Những điều mẹ nhất định phải biết khi trẻ bị ho và nôn trớ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Kiều Anh - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Trẻ bị ho và nôn trớ là vấn đề mà nhiều bé sơ sinh và bú mẹ hay gặp phải. Nếu đang nuôi con nhỏ ở trong giai đoạn đầu đời, mẹ cần biết những kiến thức cơ bản về ho và nôn trớ của trẻ trong thời kỳ này.

1. Trẻ bị ho và nôn trớ nhiều có thể là biểu hiện bệnh lý mà mẹ không nên bỏ qua

Ho và nôn trớ là triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Hiện tượng này có thể là sinh lý hoặc bệnh lý vì vậy các mẹ cần được trang bị kiến thức nhằm phân biệt được nguyên nhân, cũng như khi nào cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chăm sóc.


Ho là dấu hiệu của nhiều căn bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ.
Ho là dấu hiệu của nhiều căn bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ.

Ho là một phản xạ bảo vệ của cơ thể, xảy ra khi đường thở có vật lạ hay dịch tiết ứ đọng nhiều. Phản xạ ho giúp khai thông đường thở và cải thiện hiệu quả của hệ hô hấp khi có dị vật cản trở. Tuy nhiên, nếu trẻ ho rất nhiều ảnh hưởng đến chơi và giấc ngủ, hoặc kèm theo các dấu hiệu sốt, khò khè, thở nhanh, khó thở,... thì các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Các bệnh lý thường gặp gây ho ở trẻ em là viêm họng, viêm phế quản, viêm phế quản phổi,...

Nôn trớ cũng là triệu chứng thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ, đó là hiện tượng đẩy ngược chất có trong dạ dày lên miệng. Nguyên nhân có thể do: Sau ăn quá no, trẻ vặn mình, rướn người hay thay đổi tư thế đột ngột. Trong trường hợp này, ho trớ không phải là bệnh lý, nguyên nhân thường gặp là sai lầm về cách cho trẻ ăn.

Đôi khi nôn cũng là triệu chứng của các bệnh lý như: Các bệnh lý của hệ tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, viêm ruột,...), các bệnh lý của hệ thần kinh (viêm màng não, viêm não,...), các bệnh lý của hệ hô hấp (viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản,...).

Các dấu hiệu gợi ý: Nôn tất cả mọi thứ ăn vào, không tăng cân, ăn kém, bỏ bú, sốt, mệt mỏi, quấy khóc, ỉa lỏng,... đây là các dấu hiệu cảnh báo và các mẹ cần đưa con đến bệnh viện thăm khám và điều trị.

Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?

Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị ho và nôn trớ

Các bệnh lý về hệ hô hấp như: Viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản,... là nguyên nhân hàng đầu gây ho ở trẻ nhỏ. Đây cũng là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở lứa tuổi này. Nguyên nhân của các đợt bệnh thường do virus, tiếp theo là vi khuẩn, các tác nhân vi khuẩn không điển hình, nấm,... Trẻ càng nhỏ, hệ miễn dịch càng non nớt, khả năng bị bệnh càng cao và xu hướng diễn biến nặng hơn, kéo dài hơn so với các trẻ lớn.


Nhiễm khuẩn hô hấp là nguyên nhân chủ yếu gây ho ở trẻ nhỏ.
Nhiễm khuẩn hô hấp là nguyên nhân chủ yếu gây ho ở trẻ nhỏ.

Các bệnh lý về tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, tắc ruột, nôn chu kỳ,... là một trong các nguyên nhân phổ biến gây nôn trớ ở trẻ nhỏ.

Sai lầm về chế độ ăn mẹ hay mắc phải như cho trẻ ăn quá no, ép trẻ ăn quá nhiều làm trẻ sợ thức ăn, cho bú không đúng cách,... Mẹ chú ý không cho trẻ ăn quá no, sau ăn nên bế trẻ ở tư thế đầu cao và vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi, không đặt trẻ nằm ngay sau ăn để giúp trẻ giảm trớ sau ăn.

