Hiện Việt Nam đang là nước có tỷ lệ người dân sử dụng kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, do tình trạng thiếu hiểu biết và lạm dụng trong đời sống thường ngày. Chính vì vậy, người lớn đặc biệt các bậc phụ huynh cần trang bị thêm kiến thức về nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho bản thân cũng như trẻ nhỏ trong gia đình.
1. Thuốc kháng sinh là gì?
Kháng sinh là gồm 2 loại, có thể do những chất tổng hợp hay bán tổng hợp hoặc được vi sinh vật tiết ra với nồng độ rất thấp nên có khả năng đặc hiệu, kìm hãm sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn mà không gây độc tính trầm trọng cho cơ thể người. Có rất nhiều nhóm kháng sinh khác nhau, có công dụng riêng biệt đối với từng loại vi khuẩn, chẳng hạn như một số loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, trong khi đó một số loại chỉ có thể ngăn chặn sự phát triển của một loại vi khuẩn duy nhất. Có thể phân kháng sinh thành 9 nhóm như sau:
- Beta-lactam
- Aminoglycoside
- Macrolide
- Lincosamide
- Tetracycline
- Phenicol
- Peptid
- Quinolon
- Các nhóm kháng sinh khác: Sulfonamid, Oxazolidinone, 5-nitro imidazole
2. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho trẻ em
Các nguyên tắc chung khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em gồm:
- Chỉ sử dụng khi bị nhiễm trùng
- Sử dụng đúng liều lượng, đúng thời gian theo liệu trình cụ thể
- Chỉ phối hợp kháng sinh khi thật cần thiết
- Chọn kháng sinh theo các tiêu chí: hiệu lực cao, ít biến chứng và giá thành hợp lý
- Vận dụng dược động học trong sử dụng thuốc
- Lựa chọn đường dùng kháng sinh hợp lý: uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch
Lưu ý về liều và cách dùng kháng sinh cho trẻ em:
- Liều dùng sẽ tính theo trọng lượng cơ thể đơn vị mg/kg, theo tuổi hoặc theo diện tích bề mặt cơ thể
- Liều lượng ước lượng cho trẻ = diện tích bề mặt cơ thể (m2) x liều người lớn/1,8
- Trong mọi trường hợp nên tránh tiêm bắp cho trẻ
- Khi sử dụng thuốc dài ngày nên dùng thuốc không có đường
- Với các thuốc nước có thể tích dưới 5ml cần phải bơm hút chia thể tích
- Để thuốc khỏi tầm tay trẻ em
- Không cho thuốc vào bình sữa của trẻ
- Bố trí giờ dùng thuốc cho trẻ em để tránh các khoảng thời gian ngủ, học hay giờ chơi,...
3. Kháng sinh cho trẻ em loại nào tốt?
Các kháng sinh trên thị trường hiện nay chủ yếu là các loại kháng sinh phổ rộng, nghĩa là có thể điều trị nhiễm khuẩn ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những lựa chọn ưu tiên cho mỗi loại kháng sinh ở từng loại bệnh nhi khoa thường gặp như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: vi khuẩn đường hô hấp trên chủ yếu là các vi khuẩn gram dương nên kháng sinh đầu tiên lựa chọn thường là cephalosporin thế hệ mới. Tuy vậy, các vi khuẩn gram dương gây viêm hô hấp trên vẫn nhạy cảm với amoxicillin và cephalosporin thế hệ 1, 2.
- Nhiễm khuẩn hô hấp dưới: có thể sử dụng amoxicillin hoặc amoxicillin, clavulanic, cefdinir, cefpodoxime, không khuyên dùng cefixime. Với trẻ trên 5 tuổi bị viêm phổi hoặc dưới 5 tuổi nhưng sau 2 ngày đáp ứng chậm với thuốc thì có thể phối hợp thêm azithromycin.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: chỉ định kháng sinh khi trẻ có đi cầu phân lỏng có máu, tiêu chảy mà nghi ngờ bệnh tả. Các kháng sinh có thể dùng gồm: ciprofloxacin, trimethoprim, cefixime, azithromycin, metronidazole,...
- Nhiễm khuẩn da mô mềm: các tác nhân gây ra thường là tụ cầu vàng, liên cầu nên chọn 1 trong các kháng sinh sau: amoxicillin- clavulanic, cefdinir, erythromycin, tại chỗ có thể thoa fucidin.
- Nhiễm khuẩn tiết niệu: có thể sử dụng biseptol, ciprofloxacin, amoxicillin- clavulanic, cefuroxime hoặc cefpodoxime, cefixim.
4. Một số kháng sinh chống chỉ định ở trẻ em
Một số nhóm thuốc kháng sinh có thể gây ra các tác hại khi sử dụng cho trẻ em cần lưu ý gồm có:
- Nhóm aminoglycosid: có thể gây độc thận, độc thính giác dẫn đến điếc đối với trẻ sơ sinh
- Nhóm Phenicol: có thể gây ức chế tủy xương, viêm thần kinh thị giác và “Hội chứng xanh xám” đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng
- Nhóm Lincosamid: có thể gây viêm đại tràng giả mạc đối với trẻ em dưới 2 tuổi
- Nhóm Tetracycline: sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi có thể gây biến màu răng vĩnh viễn, loạn sản men răng, ức chế phát triển xương
- Nhóm Quinolon: sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi có thể tác động lên sự phát triển sụn tiếp hợp dẫn tới trẻ bị lùn
- Nhóm Sulfamid: có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn hệ thống tạo máu, dị ứng, nguy cơ gây sỏi, tiểu máu đối với trẻ sơ sinh
Về cơ bản, trước khi sử dụng kháng sinh dùng cho trẻ em cha mẹ cần đọc kỹ thuốc trước khi dùng và điều quan trọng cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro tới sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.