Những quan niệm sai lầm về vắc - xin cúm và cúm theo mùa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Cúm là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra theo mùa, tiêm vắc - xin cúm là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Hiện nay có khá nhiều quan niệm sai lầm về vắc-xin cúm, bài viết dưới đây sẽ giúp làm sáng tỏ những vấn đề đó.

1. Tiêm vắc-xin cúm sẽ bị cúm có đúng không?

Câu trả lời là không, vắc - xin cúm sẽ không thể gây ra bệnh cúm. Vắc - xin cúm đường tiêm hiện nay có hai loại: một loại có chứa virus cúm nhưng virus đã bị bất hoạt (đã bị giết chết) do đó không thể gây bệnh (vắc - xin bất hoạt toàn thể), loại còn lại chỉ chứa một gen của virus (chứ không phải toàn bộ virus) để kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể và do đó cũng không thể gây bệnh (vắc-xin cúm tái tổ hợp).

2. Giữa các loại vắc - xin cúm có loại nào tốt hơn loại nào không?

Với mùa cúm 2019 - 2020, Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng (Advisory Committee on Immunization Practices) của Hoa Kỳ khuyến cáo vắc - xin cúm được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người trưởng thành, loại vắc - xin được lựa chọn cho phù hợp dựa trên lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, với các loại hiện có bao gồm vắc - xin cúm bất hoạt (inactivated influenza vaccine - IIV), vắc - xin cúm tái tổ hợp (recombinant influenza vaccine - RIV), hoặc vắc xin - cúm sống giảm độc lực dạng xịt mũi (live attenuated nasal spray influenza vaccine - LAIV4). Không có loại vắc - xin nào được khuyến cáo ưu tiên sử dụng hơn các loại khác.

Vắc - xin cúm có rất nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là vắc - xin cúm cần được sử dụng hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên.

3. Bị mắc cúm tự nhiên liệu có tốt hơn là dùng vắc - xin không?


Mắc cúm tự nhiên không tốt hơn dùng vắc xin bởi cúm có thể diễn tiến nghiêm trọng
Mắc cúm tự nhiên không tốt hơn dùng vắc xin bởi cúm có thể diễn tiến nghiêm trọng

Hiển nhiên là không, bởi cúm có thể diễn tiến nghiêm trọng, đặc biệt là trên trẻ nhỏ, người cao tuổi, những người mắc bệnh mạn tính (như hen phế quản, bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường). Bất kì trường hợp nhiễm cúm nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng, phải nằm viện hoặc tử vong, kể cả đối với trẻ khỏe mạnh và người trưởng thành. Vì thế sử dụng vắc - xin để có miễn dịch là một lựa chọn an toàn hơn so với mạo hiểm nhiễm cúm.

4. Sử dụng vắc - xin cúm hàng năm có thật sự cần thiết không?

Rất cần thiết, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) của Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên cần sử dụng vắc - xin phòng cúm hàng năm, ngay cả khi virus cúm chưa có biến đổi từ mùa dịch trước. Lí do là bởi đáp ứng miễn dịch tạo được từ việc sử dụng vắc xin giảm dần theo thời gian, và sử dụng vắc - xin cúm hàng năm là cần thiết để có được đáp ứng miễn dịch tối ưu.

5. Tại sao một số người bị ốm sau khi sử dụng vắc - xin cúm?

Có một số báo cáo về việc một số người có phản ứng nhẹ sau khi sử dụng vắc-xin cúm. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất khi tiêm vắc-xin cúm là chỗ tiêm đau, đỏ mềm hoặc sưng. Sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ triệu chứng giả cúm cũng có thể xuất hiện. Nếu những phản ứng này xảy ra, chúng thường xuất hiện sớm sau khi tiêm và kéo dài 1 - 2 ngày. Trong những nghiên cứu ngẫu nhiên, các tình nguyện viên sẽ được tiêm vắc- xin cúm bất hoạt hoặc tiêm nước muối, kết quả cho thấy sự khác biệt duy nhất về triệu chứng là những người được tiêm vắc -xin cúm bị đau cánh tay và đỏ tại vị trí tiêm nhiều hơn nhóm được tiêm nước muối; không có sự khác biệt về các biểu hiện đau người, sốt, ho, chảy nước mũi hoặc đau họng giữa hai nhóm.

Tác dụng không mong muốn của vắc-xin cúm dạng xịt mũi có thể xuất hiện là: chảy nước mũi, khò khè, đau đầu, nôn, đau cơ, sốt, đau họng và ho. Nếu có thì các triệu chứng thường xuất hiện sớm sau khi dùng vắc- xin, ở mức độ nhẹ và nhanh chóng kết thúc. Các phản ứng thường gặp sau khi sử dụng vắc-xin cúm được đánh giá là nhẹ hơn so với các triệu chứng do bệnh cúm thực sự gây ra.

6. Các phản ứng nghiêm trọng khi sử dụng vắc-xin cúm là gì?

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi sử dụng vắc-xin cúm là rất hiếm. Nếu có thì phản ứng sẽ xuất hiện sau khi dùng vắc-xin vài phút tới vài giờ. Dù những phản ứng này có thể đe dọa tính mạng nhưng các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giải quyết được vấn đề.

