Gắn kết là sự gắn bó mãnh liệt được hình thành và phát triển giữa cha mẹ và con cái. Nó làm cho cha mẹ muốn chăm sóc và bảo vệ con bằng tất cả tình yêu thương. Sợi dây liên kết này được hình thành trong chính quá trình chăm sóc hằng ngày như trò chuyện với trẻ.
1. Sự gắn kết là gì?
Khi các chuyên gia nói về sự gắn kết, họ đang đề cập đến sự gắn bó mãnh liệt được hình thành giữa bố mẹ và em bé. Đó là cảm giác khiến bạn muốn chăm sóc cho con bằng tình yêu thương hoặc làm bất cứ điều gì để bảo vệ con trước hiểm nguy.
Đối với một số cha mẹ, điều này diễn ra trong vài ngày đầu tiên hoặc thậm chí là vài phút sau khi sinh. Đối với những người khác, quá trình hình thành sự gắn kết này mất nhiều thời gian hơn. Trước đây, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu quá trình này nghĩ rằng, việc dành nhiều thời gian với trẻ sơ sinh trong vài ngày đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng để thiết lập sự gắn kết giữa trẻ và cha mẹ.
Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng liên kết này có thể diễn ra theo thời gian, không nhất thiết phải có ngay sau khi trẻ vừa sinh. Cha mẹ phải tách khỏi trẻ ngay sau khi sinh vì lý do sức khoẻ của trẻ hoặc của mẹ hoặc nhận con nuôi đều cũng phát triển mối quan hệ gần gũi, yêu thương.
2. Nếu sự gắn kết không được hình thành ngay lập tức thì sao?
Đừng lo lắng. Để hình thành sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và trẻ thường mất thời gian. Miễn là bạn chăm sóc các nhu cầu cơ bản của bé và thường xuyên âu yếm bé, bé sẽ không bị bất kỳ tác động tiêu cực nào đến tâm sinh lý của trẻ sơ sinh nếu bạn chưa cảm thấy sự gắn kết mạnh mẽ với trẻ ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Edward Christophersen, nhà tâm lý học nhi khoa ở Kansas City, Missouri cho rằng: "Có quá nhiều nghiên cứu về việc gắn kết với một đứa trẻ mới sinh mà các bà mẹ thường cảm thấy có lỗi nếu họ không cảm thấy sự gắn kết mạnh mẽ nào với đứa con mới sinh của họ. Quá trình hình thành sự gắn kết thực ra đó là trải nghiệm cá nhân của mỗi người, do đó, trải nghiệm này của bạn không giống với bất kỳ ai và sự gắn kết này sẽ phát triển trong một khoảng thời gian"
Bạn không nên tự làm khó mình, lần đầu tiên làm cha mẹ đã là một công việc rất mệt mỏi. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, choáng ngợp hoặc thậm chí không vui trong vài tuần đầu tiên, giai đoạn còn được gọi là baby blues. Và nếu bạn gặp khó khăn trong quá sinh, bạn có thể cần thêm thời gian để hồi phục trước khi bạn có thể tập trung vào việc xây dựng mối gắn kết với em bé.
Trong một số trường hợp, một số bệnh lý tiềm ẩn có thể là một yếu tố ngăn cản quá trình xây dựng sự gắn kết. Một số phụ nữ bị giảm hormone tuyến giáp khoảng bốn đến tám tháng sau khi sinh. Mức tuyến giáp thấp có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, dễ nổi cáu và khó ngủ hoặc giảm khả năng tập trung, do đó, khiến bạn không có tâm trạng mỉm cười và dỗ dành bé. Hãy đến cơ sở y tế nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hoặc nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu khác của tuyến giáp kém hoạt động hiệu quả, chẳng hạn như tăng cân, táo bón hoặc da khô.
3. Một số cách xây dựng sự gắn kết với con tôi là gì?
Mối quan hệ cha mẹ và con cái phát triển thông qua việc chăm sóc hàng ngày. Em bé của bạn có thể dễ thương và thích được âu yếm, nhưng trẻ cũng là một người hoàn toàn mới mà bạn phải cần phải dành thời gian để làm quen. Không có công thức chung hay phép màu nào giúp hình thành và xây dựng sự gắn kết giữa cha mẹ và trẻ.
- Bố mẹ nên dành nhiều thời gian âu yếm da kề da với trẻ. Cảm giác mềm mại khi được chạm vào da sẽ tạo cảm giác rất dễ chịu cho cả bạn và bé, vì vậy hãy thường xuyên ôm bé và chơi đùa cùng bé.
- Cho con bú sữa mẹ: Nuôi con bằng sữa mẹ giải phóng hormone trong cơ thể bạn, giúp thúc đẩy thư giãn cũng như cảm giác gắn bó và yêu thương.
- Nói chuyện với trẻ sơ sinh mỗi ngày. Nhìn vào mắt bé trong khi bạn nói và hát cho bé nghe. Kể lại những gì bạn đang làm, suy nghĩ và cảm nhận vì bất kỳ chuyện gì.
- Chơi với trẻ mỗi ngày.
- Dành nhiều thời gian mặt đối mặt với em bé của bạn. Hãy mỉm cười với bé và mỉm cười khi bé cười với bạn. Sau đó một thời gian, bạn sẽ có một cuộc trò chuyện với trẻ dưới hình thức nụ cười, khi bạn cười thì trẻ sẽ cười để trả lời bạn.
- Đọc sách cho trẻ mỗi ngày.
4. Có bất thường khi tôi gặp khó khăn để hình thành mối liên kết với con?
Không, không có gì lạ khi cha mẹ gặp khó khăn khi xây dựng mối liên kết hay sự gắn bó với trẻ. Trở thành cha mẹ chỉ sau một đêm là một trong những thay đổi lớn trong cuộc sống và việc có nhiều cảm xúc phức tạp, lẫn lộn là điều tự nhiên và dễ hiểu.
Bạn có thể tìm các nhóm làm cha mẹ để chia sẻ kinh nghiệm, nơi bạn có thể trao đổi những câu chuyện với những người khác và bạn có thể ngạc nhiên khi gặp nhiều người khác cũng cảm thấy giống như bạn.
Một số bà mẹ chia sẻ rằng, bản thân mặc dù rất mong chờ sẽ cảm nhận được tình mẫu tử sâu sắc, mãnh liệt dành cho em bé ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, bà mẹ này đã rất ngạc nhiên khi, mặc dù sinh con và cho con bú tự nhiên, nhưng bà mẹ này lại cảm thấy rằng con cô như một người xa lạ. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi theo thời gian và bây giờ cô ấy đã có được cảm giác yêu thương con vô bờ bến và rất thích dành thời gian với đứa con thân yêu của mình.
Bà mẹ trên cũng chia sẻ thêm, cô ấy đã phải đã đọc tài liệu rất nhiều và phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Mặc dù biết có một vài khó khăn ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc khi làm mẹ, ví dụ, bà mẹ này đã bị băng huyết sau khi sinh và tình trạng thiếu máu diễn ra khá lâu. Yếu tố thứ hai đó là nuôi con bằng sữa mẹ cũng không mấy dễ chịu và tuy nhiên, bú sữa mẹ hoàn toàn là điều cần thiết mà bất kỳ bà mẹ nào cũng nên dành cho trẻ.
Bên cạnh đó, đối với những người hình thành được mối liên kết với trẻ ngay lập tức thì điều đó là tuyệt vời. Đối với những bà mẹ không may mắn được như vậy, hãy kiên nhẫn và tiếp tục chăm sóc trẻ bằng cả trái tim của mình. Hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn với bản thân và em bé của bạn, theo thời gian, sợi dây kết nối yêu thương giữa bạn và trẻ sẽ được hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Rất nhiều cha mẹ phải mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu cảm nhận thấy sự gắn kết với con. Nếu sau một vài tuần, bạn cảm thấy không có sự gắn bó với em bé nhiều hơn so với ngày đầu tiên, hãy đến cơ sở y tế để được khám và hỗ trợ.
Một số bà mẹ mới gặp khó khăn trong việc gắn kết với con vì họ đang phải vật lộn với chứng trầm cảm sau sinh (PPD). Đây là một tình trạng phổ biến xảy ra ở ít nhất 10 phần trăm ca sinh và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị. Đến cơ sở y tế nếu bạn gặp năm hoặc nhiều hơn các triệu chứng dưới đây, diễn ra hằng ngày hoặc trong ít nhất hai tuần liên tiếp:
- Nỗi buồn tột cùng, cảm thấy trống rỗng hay vô vọng
- Khóc liên tục
- Mất hứng thú hoặc giảm hứng thú với các hoạt động và sở thích thông thường trước đây của bạn
- Khó ngủ vào ban đêm hoặc khó ngủ vào ban ngày
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Thường xuyên cảm thấy vô dụng hoặc mặc cảm tội lỗi
- Bồn chồn hay uể oải
- Khó tập trung hoặc khó khăn để đưa ra quyết định
- Cảm thấy cuộc sống không đáng sống
Các dấu hiệu khác của chứng trầm cảm sau sinh bao gồm hay cáu kỉnh hoặc tức giận, thiếu quan tâm đến em bé, tránh mặt bạn bè và gia đình, liên tục nghi ngờ khả năng chăm sóc em bé của bạn và lo lắng quá mức về em bé.
Nếu bạn lo lắng rằng bạn có thể bị chứng trầm cảm sau sinh, bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ và điều trị, do đây là cách tốt bạn có thể làm cho cả bạn và em bé. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể bị chứng trầm cảm sau sinh, họ sẽ giới thiệu bạn đến một nhà trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần để điều trị.
Nguồn tham khảo: babycenter.com
XEM THÊM: