Những hiểu biết cơ bản về bệnh Rubella

Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Bác sĩ chuyên khoa Gan mật - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh rubella lây truyền qua đường hô hấp, khi hít phải những giọt nhỏ bắn ra từ dịch tiết mũi họng của người bệnh. Những giọt dịch chứa virus này cũng có thể rơi trên bề mặt của da, quần áo, đồ vật xung quanh người bệnh. Nếu chưa từng mắc bệnh rubella hoặc chưa tiêm vắc-xin, bạn có thể nhiễm virus khi tiếp xúc gần với người bệnh.

1. Bệnh rubella là gì?

Rubella là một bệnh nhiễm trùng gây ra phát ban đỏ ở mặt và toàn thân. Bệnh này do nhiễm virus rubella, nó còn có tên gọi khác “bệnh sởi Đức”.

Trước kia, bệnh sởi rubella khá phổ biến và có khi gây dịch. Ngày nay, việc sản xuất và tiêm phòng vắc-xin sởi –quai bị - rubella (MMR) rộng rãi với chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ và cả người lớn đã giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh này rất nhiều. Đến cuối năm 2018, có 168 nước trên thế giới đã đưa vắc-xin rubella vào chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có Việt Nam. Ngoại trừ việc phòng tránh nhiễm rubella, loại vắc-xin này cùng lúc còn có thể bảo vệ cơ thể tránh mắc hai bệnh khác là quai bị và sởi.

Hiện nay, còn có 1 loại vắc-xin phối hợp mới, ngoài phòng chống 3 bệnh nêu trên còn phòng tránh thêm cả bệnh thủy đậu – một bệnh gây ra bởi virus varicella.

Rubella có thể rất nguy hiểm đối với thai nhi. Nếu phụ nữ mắc rubella trong quá trình mang thai, thai nhi có có nguy cơ bị sinh non hoặc tử vong trẻ sinh ra có thể gặp phải các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, bao gồm:

  • Điếc
  • Dị tật mắt
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Chậm phát triển cơ thể

Khả năng lây truyền virus từ mẹ sang con và gây biến chứng cho thai nhi sẽ tùy thuộc vào thời gian mắc phải rubella trong thai kỳ. Đứa bé khả năng cao sẽ mắc phải các vấn đề dị tật bẩm sinh nêu trên nếu người mẹ nhiễm rubella trong giai đoạn nửa đầu thai kỳ (20 tuần đầu).

2. Các triệu chứng của bệnh rubella là gì?

Các triệu chứng của rubella thường nhẹ, biểu hiện lâm sàng trên trẻ em và người lớn không giống nhau.Ở trẻ em, các triệu chứng hay gặp bao gồm:

  • Phát ban trên da – ban da xuất hiện đầu tiên ở mặt, sau đó lan rộng khắp cơ thể trong vòng 24 giờ. Ban da rubella thường sẽ biến mất trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, ban da này có thể tồn tại lâu hơn, khoảng 8 ngày. Một vài trẻ sẽ có biểu hiện ngứa, đỏ mắt, dấu Forschheimer (dấu chấm xuất huyết hay nốt sẫm màu ở vòm miệng).
  • Sốt nhẹ
  • Hạch sưng to

Bệnh rubella với triệu chứng phát ban trên da
Bệnh rubella với triệu chứng phát ban trên da

Ở người lớn khi nhiễm rubella có biểu hiện như:

  • Ban da, sốt, hạch sưng to – các triệu chứng này giống với trẻ em.
  • Cảm giác mệt mỏi, cảm cúm
  • Đau ở khớp – thường biểu hiện ở khớp gối, cổ tay và các ngón tay. Đau khớp thường gặp ở trẻ vị thành niên và nữ giới hơn là nam giới. Đau khớp có thể kéo dài cả tháng hoặc lâu hơn, dù cho ban da đã biến mất.
  • Ngứa, đỏ mắt
  • Đau và sưng bìu (ở nam giới)

Người lớn thường biểu hiện lâm sàng rầm rộ hơn trẻ em.

3 Bệnh rubella lây truyền như thế nào?

Bệnh rubella lây truyền qua đường hô hấp, khi hít phải những giọt nhỏ bắn ra từ dịch tiết mũi họng của người bệnh (tương tự như cúm). Những giọt dịch chứa virus này cũng có thể rơi trên bề mặt của da, quần áo, đồ vật xung quanh người bệnh.

