ hôi và kem chống nắng
Ánh nắng mặt trời có thể khiến làn da của bạn bị đổ mồ hôi, kích ứng. Do đó, bạn nên hạn chế ra ngoài nắng ở thời điểm có tia UV cao. Duy trì thói quen sử dụng kem chống nắng. Các vết cháy nắng có thể khiến làn da bạn bị viêm và bùng phát các triệu chứng của bệnh chàm.
Nếu bạn nhạy cảm với kem chống nắng, hãy ngăn chặn tia cháy bằng các loại khoáng chất, chẳng hạn như oxit kẽm hoặc titanium dioxide. Kem chống nắng dành cho da mặt cũng có thể giúp bạn bảo vệ nhẹ nhàng.
Những người bị bệnh chàm cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời giống như những người khác, nhưng bước này thường bị bỏ qua vì sợ bùng phát. Hiệp hội Eczema Quốc gia khuyến nghị kem chống nắng phổ rộng, dựa trên khoáng chất (vật lý) với SPF 30 hoặc cao hơn. Các thành phần chính phổ biến trong kem chống nắng vật lý bao gồm titanium dioxide và oxit kẽm.
2.4. Một số quần áo
Các chất liệu len và mohair có thể gây ngứa da. Một số chất liệu tổng hợp như polyester, nylon và rayon có thể khiến bạn đổ mồ hôi. Dưới tác động của các chất liệu này, các triệu chứng của bệnh chàm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, để hạn chế tác nhân gây bệnh chàm này, bạn nên mặc quần áo cotton rộng rãi, thoáng khí. Đồng thời bạn nên giặt quần áo trước khi mặc để giúp loại bỏ thuốc nhuộm hoặc hóa chất được sử dụng để giữ cho chúng không bị nhăn tại cửa hàng.
2.5. Chất tẩy rửa, xà phòng và dầu gội đầu
Đây là các hoá chất có thể tác động tiêu cực đến làn da của bạn, gây nên bệnh chàm. Do đó, bạn nên lựa chọn các loại nước giặt dành cho trẻ sơ sinh hoặc da nhạy cảm, như loại không có mùi thơm. Không nên sử dụng các chất làm mềm vải và khăn trải giường có mùi thơm. Lựa chọn dầu gội lành tính, an toàn cho da và có độ pH trung tính, không có hương thơm.
2.6. Căng thẳng
Căng thẳng và lo lắng có thể làm cho tình trạng da như bệnh chàm trở nên tồi tệ hơn. Khi bạn căng thẳng, các hormone căng thẳng trong cơ thể sẽ gây ra chứng viêm kích ứng da. Căng thẳng có thể gây hại cho cơ thể bạn và thậm chí có thể dẫn đến bùng phát bệnh chàm, Tiến sĩ Sarkar lưu ý: "Hầu hết các bệnh, về da và mặt khác đều bùng phát khi căng thẳng. Điều này đặc biệt đúng với các bệnh viêm nhiễm như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến và bệnh chàm".
Ngay cả những căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như khi bạn đang chống chọi với cảm lạnh, cũng có thể gây ra hậu quả. Vì vậy, hãy chăm sóc bản thân thật tốt và tạo thói quen ngủ đủ giấc, thư giãn với các bài tập về yoga, thiền hoặc hít thở sâu.
Điều này trông khác nhau đối với tất cả mọi người. Một số người thích yoga hoặc thiền, những người khác thích đi bộ xuyên rừng hoặc tập tim mạch cường độ cao. Tiến sĩ Sarkar nói rằng hãy tìm ra điều gì làm giảm mức cortisol của bạn và tập trung vào đó một chút mỗi ngày.
2.7. Dị ứng
Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi và nấm mốc, hãy cố gắng tránh xa chúng. Thường xuyên hút bụi và giặt bộ đồ giường hàng tuần bằng nước nóng. Nếu có thể, hãy loại bỏ những tấm màn dày và thảm.
Tránh xa các chất gây dị ứng có thể giúp ngăn ngừa bệnh chàm bùng phát. Tiến sĩ Sarkar cảnh báo: “Các chất gây dị ứng thực sự làm trầm trọng thêm bệnh chàm. "Bệnh nhân bị chàm có nhiều khả năng bị dị ứng với những thứ khác như vật nuôi, phấn hoa, bụi hoặc thực phẩm. Tiếp xúc với những chất gây dị ứng, đặc biệt là với liều lượng cao hoặc lâu dài, có xu hướng bùng phát bệnh chàm. Vì vậy, tôi khuyên bạn nên tránh chúng càng nhiều càng tốt. "
2.8. Nhạy cảm với một số thực phẩm
Nghiên cứu cho thấy một số thực phẩm có thể làm cho bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn - đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ em. Đậu phộng, sữa, đậu nành, lúa mì, cá và trứng thì đều là những thủ phạm phổ biến nhất.
2.9. Không khí khô
Nhắc đến da khô, việc giới thiệu máy tạo độ ẩm đến nhà và / hoặc văn phòng của bạn có thể là một sự thay đổi cuộc chơi thực sự đối với những người bị bệnh chàm. Tiến sĩ Zeichner cho biết: “Đặc biệt là trong những tháng lạnh hơn, gió và nhiệt khô có thể ảnh hưởng đến da. "Sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp khôi phục độ ẩm cho lớp da khác, giữ cho da ở trạng thái tốt nhất có thể ngay cả trong khi bạn ngủ."
Mùa đông, lò sưởi là những nguyên nhân khiến làn da của bạn trở nên thô ráp. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên chăm sóc da để giúp làn da được cấp ẩm liên tục, phòng chống bệnh chàm.
2.10. Tập thể dục và đổ mồ hôi
Tập thể dục rất tốt cho bạn và có thể giảm bớt căng thẳng. Nhưng mồ hôi do tập thể dục có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về da. Để giữ cho cơ thể mát mẻ, hãy nghỉ giải lao trong khi tập luyện, không mặc quần áo quá chật và uống nước khi thấy nóng. Thử tập thể dục trong nhà hoặc vào những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày. Bơi lội cũng là môn thể thao có lợi cho làn da của bạn nhưng hãy nhớ tắm và dưỡng ẩm sau đó vì clo trong nước có thể gây khó chịu.
Bệnh chàm gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống cũng như thẩm mỹ của người bệnh. Do đó, việc chủ động phòng ngừa cũng như điều trị sớm bệnh lý này sẽ giúp bạn thoải mái tận hưởng cuộc sống và tự tin trong giao tiếp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd