Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
1. Thuốc kháng virus trong điều trị cúm
Thuốc kháng virus cúm là thuốc kê đơn ( thuốc viên, dạng lỏng, dạng bột, bột hít, dung dịch tiêm tĩnh mạch) chống lại virus cúm trong cơ thể. Thuốc được bán theo đơn và bạn chỉ có thể mua được khi có đơn thuốc từ bác sĩ. CDC ( Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) khuyến nghị điều trị kịp thời cho những người bị nhiễm cúm hay nghi ngờ bị nhiễm cúm và có nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng bởi cúm.
Các nghiên cứu cho thấy thuốc kháng vi-rút cúm sẽ cho tác dụng điều trị tốt nhất khi thuốc được bắt đầu sử dụng trong vòng 2 ngày kể từ khi bệnh nhân bắt đầu bị bệnh. Tuy nhiên, việc bắt đầu điều trị muộn hơn cũng vẫn có thể có tác dụng, đặc biệt nếu người bệnh có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng hoặc đang ở bệnh viện điều trị do tình trạng bệnh nặng. Vậy có những loại thuốc kháng vi-rút nào được khuyên dùng trong mùa cúm này? Có bốn loại thuốc kháng vi-rút được FDA chấp thuận và được CDC khuyến nghị để điều trị bệnh cúm:
- Oseltamivir phosphate (tên thương mại Tamiflu®): là hoạt chất của thuốc Tamiflu® được bào chế dưới dạng thuốc viên hoặc hỗn dịch lỏng, hoạt chất này được FDA chấp thuận để điều trị sớm bệnh cúm ở nhóm bệnh nhân từ 14 ngày tuổi trở lên.
- Zanamivir (tên thương mại Relenza®): là một hoạt chất được bào chế ở dạng bột hít và được chỉ định để điều trị sớm bệnh cúm ở những bệnh nhân từ 7 tuổi trở lên. Lưu ý: Zanamivir (tên thương mại Relenza®) được sử dụng bằng thiết bị hít và không được khuyến cáo cho những người có vấn đề về hô hấp như hen suyễn hoặc COPD.) Oseltamivir và zanamivir được dùng 2 lần một ngày trong 5 ngày.
- Peramivir (tên thương mại Rapivab®): Dùng ở dạng tiêm tĩnh mạch 1 lần và được chỉ định để điều trị sớm bệnh cúm ở những người từ 2 tuổi trở lên.
- Baloxavir marbocyl (tên thương mại Xofluza®): là thuốc kháng vi-rút dạng viên uống, sử dụng 1 liều duy nhất và đây là hoạt chất đã được phê duyệt để điều trị sớm bệnh cúm ở những bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên.
Với tần suất thay đổi của vi rút cúm và khả năng vi rút cúm phát triển sức đề kháng hoặc giảm tính nhạy cảm với một hoặc nhiều loại thuốc kháng vi rút cúm, tốt hơn hết là chúng ta có nhiều lựa chọn hơn để điều trị bệnh cúm. Ví dụ, vi rút cúm đã kháng với oseltamivir có thể vẫn nhạy cảm với baloxavir.
2. Vì sao điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cho hiệu quả tốt nhất?
Các thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu quan sát cho thấy điều trị kháng vi-rút sớm có thể rút ngắn thời gian sốt và các triệu chứng bệnh, đồng thời có thể giảm nguy cơ mắc một số biến chứng do cúm (ví dụ, viêm tai giữa ở trẻ nhỏ, viêm phổi và suy hô hấp).
Điều trị sớm bệnh nhân cúm người lớn nhập viện bằng oseltamivir đã được báo cáo là làm giảm tử vong trong một số nghiên cứu quan sát. Ở trẻ em nhập viện, điều trị kháng vi-rút sớm với oseltamivir đã được báo cáo để rút ngắn thời gian nhập viện trong các nghiên cứu quan sát.
Lợi ích lâm sàng là lớn nhất khi điều trị kháng vi-rút được tiến hành sớm, đặc biệt là trong vòng 48 giờ sau khi bệnh cúm khởi phát trong các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu quan sát.Thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng tai ở trẻ em, biến chứng hô hấp cần dùng kháng sinh và nhập viện ở người lớn. Đối với những người có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng cúm nghiêm trọng, việc điều trị sớm bằng các loại thuốc kháng vi-rút có thể giúp bệnh nhẹ hơn thay vì phải nằm viện. Đối với người lớn tuổi phải nhập viện vì bệnh cúm, một số nghiên cứu đã báo cáo rằng việc điều trị thuốc kháng vi-rút sớm có thể giúp làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân.
3. Vì sao cần tuân thủ liều uống khi dùng thuốc kháng virus?
Theo hướng dẫn của Bộ y tế, việc sử dụng thuốc kháng virus chỉ được chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A hoặc cúm B có biến chứng hoặc ở những người có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh nặng. Bên cạnh đó, việc tuân thủ liều uống của thuốc kháng virus rất quan trọng, vì vừa đảm bảo việc điều trị hiệu quả, vừa hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc. Liều lượng của thuốc kháng virus tùy thuộc vào độ tuổi và cân nặng, thông thường thời gian điều trị là 5 ngày. Bạn cần được kê đơn và tuân thủ liều dùng và thời gian sử dụng thuốc bởi bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh sử dụng thuốc kháng virus, bệnh nhân bệnh cúm mùa cần được chú ý những vấn đề như điều trị biến chứng của cúm, hỗ trợ hô hấp khi cần thiết bằng các biện pháp như thở oxy, thở CPAP hoặc thở máy, các trường hợp bội nhiễm vi khuẩn cần điều trị sớm với thuốc kháng sinh thích hợp. Đặc biệt là phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng suy đa phủ tạng, một biến chứng nặng nề của cúm.