7. Tại sao có những người đã sử dụng vắc-xin cúm mùa nhưng vẫn bị ốm với các triệu chứng của cúm?


Vắc-xin cúm chỉ có tác dụng đối với virus cúm gây bệnh cúm, không có tác dụng đối với virus khác vậy nên một số người mặc dù đã dùng vắc xin cúm nhưng vẫn bị ốm với các triệu chứng của cúm
Vắc-xin cúm chỉ có tác dụng đối với virus cúm gây bệnh cúm, không có tác dụng đối với virus khác vậy nên một số người mặc dù đã dùng vắc xin cúm nhưng vẫn bị ốm với các triệu chứng của cúm

Các triệu chứng cúm có thể xuất hiện bởi một số lí do sau:

  • Con người có thể bị nhiễm nhiều loại virus đường hô hấp khác nhau bên cạnh virus cúm, chẳng hạn như rhinovirus, loại virus gây ra cảm lạnh với các triệu chứng cũng tương tự như cúm, cũng lây lan và gây bệnh trong mùa dịch cúm. Vắc-xin cúm chỉ có tác dụng đối với virus cúm gây bệnh cúm, không có tác dụng đối với virus khác.
  • Một khả năng khác có thể xảy ra là người sử dụng vắc-xin đã bị nhiễm cúm trước đó, hoặc trong khoảng thời gian 2 tuần sau khi sử dụng vắc-xin (đây là khoảng thời gian cơ thể cần để có được đáp ứng miễn dịch với cúm). Chính điều này đã làm cho người sử dụng vắc-xin biểu hiện bệnh bởi cơ thể chưa được bảo vệ từ hệ miễn dịch.
  • Lí do thứ ba có thể xảy ra là người đã sử dụng vắc - xin cúm bị nhiễm loại virus cúm khác quá nhiều so với loại virus cúm mà vắc - xin được thiết kế để chống lại. Virus cúm gây bệnh cho người có nhiều loại khác nhau. Khả năng bảo vệ sau khi sử dụng vắc - xin cúm phụ thuộc khá lớn vào việc virus phơi nhiễm giống với virus được sử dụng để chế tạo vắc xin đến đâu.

Khả năng cuối cùng có thể xảy ra đó là đáp ứng miễn dịch sau khi sử dụng vắc - xin ở mỗi người là khác nhau, do đó ở những người có đáp ứng kém với vắc - xin cúm có thể sẽ bị bệnh.

8. Liệu sử dụng nhiều liều vắc - xin có tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt hơn không?

Ở người trưởng thành nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng nhiều hơn một liều vắc - xin cúm trong một mùa dịch (kể cả với đối tượng người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu) không cho tác dụng tốt hơn. Trừ một số trường hợp ở trẻ em, mỗi người chỉ cần một liều vắc - xin trong mỗi mùa cúm.

9. Vắc - xin cúm có làm cơ thể dễ nhiễm các virus đường hô hấp khác không?

Một nghiên cứu xuất bản năm 2012 đã gợi ý vắc - xin cúm có thể làm con người dễ nhiễm các virus đường hô hấp khác, nhưng rất nhiều chuyên gia với các nghiên cứu sau đó không thể tìm ra được kết luận tương tự. Hiện vẫn chưa rõ tại sao nghiên cứu năm 2012 lại xuất hiện kết quả như vậy, nhưng với các bằng chứng hiện có cho thấy đó không phải là hiện tượng phổ biến, và trên thực tế vắc - xin cúm không làm cho con người dễ nhiễm các virus đường hô hấp khác hơn.

10. Lợi ích từ việc sử dụng vắc- xin cúm gồm những gì?

Những lợi ích đó bao gồm:

  • Phòng ngừa mắc cúm.
  • Giảm nguy cơ nằm viện có liên quan tới cúm ở trẻ em, người trưởng thành trong độ tuổi lao động, người cao tuổi.
  • Giúp phòng ngừa các biến cố sức khỏe nghiêm trọng có liên quan tới các bệnh mạn tính có sẵn.
  • Bảo vệ phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh nở (bao gồm cả việc bảo vệ đứa trẻ khỏi cúm nhờ kháng thể của mẹ truyền cho con khi đang mang thai).
  • Giảm mức độ nặng của cúm khi người đã sử dụng vắc - xin nhưng vẫn bị bệnh.
  • Làm tăng mức độ miễn dịch cộng đồng trước bệnh cúm.

11. Phụ nữ có thai sử dụng vắc - xin cúm có an toàn không?


Phụ nữ có thai rất nên sử dụng vắc - xin cúm
Phụ nữ có thai rất nên sử dụng vắc - xin cúm

Phụ nữ có thai rất nên sử dụng vắc - xin cúm, bởi vắc xin cúm bảo vệ phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh nở (bao gồm cả việc bảo vệ đứa trẻ khỏi cúm nhờ kháng thể của mẹ truyền cho con khi đang mang thai). Trừ một số trường hợp hiếm, còn mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều nên sử dụng vắc - xin cúm hàng năm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp các loại vắc - xin cúm được sản xuất tại Pháp. Những ưu điểm khi tiêm vắc-xin tại Vinmec bao gồm:

  • Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sử dụng nguồn vắc xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.
  • Trước khi tiêm phòng, tất cả trẻ được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa nhi - vắc xin để giúp trẻ đảm bảo sức khỏe tốt khi tiêm chủng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình các loại vắc xin phòng bệnh tốt phù hợp với từng lứa tuổi theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới cũng như cách theo dõi phản ứng sau tiêm vắc xin.
  • Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
  • 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
  • Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
  • Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Riêng trong tháng 12/2019, Vinmec miễn phí tiêm Vắc-xin Viêm gan B sơ sinh (tiêm ngay sau khi sinh) cho bé khi đăng kí Gói tiêm chủng trọn gói dành cho trẻ từ 0-1 tuổi hoặc từ 0-2 tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cdc.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe