Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Trần Thị Linh Chi - Phó trưởng khoa nhi sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Thuốc hạ sốt đặt hậu môn hay còn gọi là thuốc viên đạn, là một dạng thuốc hạ sốt được bào chế dưới dạng hình viên đạn hoặc hình thủy lôi cũng dùng để hạ sốt qua đường hậu môn (trực tràng).
1. Thuốc hạ sốt đút hậu môn cho trẻ sơ sinh
Sốt ở trẻ sơ sinh cũng giống như ở các lứa tuổi khác. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể với các nhiễm trùng, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng qua cơ chế kích hoạt hệ miễn dịch làm gia tăng thân nhiệt cao hơn so với thân nhiệt bình thường. Tuy nhiên, sức đề kháng cũng như khả năng hấp thu thuốc ở trẻ sơ sinh kém hơn so với các lứa tuổi khác nên các mẹ phải thật cẩn trọng khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.
Hiện nay có rất nhiều dạng thuốc hạ sốt khác nhau như miếng dán hạ sốt, thuốc hạ sốt dạng gói bột, dạng viên, siro hay dạng viên đạn.
Vậy dùng loại nào là tốt cho trẻ sơ sinh và liệu thuốc hạ sốt đặt hậu môn có phải là lựa chọn tối ưu nhất?
Câu trả lời là không. Tùy theo tình trạng sốt và nhiệt độ cơ thể trẻ để đưa ra những phương hướng điều trị khác nhau. Thuốc hạ sốt đặt hậu môn trực tràng sẽ là lựa chọn cho những trường hợp trẻ bị sốt cao, nôn mửa, bỏ bú thậm chí là hôn mê. Nhưng đổi lại, ở những trẻ sốt cao đi ngoài thì hạ sốt qua đường uống mới là phương pháp hữu hiệu nhất.
2. Liều dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn và cách đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn cho trẻ
2.1 Liều dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn
Thành phần chính của thuốc hạ sốt đặt hậu môn chủ yếu là Paracetamol.
Nói về thuốc hạ sốt nói chung và thuốc hạ sốt cho trẻ nói riêng, hiện tại trong danh mục thuốc của Bộ Y Tế, có 3 loại chính được sử dụng trong các dược phẩm hạ sốt bao gồm Paracetamol, Ibuprofen và Aspirin. Mỗi loại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ thì Paracetamol luôn là thành phần được ưu tiên do có độ an toàn cao và ít tác dụng phụ hơn so với những loại còn lại. Điều đó không có nghĩa là cho phép bạn được sử dụng nó một cách bừa bãi. Hãy sử dụng thuốc tuân thủ theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ điều trị để mang lại hiệu quả tốt và an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Cũng giống như những loại thuốc khác, liều lượng của thuốc hạ sốt cơ bản được xác định dựa trên cân nặng thực tế của trẻ và các nghiên cứu khoa học đã chứng minh ở liều 10mg – 15mg/kg/lần đối với Paracetamol, thuốc hạ sốt có thể hạ sốt một cách nhanh chóng sau 15-30 phút sử dụng mà không gây tác dụng phụ trên cơ thể.
Để phục vụ cho việc sử dụng được thuận tiện và dễ dàng hơn, người ta đã đưa ra 3 loại thuốc hạ sốt đặt hậu môn với liều lượng khác nhau phù hợp với từng mức cân nặng:
- Thuốc hạ sốt đặt hậu môn 80mg: dùng cho trẻ có trọng lượng từ 4-6kg.
- Thuốc hạ sốt đặt hậu môn 150mg: dùng cho trẻ có trọng lượng từ 7-12kg.
- Thuốc hạ sốt đặt hậu môn 250mg: dùng cho trẻ có trọng lượng từ 13-24kg.
2.2 Cách đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn cho trẻ
Trước khi đặt thuốc, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn cho trẻ, sau đó rửa sạch tay bằng xà phòng để tránh gây nhiễm khuẩn cho trẻ trong quá trình đặt thuốc. Đặt trẻ ở tư thế mông dốc lên để có thể dễ dàng đặt thuốc. Một tay banh nhẹ 2 bên mông của trẻ để lộ ra vùng hậu môn, một tay còn lại nhẹ nhàng đẩy viên thuốc hạ sốt vào trong hậu môn của trẻ, đẩy phần có đầu nhọn của viên thuốc vào trước. Sau đó khép giữ 2 nếp mông của trẻ lại trong khoảng 2-3 phút để thuốc không bị ra ngoài.
2.3 Một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt đút hậu môn cho trẻ
- Thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2 – 8 độ C.
- Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn khi trẻ sốt trên 38,5 độ C và không sử dụng được hạ sốt bằng đường uống.
- Do trong thuốc viên đạn đã có thành phần Paracetamol nên khi sử dụng không kết hợp cả thuốc hạ sốt đường uống cùng một lúc sẽ gây hiện tượng quá liều, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Nếu trẻ không hạ sốt, có thể sử dụng liều nhắc lại tối thiểu sau 4 giờ, đối với trẻ suy thận thì nhắc lại liều sau tối thiểu 8 giờ.
- Thao tác đặt thuốc phải nhẹ nhàng và đảm bảo vô trùng để không gây tổn thương cho vùng hậu môn của trẻ.
- Liều thuốc hạ sốt qua đường hậu môn là liều cố định, không được bẻ thuốc hoặc tự ý sử dụng đặt 2-3 viên vào hậu môn cùng một lúc.
Xem thêm tư vấn từ Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec về Cách đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt
3. Ưu thế của thuốc hạ sốt đút hậu môn so với các dạng thuốc hạ sốt khác
- Thuốc có nhiều dạng liều lượng khác nhau theo từng mức cân nặng, dễ dàng cho người sử dụng.
- Thuốc được bào chế phối hợp giữa paracetamol với các tá dược khác có khả năng tan chảy ở nhiệt độ 37 độ C (nhiệt độ cơ thể). Do vậy khi đặt vào hậu môn, thuốc sẽ nhanh chóng tan ra và thẩm thấu vào hệ mạch máu vùng hậu môn rồi đi thẳng vào hệ tuần hoàn, cho hiệu quả hạ sốt nhanh mà không cần phải qua gan. Từ đó có thể giảm áp lực cho gan.
- Sử dụng thuốc viên đạn qua đường hậu môn trực tràng có thể làm giảm tương tác của thuốc qua hệ tiêu hóa, đáp ứng rất tốt với các trường hợp trẻ sốt mà bị nôn, không thể sử dụng thuốc đường uống.
Bên cạnh những ưu thế kể trên thì thuốc hạ sốt đặt hậu môn cũng có những tác dụng phụ và nhược điểm riêng:
Thuốc thẩm thấu qua hệ mạch máu vùng hậu môn, tác dụng chậm hơn so với đường uống từ 15-20 phút.
Có thể gây ngứa hậu môn khiến trẻ trung tiện nhiều hơn, có thể có hiện tượng són phân.
Có thể gây đau rát và tổn thương vùng hậu môn, dễ nhiễm khuẩn.
Một số trường hợp có thể gây đi ngoài.
Nếu gặp phải các tác dụng phụ trên khi dùng thuốc viên đạn thì hãy cho trẻ dừng sử dụng thuốc ngay và gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn xử lý chính xác nhất.
4. Chống chỉ định của thuốc hạ sốt đặt hậu môn
- Không dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho các trường hợp trẻ có tổn thương ở vùng trực tràng như polyp, nứt kẽ hậu môn hay bị các vấn đề nhiễm trùng hậu môn – trực tràng khác.
- Không dùng cho trẻ bị suy gan nặng
- Không dùng thuốc cho trẻ bị tiêu chảy, táo bón hay bị chảy máu trực tràng.
- Không dùng thuốc cho những trường hợp bị dị ứng với Paracetamol.
Cha mẹ là hãy trang bị cho mình một kiến thức cơ bản nhất về sốt cũng như các phương pháp hạ sốt để có thể đảm bảo sức khỏe cho con. Đưa con đến gặp bác sĩ kịp thời, sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách để tránh những hậu quả khôn lường. Trường hợp trẻ sốt cao, sốt lâu ngày không khỏi, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong |
---|