Những điều chị em cần biết về polyp cổ tử cung

Bệnh polyp cổ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến nhưng thường bị bỏ qua do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng. Việc hiểu rõ về bệnh polyp cổ tử cung không chỉ giúp chị em phụ nữ bảo vệ sức khỏe mà còn kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ tiềm ẩn. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh này qua những thông tin dưới đây.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Linh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Bệnh polyp cổ tử cung là gì?

Polyp cổ tử cung là tình trạng các tế bào trên cổ tử cung phát triển bất thường, tạo thành các khối có kích thước từ vài milimet (nhỏ như hạt gạo) đến vài centimet. Các polyp này thường có hình dạng như ngón tay, bóng đèn hoặc nấm, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc mọc thành chùm. Polyp có màu hồng, mềm và dễ chảy máu khi bị chạm vào. Polyp có thể nằm trên bề mặt cổ tử cung, bên trong ống cổ tử cung hoặc thò ra ngoài qua cổ tử cung và nằm trong âm đạo.

Hầu hết các polyp cổ tử cung đều lành tính, không gây nguy hiểm và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung, thường liên quan đến nhiễm virus HPV

Bệnh polyp cổ tử cung là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào ở cổ tử cung.
Bệnh polyp cổ tử cung là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào ở cổ tử cung.

2. Nguyên nhân gây polyp tử cung

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh polyp cổ tử cung hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Nồng độ Estrogen cao: Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và tiền mãn kinh dễ có nguy cơ mắc polyp cổ tử cung nếu nồng độ estrogen cao hơn mức bình thường. Mức estrogen dao động tùy theo độ tuổi, cụ thể:
    • Tuổi 19–29: khoảng 149 pg/ml
    • Tuổi 30–39: khoảng 210 pg/ml
    • Tuổi 40–49: khoảng 152 pg/ml
    • Tuổi 50–59: khoảng 130 pg/ml  
  • Trong kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen có thể dao động từ 50–400 pg/ml. Nếu vượt ngưỡng này, nguy cơ phát triển polyp cổ tử cung tăng cao.
  • Viêm nhiễm âm đạo và cổ tử cung: Các tình trạng viêm nhiễm mãn tính ở khu vực này cũng có thể góp phần gây ra polyp cổ tử cung.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh polyp cổ tử cung

Bệnh polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều chị em khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Phần lớn các trường hợp được phát hiện khi thăm khám phụ khoa định kỳ hoặc khi xuất hiện một số dấu hiệu bất thường.

Dấu hiệu phổ biến nhất của polyp cổ tử cung là hiện tượng ra máu âm đạo bất thường, bao gồm:

  • Ra máu sau quan hệ tình dục.
  • Ra máu giữa các chu kỳ kinh.
  • Ra máu sau khi thụt rửa âm đạo.
  • Ra máu sau khi mãn kinh.
  • Đôi khi xuất hiện dịch tiết âm đạo nhiều, có màu trắng hoặc vàng.

Những triệu chứng trên cũng có thể là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung. Vì vậy, phụ nữ nên đến cơ sở y tế sớm để khám và nhận chẩn đoán chính xác.

Ngoài ra, chị em nên chú ý đến các dấu hiệu sau:

  • Đau bụng dưới dữ dội trong kỳ kinh nguyệt và tăng lên khi quan hệ.  
  • Đi tiểu buốt, tiểu gấp, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu rất ít.
  • Khí hư có màu sắc bất thường, mùi hôi tanh khó chịu, gây ngứa ngáy và cảm giác không thoải mái.
  • Rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ không đều.  
  • Xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo. 
Đau bụng dưới là một trong những dấu hiệu cần chú ý có thể do polyp ở cổ tử cung.
Đau bụng dưới là một trong những dấu hiệu cần chú ý có thể do polyp ở cổ tử cung.

4. Polyp tử cung có nguy hiểm không?

Nếu không điều trị kịp thời polyp cổ tử cung có thể tiến triển thành các biến chứng sau:

  • Trường hợp polyp có kích thước lớn hoặc số lượng nhiều có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
  • Polyp làm tăng nguy cơ mắc đa nang buồng trứng.
  • Polyp có thể gây xuất huyết tử cung, dẫn đến tình trạng thiếu máu mạn tính.
  • Polyp cổ tử cung gây ra các vấn đề về phụ khoa như viêm âm đạo, viêm âm hộ và viêm cổ tử cung.

5. Chẩn đoán polyp cổ tử cung

Việc chẩn đoán bệnh polyp cổ tử cung không quá phức tạp, các bác sĩ có thể phát hiện thông qua thăm khám phụ khoa. Tuy nhiên, đối với các trường hợp polyp nằm trong ống cổ tử cung, việc nhận biết sẽ khó khăn hơn. Trong những trường hợp này, siêu âm sẽ hỗ trợ bác sĩ phát hiện bệnh chính xác hơn. 

Khi khám phụ khoa các bác sĩ đã có thể phát hiện ra bệnh polyp cổ tử cung.
Khi khám phụ khoa các bác sĩ đã có thể phát hiện ra bệnh polyp cổ tử cung.

6. Điều trị bệnh polyp cổ tử cung

Khi phát hiện bệnh polyp cổ tử cung, hầu hết chị em đều mong muốn điều trị sớm để loại bỏ những khó chịu và bất thường do polyp gây ra. Việc loại bỏ polyp thường đơn giản, có thể thực hiện ngay tại phòng khám mà không cần sử dụng thuốc giảm đau. Một số phương pháp xử lý polyp cổ tử cung phổ biến bao gồm:

  • Xoắn và loại bỏ chân polyp trên bề mặt cổ tử cung.  
  • Sử dụng chỉ phẫu thuật để buộc quanh chân polyp và cắt bỏ.  
  • Dùng vòng kẹp để loại bỏ polyp.  
  • Loại bỏ chân polyp bằng các phương pháp như nitơ lỏng, dao điện đốt chân, hoặc tia laser.  

Đối với những trường hợp polyp nằm trong ống cổ tử cung hoặc có chân polyp to, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thủ thuật tại phòng mổ. Quy trình này bao gồm mở ống cổ tử cung để cắt bỏ polyp, đốt chân polyp và khâu phục hồi ống cổ tử cung.

7. Chăm sóc sau thủ thuật

Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn. Mẫu polyp sẽ được gửi đi để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh nhằm kiểm tra tế bào.  

Hiện tượng ra một chút máu âm đạo trong 1-2 ngày đầu có thể xảy ra nhưng đây là điều bình thường và sẽ tự biến mất. Bệnh nhân cũng cần lưu ý kiêng quan hệ tình dục trong khoảng 4-6 tuần theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, đừng quên đến tái khám sau 1 tháng để kiểm tra tình trạng sức khỏe.

8. Polyp cổ tử cung có tái phát không?

Một số trường hợp sau khi cắt bỏ polyp, bệnh vẫn có thể tái phát. Nguyên nhân tái phát bệnh polyp cổ tử cung có thể bao gồm:

  • Viêm nhiễm mãn tính: Nếu chỉ cắt bỏ polyp mà không điều trị triệt để các tình trạng viêm nhiễm trong tử cung, nguy cơ polyp tái phát là rất cao.
  • Cắt bỏ không triệt để: Một số polyp có gốc rễ ăn sâu trong tử cung. Nếu không loại bỏ tận gốc, polyp có thể mọc lại.
  • Không xử lý toàn diện: Khi chỉ xử lý các polyp nhìn thấy được mà bỏ sót các polyp nhỏ hoặc không nhìn thấy, các polyp này sẽ tiếp tục phát triển thành polyp mới.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe, phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm và nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