Người bệnh cần được hỗ trợ điều trị các triệu chứng của cúm như sử dụng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38.5 độ. Thuốc hạ sốt phù hợp cũng nên được quyết định và chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
4. Tiêu chuẩn xuất viện của người bệnh mắc cúm
Đối với bệnh nhân nằm viện, tiêu chuẩn xuất viện của người bệnh cúm đó là:
- Bệnh nhân hết hoàn toàn triệu chứng sốt và các triệu chứng hô hấp trên 48 giờ (trừ dấu hiệu ho);
- Tình trạng lâm sàng, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Sau khi xuất viện, người bệnh cần thực hiện việc cách ly y tế tại nhà đủ 7 ngày tính từ khi khởi phát các triệu chứng. Đồng thời phải đảm bảo cung cấp đủ lượng nước, đủ các chất điện giải và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đồng thời, tái khám ngay tại cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
5. Những lưu ý khác về bệnh cúm và cách phòng tránh
Phòng bệnh cúm như thế nào? Vắc xin phòng bệnh cúm mùa có thể giúp phòng chống cúm mùa. Cúm là một bệnh truyền nhiễm xảy ra hàng năm ở Hoa Kỳ cúm thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 5, còn ở Việt Nam bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người từ 65 tuổi trở lên, người mang thai và những người có một số tình trạng sức khỏe hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ bị biến chứng cúm cao nhất nếu không biết cách phòng bệnh cúm mùa. Viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai... là các biến chứng liên quan đến cúm. Nếu người bệnh có một tình trạng sức khỏe như bệnh tim, ung thư hoặc tiểu đường... bệnh cúm có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn. Cảm cúm có thể gây sốt và ớn lạnh, đau họng, đau cơ, mệt mỏi, ho, nhức đầu và sổ mũi hoặc nghẹt mũi, nôn mửa và tiêu chảy (phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn).
Trong một năm trung bình, hàng ngàn người ở Hoa Kỳ chết vì bệnh cúm và nhiều người khác phải nhập viện. Vậy làm thế nào phòng bệnh cúm? Vắc xin phòng bệnh cúm mùa giúp ngăn ngừa hàng triệu ca bệnh và những lần đến gặp bác sĩ liên quan đến cúm mỗi năm. CDC khuyến cáo tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên chủng ngừa vào mỗi mùa cúm, đặc biệt trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa tiêm từng tiêm vắc xin cúm cần tiêm 2 mũi vắc xin cúm cách nhau tối thiểu 1 tháng sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm. Trẻ trên 9 tuổi và người lớn tiêm 1 mũi vắc xin cúm hàng năm. Mất khoảng 2 tuần để vắc xin phòng bệnh cúm mùa sinh kháng thể để có thể bảo vệ người được tiêm chủng.
Có rất nhiều loại vi rút cúm và chúng luôn thay đổi, vì vậy mỗi năm thường có 1 loại vắc xin cúm mới được sản xuất để chống lại các vi-rút cúm được dự đoán là có khả năng gây bệnh trong mùa cúm sắp tới. Ngay cả khi vắc-xin không khớp chính xác với những vi-rút này, nó vẫn có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ hữu ích cho cơ thể. Lưu ý vắc xin phòng bệnh cúm mùa không gây cúm và có thể được tiêm cùng lúc với các vắc xin chủng ngừa khác.
Ngoài ra, có thể dự phòng cúm mùa bằng thuốc kháng vi-rút cho những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng và có tiếp xúc gần với người bệnh đã được chẩn đoán xác định là mắc cúm. Ví dụ: bạn là người khỏe mạnh bị mắc cúm và không cần điều trị gì, bạn có người thân sống cùng nhà là trẻ nhỏ và người lớn tuổi, vậy họ có thể nên được xem xét điều trị dự phòng cúm để phòng tránh lây nhiễm cúm từ bạn dẫn tới biến chứng. Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để dự phòng cúm cũng tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng và có thể khác biệt so với liều điều trị bệnh cúm. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn hoặc người nhà cần sử dụng thuốc kháng virus để dự phòng cúm.
Điều quan trọng trong điều trị cúm là không nên coi thường các triệu chứng hoặc tự ý điều trị tại nhà. Khi bạn hoặc người thân thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao biến chứng do cúm, nên tới thăm khám ở các cơ sở y tế để được điều trị sớm và tiêm chủng vắc xin.
Để tiêm cúm, bạn nên lựa chọn các bệnh viện/Trung tâm tiêm chủng uy tín, cung cấp nguồn vắc xin đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy trình tiêm và theo dõi sau tiêm chặt chẽ, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.