Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Hầu hết phụ nữ sau khi sinh con đều được các chuyên gia khuyến cáo nên cho con bú bằng sữa mẹ để cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số phụ nữ cần sử dụng các biện pháp ngừa thai trong thời gian này nhưng không biết làm cách nào để vừa đạt hiệu quả vừa không làm ảnh hưởng đến lượng sữa. Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp những băn khoăn trên.
1. Khi nào sự thụ thai trở lại sau khi sinh con?
Rất khó xác định chính xác được thời điểm bạn sẽ mang thai trở lại sau khi sinh con. Tuy nhiên, nếu hành kinh bắt đầu quay lại (khoảng 6 tuần lễ hậu sản), bạn đã có khả năng mang thai trở lại. Nếu xảy ra quá trình rụng trứng, tỷ lệ mang thai của bạn sẽ rất cao. Vì vậy, bạn nên áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn khi bạn quan hệ tình dục ngay sau khi sinh để tránh mang thai ngoài ý muốn.
2. Biện pháp tránh thai khi đang cho con bú
2.1 Biện pháp ngừa thai không có hormone
Các mẹ nên sử dụng các cách tránh thai khi đang cho con bú không có hormone để tránh ảnh hưởng tới chất lượng sữa, bao gồm phương pháp vô kinh khi cho con bú (LAM: Lactation Amenorrhea Method), bao cao su, vòng tránh thai hoặc dụng cụ tử cung.
2.1.1 Phương pháp vô kinh khi cho con bú (LAM)
Cho con bú sữa mẹ không chỉ đem lại nguồn dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ mà còn là một cách ngừa thai vô cùng hữu hiệu. Tỷ lệ tránh thai sẽ thành công đến 98% nếu như bạn thực hiện đúng cách phương pháp này, bởi vì cách thực hiện rất đơn giản, không đem lại tác dụng phụ, không mất chi phí, không ảnh hưởng tới việc quan hệ tình dục và đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé.
Để LAM đạt được hiệu quả cao cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ
- Người mẹ chưa có kinh lại trong vòng 56 ngày sau khi sinh
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi
Khi cho con bú, bạn không nên sử dụng bình sữa bởi vì khi bé bú, cơ thể bạn được kích thích tiết ra hormone prolactin giúp ức chế FSH và GnRH- có vai trò trong việc kích thích sự trưởng thành và rụng trứng dẫn đến ức chế rụng trứng và không có kinh. Bạn nên cho bé bú mỗi lần không quá 4 giờ vào ban ngày và 6 giờ vào ban đêm hoặc cho bú khi bé có nhu cầu. Đối với trẻ dưới 6 tháng tỷ lệ thất bại rất thấp (2%), từ 6 tháng trở lên tỷ lệ sẽ tăng lên trên 5%.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tránh thai tạm thời và có nhiều hạn chế, mẹ cần có chế độ ăn uống đầy đủ và lành mạnh.
2.1.2 Vòng tránh thai
- Đặt vòng tránh thai khi đang cho con bú là một biện pháp tránh thai cực kỳ hiệu quả và hoàn toàn không gây bất cứ ảnh hưởng xấu nào tới sữa mẹ, do đó rất an toàn cho trẻ. Bạn chỉ cần đặt 1 lần duy nhất và thời gian thích hợp để đặt vòng tránh thai sớm nhất là sau 6 tuần lễ hậu sản để tử cung co hồi lại bình thường.
2.1.3 Bao cao su (BCS)
Đối với người cho con bú thì BCS có thể bắt đầu sử dụng rất sớm ngay sau sinh và ngay lần đầu tiên bạn quan hệ tình dục trở lại. Biện pháp bảo vệ này đạt hiệu quả cao và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sữa mẹ. Mặc dù một số người không thích sử dụng BCS vì nó không tạo được cảm giác chân thực khi quan hệ tình dục, tuy nhiên nó có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
2.2 Biện pháp tránh thai có hormone
2.2.1 Thuốc tránh thai chỉ có Progestin (POPs)
Là thuốc ngừa thai dạng uống thích hợp trong thời gian cho con bú và không gây ảnh hưởng lên sự tiết sữa cũng như chất lượng sữa. Theo khuyến cáo của WHO, bạn nên uống thuốc tránh thai khi đang cho con bú loại POPs sau 6 tuần hậu sản, nghĩa là khi sự tiết sữa được thiết lập đầy đủ. Khi hình thành sự tiết sữa, POPs liều thấp không ảnh hưởng lên thời gian cho con bú cũng như tình trạng chung của trẻ, tỷ lệ thất bại trong năm đầu tiên sử dụng là khoảng 8%.
Các mẹ cần uống chúng mỗi ngày vào cùng một thời điểm (trễ không quá 3 giờ). Nếu quên hay trễ quá 3 giờ thì phải sử dụng ngay biện pháp tránh thai dự phòng trong vòng 48 giờ.
2.2.2 Thuốc tiêm tránh thai DMPA
Phụ nữ đang cho con bú cần đợi đến sau 6 tuần hậu sản để có lần tiêm DMPA đầu tiên. Loại hormone giống progesterone trong thuốc tiêm này không gây hại đến mẹ và bé, vì vậy phương pháp này gần như đạt hiệu quả tuyệt đối. Tuy nhiên, có một vài tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng phương pháp này là gặp tình trạng rong huyết và tăng cân. Đặc biệt, những người mẹ trẻ nên lưu ý sử dụng do nó có thể ảnh hưởng đến mật độ xương.
2.2.3 Que cấy tránh thai Implanon
Đây cũng là một lựa chọn thích hợp cho các bà mẹ vì nó không ảnh hưởng nhiều đến sữa mẹ cũng như quá trình cho con bú. Que cấy này có tác dụng ngừa thai trong vòng 3 năm. Sau khi đã cấy que Implanon, progestin sẽ được phóng thích đều đặn mỗi ngày. Tại Việt Nam, biện pháp tránh thai này còn khá mới mẻ, vì vậy những người còn bỡ ngỡ khi tiếp cận nó cần lưu ý khả năng rong huyết trong vài tháng đầu sử dụng hoặc tình trạng vô kinh.
2.3 Sử dụng thuốc tránh thai phối hợp trong giai đoạn cho con bú
Thuốc tránh thai phối hợp (COCs: Combined Oral Contraceptives) được khuyến cáo không nên sử dụng trong giai đoạn cho con bú, đặc biệt là thời gian đầu do có chứa estrogen. Tuy nhiên hiệu quả ngừa thai của COCs là cao hơn nhiều so với các thuốc tránh thai uống chỉ có progestin. Mặc dù COCs có thể làm giảm lượng sữa nhưng nó không làm thay đổi thành phần của sữa. Lượng estrogen tiết qua sữa không làm hại đến trẻ sơ sinh bình thường nhưng với trẻ sinh thiếu tháng thì nên tránh sử dụng. Theo khuyến cáo của WHO, các bà mẹ cho con bú nên đợi sau khi trẻ 6 tháng để dùng COCs vì sau giai đoạn này bé đã có khả năng tiếp nhận thức ăn đa dạng hơn.
3. Trường hợp cần tránh thai vĩnh viễn
Ở các phụ nữ trên 35 tuổi, triệt sản sẽ là biện pháp thông dụng và hiệu quả nhất để tránh thai. Các biện pháp triệt sản ở nam và nữ bao gồm thắt ống dẫn tinh cho nam, thắt ống dẫn trứng cho nữ và một lựa chọn mới là Essure.
Về nguyên tắc, các bà mẹ khi cần tránh thai trong giai đoạn cho con bú thì nên tránh các biện pháp ngừa thai có chứa hormone. Tuy nhiên vẫn có các phương pháp ngừa thai có hormone (progestin đơn thuần) không làm ảnh hưởng tới sữa mẹ có thể lựa chọn. Các bà mẹ cũng cần cân nhắc giữa nhu cầu tránh thai và nhu cầu cho con bú là hoàn toàn hay không hoàn toàn, thời gian sớm hay muộn để áp dụng các biện pháp phù hợp cho mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.