Nếu bạn chưa từng mắc bệnh rubella hoặc chưa từng tiêm vắc-xin, bạn có thể nhiễm virus khi tiếp xúc gần với người bệnh. Cụ thể hơn, bạn có thể bị phơi nhiễm tiếp xúc trực tiếp (nói chuyện, đối mặt với người bệnh ho, hắt hơi) hoặc khi chạm tay vào người hay các vật dụng người bệnh từng chạm vào. Nếu bạn hoặc con bạn nhiễm rubella, thường bạn sẽ được tư vấn về việc phòng tránh lây lan rubella trong cộng đồng như sau:

  • Cho trẻ ở nhà trong 7 ngày sau khi xuất hiện ban da
  • Rửa tay thường xuyên hoặc dùng cồn sát khuẩn tay.

4. Có các xét nghiệm nào để chẩn đoán rubella?

Bác sĩ có thể xét nghiệm để tìm virus rubella trong máu. Tuy nhiên đa số người bệnh không cần làm xét nghiệm này. Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán được bệnh dựa trên lâm sàng, thông qua việc thăm khám và hỏi bệnh mà không cần phải xét nghiệm.

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ sơ sinh mắc phải rubella, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để chẩn đoán. Vì dù ở người lớn hay trẻ nhỏ, trong các trường hợp lâm sàng nghi ngờ hoặc không chắc chắn, xét nghiệm rubella trong máu sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn. Nếu bạn đang mang thai và nghĩ rằng mình có thể nhiễm rubella, bạn cần được làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán.


Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh rubella thông qua xét nghiệm máu
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh rubella thông qua xét nghiệm máu

5. Làm thế nào để điều trị bệnh rubella?

Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh rubella, điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ triệu chứng. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều sẽ tự khỏi mà không cần phải điều trị.

Bạn hoặc con bạn có thể dùng các thuốc để giảm triệu chứng, như hạ sốt. Tuy nhiên bạn tuyệt đối không nên dùng aspirin cho trẻ em dưới 18 tuổi. Ở trẻ dưới 18 tuổi, aspirin có thể khởi phát tình trạng nguy hiểm được gọi là hội chứng Reye.

6. Có thể phòng ngừa rubella hay không?

Vắc-xin rubella có thể phòng ngừa bệnh. Tất cả trẻ em nên được tiêm phòng rubella ở thời điểm từ 12 đến 15 tháng tuổi. Sau đó, các bé nên được tiêm liều thứ 2 khi lên 4 - 6 tuổi. Tất cả trẻ em nên được tiêm chủng liều thứ 2 trước khi đến trường.

Đối với người lớn không được tiêm vắc-xin rubella theo lịch tiêm chủng quốc gia đối với trẻ em, những trường hợp này nên được tiêm ít nhất 1 liều. Liều vắc-xin này vô cùng quan trọng cho các phụ nữ có kế hoạch mang thai.

Vắc-xin rubella chống chỉ định trên phụ nữ có thai nên việc tiêm vắc-xin trước khi mang thai rất quan trọng và sẽ giúp giảm nguy cơ mắc phải rubella trong thai kỳ.

Trong một vài trường hợp nhất định, việc tiêm vắc-xin rubella là không an toàn. Nguyên nhân là do cơ thể của những người này gặp vấn đề khi tạo ra kháng thể chống lại tác nhân nhiễm trùng từ bên ngoài, khi họ:

  • Đang được điều trị ung thư
  • Được ghép tạng (như ghép gan hoặc ghép thận) và đang dùng thuốc để cơ thể tránh khỏi việc thải ghép
  • Suy giảm miễn dịch

7. Nếu muốn mang thai, cần làm gì để tránh mắc bệnh rubella?

Nếu bạn muốn mang thai, hãy chắc chắn rằng vắc-xin của bạn vẫn còn hiệu quả để phòng bệnh. Nếu bạn không chắc mình đã từng tiêm vắc-xin rubella hay chưa, hãy đến gặp bác sĩ để làm xét nghiệm máu kiểm tra.

Vắc-xin rubella phải được tiêm trước khi mang thai và nên mang thai sau ít nhất 4 tuần kể từ ngày tiêm vắc-xin.

Tóm lại, bệnh Rubella là căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng nhưng căn bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vắc-xin Sởi-Quai bị-Rubella. Do đó, để đảm bảo an toàn thì bạn cần chọn một cơ sở y tế uy tín và có dịch vụ tiêm chủng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: uptodate.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe