Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Khắc Hiệu - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Trầm cảm sau sinh là sự pha trộn phức tạp của những thay đổi về thể chất, cảm xúc và hành vi xảy ra ở người phụ nữ trong vòng bốn tuần sau khi sinh. Chẩn đoán trầm cảm sau sinh không chỉ dựa vào khoảng thời gian giữa sinh và khởi phát, mà còn dựa trên mức độ nghiêm trọng của trầm cảm. Vậy trầm cảm sau sinh nguy hiểm không?
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh (tên tiếng Anh là Postpartum depression) có liên quan đến những thay đổi về mặt hóa học, xã hội và tâm lý liên quan đến việc có con. Thuật ngữ này mô tả một loạt các thay đổi về thể chất và cảm xúc mà nhiều bà mẹ sau khi sinh phải trải qua. Tin tốt là trầm cảm sau sinh có thể được điều trị bằng thuốc và tư vấn.
Những thay đổi hóa học liên quan đến sự sụt giảm nhanh chóng của hormone sau khi sinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng mối liên hệ thực tế giữa sự sụt giảm các loại hormone này và trầm cảm này vẫn chưa rõ ràng. Như những gì được biết là nồng độ estrogen và progesterone, hormone sinh sản nữ, tăng gấp 10 lần trong thai kỳ. Sau đó, hai loại hormone này lại giảm mạnh sau khi sinh. Đến ba ngày sau sinh con, mức độ của các hormone này mới trở lại mức tương đương trước khi mang thai.
Ngoài những thay đổi hóa học này, những thay đổi xã hội và tâm lý liên quan đến việc có con cũng góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm.
2. Các loại trầm cảm sau sinh
Có ba loại thay đổi tâm trạng phụ nữ có thể gặp sau khi sinh:
- Hội chứng “Baby Blues” sau khi sinh, xảy ra ở hầu hết phụ nữ trong những ngày đầu ngay sau khi sinh con, tuy nhiên đây được xem là bình thường. Một người mẹ mới sinh có những thay đổi tâm trạng đột ngột, chẳng hạn như cảm thấy rất vui và sau đó cảm thấy rất buồn. Bà mẹ có thể khóc mà không có lý do và có thể cảm thấy nôn nóng, cáu kỉnh, bồn chồn, lo lắng, cô đơn và buồn bã. Hội chứng “Baby Blues” sau khi sinh có thể chỉ kéo dài một vài giờ hoặc một đến hai tuần sau khi sinh. Hội chứng này thường không cần điều trị. Thông thường, bà mẹ chỉ cần tham gia nhóm hỗ trợ của các bà mẹ để chia sẻ kinh nghiệm hoặc nói chuyện với các bà mẹ khác sẽ hiệu quả trong việc giảm bớt các triệu chứng của hội chứng này.
- Trầm cảm sau sinh (PPD) có thể xảy ra vài ngày hoặc thậm chí vài tháng sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra sau khi sinh bất kỳ lần sinh nào. Bà mẹ có thể có những cảm xúc tương tự như hội chứng “Baby Blues” như buồn bã, tuyệt vọng, lo lắng, cáu kỉnh - nhưng điểm khác biệt với hội chứng “Baby Blues” là bà mẹ cảm thấy những triệu chứng này mạnh hơn nhiều. Trầm cảm sau sinh thường ngăn bà mẹ làm những việc mà bà mẹ cần làm mỗi ngày. Khi khả năng hoạt động của người phụ nữ bị ảnh hưởng thì bà mẹ này cần đến cơ sở Y tế để khám, chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ có thể sàng lọc các triệu chứng trầm cảm và đưa ra kế hoạch điều trị.
- Hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh (Postpartum Psychosis) là bệnh tâm thần rất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến các bà mẹ mới sinh. Bệnh này có thể xảy ra sớm nhưng thường diễn ra trong vòng ba tháng đầu sau khi sinh con. Phụ nữ có thể mất liên hệ với thực tế, có ảo thanh (bà mẹ nghe thấy tiếng người nói nhưng thực tế thì không có) và ảo tưởng (tin tưởng mạnh mẽ những điều là phi lý). Triệu chứng ảo thị (nhìn thấy những thứ không có thực) xuất hiện ít phổ biến hơn. Các triệu chứng khác bao gồm mất ngủ, kích động và tức giận, bước chân nhanh, bồn chồn, và cảm giác và hành vi kỳ lạ. Phụ nữ bị rối loạn tâm thần sau sinh cần được điều trị ngay và hầu như luôn cần phải sử dụng thuốc. Một số bà mẹ mắc hội chứng này cần được đưa vào bệnh viện vì họ có nguy cơ làm tổn thương chính mình hoặc người khác.
3. Trầm cảm sau sinh nguyên nhân
Không có nguyên nhân đơn lẻ nào có thể gây ra trầm cảm sau sinh, các vấn đề về thể chất và tinh thần có thể đóng vai trò nhất định trong cơ chế trầm cảm sau sinh.
- Thay đổi về thể chất. Sau khi sinh con, do sự sụt giảm đáng kể lượng hormone (estrogen và progesterone) trong cơ thể của sản phụ nên có thể góp phần gây ra trầm cảm sau sinh. Các hormon khác do tuyến giáp sản xuất cũng có thể giảm mạnh, điều này có thể khiến sản phụ sau sinh cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chán nản.
- Vấn đề cảm xúc. Sau khi sinh, sản phụ bị thiếu ngủ và quá sức do phải chăm em bé nên sản phụ có thể gặp khó khăn khi xử lý ngay cả những vấn đề nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Sản phụ có thể lo lắng về khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh của bản thân, cảm thấy kém hấp dẫn hơn với chồng, đấu tranh với ý thức về giá trị của bản thân hoặc cảm thấy mất khả năng kiểm soát cuộc sống. Bất kỳ vấn đề nào trong số này đều có thể góp phần gây ra trầm cảm sau sinh.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc trầm cảm sau sinh
Bất kỳ người mẹ nào mới sinh cũng có thể mắc trầm cảm sau sinh và nó có thể phát triển sau khi sinh bất kỳ lần sinh nào, không chỉ là đứa trẻ đầu tiên. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh nếu:
- Bạn có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, trong khi mang thai hoặc vào thời điểm khác ngoài mang thai
- Bạn bị rối loạn lưỡng cực
- Bạn bị trầm cảm sau sinh sau ở lần mang thai trước đó
- Bạn có thành viên gia đình đã bị trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý khác
- Bạn đã trải qua các biến cố căng thẳng trong năm qua, chẳng hạn như các biến chứng thai kỳ, bệnh tật hoặc mất việc
- Em bé của bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc các nhu cầu đặc biệt khác
- Bạn sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn
- Bạn gặp khó khăn khi cho con bú
- Bạn đang có vấn đề trong mối quan hệ với chồng hoặc người quan trọng khác
- Bạn có vấn đề về tài chính
- Mang thai không có kế hoạch hoặc mang thai ngoài ý muốn.
4. Trầm cảm sau sinh nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể cản trở hình thành mối gắn kết giữa mẹ và con và gây phức tạp đến các vấn đề gia đình.
- Đối với bà mẹ. Trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, đôi khi trở thành rối loạn trầm cảm mãn tính. Ngay cả khi được điều trị, trầm cảm sau sinh làm tăng nguy cơ trầm cảm trong tương lai của chính bà mẹ đó.
- Đối với bố. Trầm cảm sau sinh có thể gây ra hiệu ứng gợn sóng (ripple effect), gây cảm xúc căng thẳng cho mọi người đến gần với em bé mới sinh. Khi người mẹ mới bị trầm cảm, nguy cơ trầm cảm ở bố cũng có thể tăng lên. Và những người mới lần đầu làm bố có nguy cơ trầm cảm cao hơn, cho dù người mẹ có bị trầm cảm hay không.
- Đối với con. Con của những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không được điều trị có nhiều khả năng gặp vấn đề về cảm xúc và hành vi, chẳng hạn như khó ngủ và ăn uống, khóc quá nhiều và chậm phát triển ngôn ngữ.
5. Cách phòng ngừa trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh để lâu sẽ gây trầm cảm mãn tính hoặc nặng hơn nữa, ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý của cả gia đình. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh thì cần xin ý kiến tư vấn với bác sĩ nếu bạn dự định có thai hoặc ngay khi bạn phát hiện ra mình có thai.
Khi mang thai, bác sĩ có thể theo dõi bạn chặt chẽ các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn hoàn thành bảng câu hỏi sàng lọc trầm cảm trong khi mang thai và sau khi sinh. Đôi khi trầm cảm nhẹ có thể được quản lý với các nhóm hỗ trợ, tư vấn hoặc các liệu pháp khác. Trong các trường hợp khác, thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định ngay cả khi bạn đang mang thai.
Sau khi sinh, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra sớm sau sinh để sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh. Càng phát hiện sớm, việc điều trị sớm hơn có thể bắt đầu. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý ngay sau khi sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com