Bài viết bởi Bác sĩ Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Nội soi thực quản ống mềm là phương pháp sử dụng một ống soi mềm có gắn camera và đèn chiếu sáng ở đầu, đi qua họng và đi dọc theo chiều dài của thực quản. Dụng cụ nội soi này có đường kính nhỏ, có thể điều khiển được hướng đi, góc nhìn nên có thể quan sát, phát hiện ra những tổn thương rất nhỏ của thực quản và có khả năng can thiệp ngay khi cần.
1. Khi nào cần nội soi thực quản?
Thực quản là bộ phận thực hiện chức năng đưa thức ăn từ họng xuống dưới dạ dày. Hiện nay, ống soi thực quản mềm đã được trang bị tại hầu hết các cơ sở y tế ở nước ta. Khi dùng ống soi thực quản mềm có thể giúp cho người bệnh giảm sự khó chịu khi can thiệp.
Những trường hợp cần phải thực hiện nội soi thực quản dạ dày tá tràng là những người có các dấu hiệu liên quan đến các bệnh đường tiêu hóa như thường xuyên đau thượng vị, ăn uống giảm sút, buồn nôn, ợ hơi hay ợ chua.
Ngoài ra, các bạn cũng nên thực hiện nội soi khi có những cảm giác khó chịu như nuốt vướng, nghẹn, khó thở, cảm thấy nóng rát ở thực quản, cảm giác có dị vật ở thực quản,...
Khi phát hiện có những dấu hiệu trên thì hãy đi nội soi ngay để kịp thời phát hiện và chữa trị bệnh càng sớm càng tốt.
2. Nội soi thực quản có đau không?
Trước đây, khi nhắc đến nội soi thường người bệnh sẽ rất sợ khi nghĩ đến những đau đớn, khó chịu trong quá trình nội soi, để lại nhiều ám ảnh cho bệnh nhân. Nhưng hiện nay với sự phát triển của khoa học hiện đại, việc nội soi giờ không còn khiến người bệnh phải lo sợ gì nữa khi đã có thêm phương pháp nội soi thực quản qua đường mũi và nội soi gây mê. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được hạn chế mức tối đa tình trạng khó chịu có thể xảy ra trong quá trình nội soi.
Mỗi lần nội soi gây mê thông thường sẽ kéo dài khoảng 15 - 20 phút. Bệnh nhân sẽ được tiêm một lượng thuốc mê vừa đủ để thiếp đi trong quá trình nội soi, do đó sẽ không hề có cảm giác khó chịu như nội soi không gây mê. Cũng vì thế mà bác sĩ có thể phát hiện, kiểm tra và xử lý những tổn thương ở thực quản nhanh chóng, an toàn và thuận lợi hơn.
3. Lưu ý khi soi thực quản kiểm tra gắp dị vật
Ống soi mềm thực quản là một phương tiện hữu ích và ít gây khó chịu cho bệnh nhân trong nội soi chẩn đoán và gắp dị vật thực quản. Tuy nhiên người thầy thuốc cần chú ý tới vị trí và kích thước của dị vật để lựa chọn dụng cụ khi can thiệp gắp dị vật và đặc biệt không nên đưa ống soi qua dị vật để thăm dò xuống phía dưới để tránh những tai biến đáng tiếc ( đẩy dị vật cắm sâu hơn, thủng thực quản, rách mạch máu...) có thể xảy ra.
Lưu ý:
- Khi lấy dị vật nguy cơ cao cần mời bác sĩ ngoại cũng có mặt để đánh giá.
- Phải phân tích kỹ dị vật trước khi can thiệp.
- Luôn luôn quan sát rõ dị vật khi di chuyển.
4. Rủi ro có thể gặp khi nội soi thực quản
Nội soi thực quản là một kỹ thuật hiện đại và an toàn. Tuy đôi khi nó vẫn gây ra một số rủi ro cho người bệnh nhưng khả năng xảy ra là rất thấp.
Có một số bệnh nhân sau khi nội soi còn cảm thấy bị chướng bụng, đầy hơi hay đau họng. Đây là những phản ứng thông thường và sẽ tự hết trong vòng 24h. Vì vậy, sau khi nội soi, người bệnh nên ăn những thức ăn nhẹ, loãng, dễ nuốt để giảm sự khó chịu.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.