Các bệnh lý hiếm gặp khác: Viêm màng não, viêm não, nhiễm khuẩn huyết... Đây là các nguyên nhân rất ít gặp, tuy nhiên nếu gặp phải thì thường rất nặng và nguy hiểm. Bởi vậy, nếu trẻ có ho, nôn vọt kèm theo sốt cao, co giật, li bì, khó đánh thức,... các mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế sớm nhất có thể để được điều trị kịp thời.

3. Hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ bị ho và nôn trớ

  • Giữ ấm cho trẻ

Với các trẻ đang bị ho, các mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, mặc quần áo đủ ấm, không để điều hòa trong phòng quá lạnh, đặc biệt vào đêm và gần sáng. Mùa đông cần giữ ấm đường hô hấp cho bé bằng khăn quàng cổ, ra ngoài trời cần mặc ấm, đeo khẩu trang.

  • Tăng cường sức khỏe cho trẻ

Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng về thực phẩm giúp trẻ có sức khỏe tốt và hệ miễn dịch khỏe mạnh để chống lại tác nhân gây bệnh. Trong giai đoạn bệnh nên khuyến khích trẻ uống nước, đặc biệt nước hoa quả, giúp cung cấp các vitamin thiết yếu và lượng nước cần thiết cho trẻ.

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh sẽ thường nôn trớ do dạ dày bé còn nhỏ, vị trí dạ dày nằm ngang, cơ thắt tâm vị yếu. Để giảm bớt triệu chứng này, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp dạ dày bé tiêu hóa nhanh hơn, tránh bị nôn trớ ra ngoài. Mẹ nên chọn đồ ăn dễ tiêu, dễ nuốt, mức độ lỏng của đồ ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.

  • Thay đổi chế độ ăn

Rất nhiều mẹ mắc sai lầm trong việc cho trẻ ăn như đã nêu phía trên. Mẹ cần thay đổi để giúp trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và giảm thiểu triệu chứng nôn trớ. Ép trẻ ăn có thể gây tác dụng ngược làm trẻ sợ đồ ăn và nôn trớ nhiều. Không ép trẻ ăn quá no, không đặt trẻ nằm ngay sau ăn, không nấu đồ ăn quá đặc cho trẻ còn nhỏ hoặc ngược lại, độ loãng đặc của đồ ăn nên được thay đổi khi trẻ lớn dần.

4. Chú ý khi bé đang nôn trớ


Mẹ nên cho bé ngồi nghiêng đầu ra phía trước khi bé bị ho và nôn trớ.
Mẹ nên cho bé ngồi nghiêng đầu ra phía trước khi bé bị ho và nôn trớ.

Nếu bé nôn, mẹ nên cho bé ngồi nghiêng đầu ra phía trước hoặc nằm nghiêng, tránh làm đồ ăn rơi vào khí quản. Tuyệt đối không được bế xốc trẻ khi đang nôn, có thể dịch nôn sẽ tràn vào đường thở gây khó thở, suy hô hấp nguy kịch cho trẻ.

Khi trẻ nôn xong đã mất một lượng nước nhất định trong cơ thể, do đó mẹ cần bổ sung nước cho bé để bù lại chất điện giải bị mất. Bé có thể uống oresol, nước lọc hay nước trái cây loãng. Cho trẻ uống ít một, từ từ, tuyệt đối không cho vào bình sữa cho trẻ bú hoặc cho trẻ uống quá nhanh.

Lời khuyên từ chuyên gia:

  • Khi bé ho, nôn quá nhiều kèm theo các dấu hiệu bất thường như đã nêu trên, mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn và thăm khám. Hiện nay cũng có rất nhiều vắc xin có thể phòng được phần lớn các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa thường gặp. Mẹ có thể tham khảo và nghe tư vấn để phòng bệnh cho bé yêu một cách tốt nhất.
  • Trẻ bị ho và nôn trớ là triệu chứng phổ biến ở trẻ nhỏ mà mẹ cần phải đặc biệt chú ý. Giai đoạn đầu đời là lúc cơ thể bé đang phát triển, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc nhiều loại bệnh. Khi bé bị ho, sổ mũi, nôn nhiều cha mẹ có thể đưa bé đến Vinmec để khám và điều trị sớm, tránh gây để lâu sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe