Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới, phẫu thuật nội soi.
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp gặp khó khăn khi sinh thường, nhờ vào sự phát triển của y học, nhiều mẹ bầu đã quyết định lựa chọn sinh mổ. Vậy sinh mổ là gì và để có thể “vượt cạn” thành công, mẹ bầu cần chuẩn bị những gì trước khi tiến hành phẫu thuật.
1. Sinh mổ là gì?
Sinh mổ (mổ lấy thai), là một thủ thuật y khoa để đưa em bé ra ngoài thông qua vết cắt ở bụng và tử cung của người mẹ.
Dưới đây là một số lý do tại sao người mẹ không thể sinh thường, cần phải sinh mổ:
- Thất bại trong bước chuyển dạ, cổ tử cung không mở đủ để em bé di chuyển xuống âm đạo.
- Dây rốn của bé có thể bị chèn ép hoặc nhịp tim của bé cho thấy không thể vượt qua cuộc sinh thường.
- Mang đa thai như sinh đôi hoặc sinh ba cần phải thực hiện sinh mổ
- Có vấn đề với nhau thai
- Kích cỡ của bé quá lớn khiến không thể sinh thường
- Mang thai ngôi ngược, ngôi ngang...
- Mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người hoặc herpes
- Mẹ mắc các bệnh mạn tính: tim, gan, basedown, hoặc huyết áp cao.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Có thể tiếp tục sinh mổ nếu đã sinh mổ trước đó không?
Phụ nữ đã sinh mổ trước đó có thể sinh thường vào lần sau. Quyết định có sinh mổ tiếp được hay không tùy thuộc vào loại vết mổ trong lần sinh mổ trước đó và số lần đã thực hiện sinh mổ.
3. Có thể yêu cầu sinh mổ không?
Một số phụ nữ có thể yêu cầu sinh mổ ngay cả khi vẫn có khả năng sinh thường. Quyết định này nên được cân nhắc cẩn thận và thảo luận với bác sĩ bởi khi phẫu thuật có thể xảy ra những rủi ro và biến chứng không mong đợi. Khi lựa chọn sinh mổ, thời gian hồi phục cũng lâu hơn so với sinh thường. Ngoài ra, phụ nữ sinh mổ càng nhiều, nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng tới việc mang thai trong tương lai càng cao. Đây sẽ không phải là một lựa chọn tốt cho những phụ nữ muốn có nhiều con.
4. Cần chuẩn bị những gì trước khi sinh mổ?
Trước khi bắt đầu phẫu thuật sinh mổ, y tá sẽ đặt một đường truyền vào trong tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay để truyền thuốc hoặc nước khi phẫu thuật. Trong quá trình sinh mổ, bác sĩ sẽ rạch một vết xuống vùng bụng dưới. Vì vậy, trước khi mổ, các bà bầu cần tắm rửa vệ sinh sạch sẽ vùng bụng dưới của mình để tránh bị nhiễm trùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đặt một ống thông vào niệu đạo để dẫn lưu bàng quang của bạn. Thủ thuật này giúp làm trống bàng quang và làm giảm nguy cơ tổn thương bang quang trong quá trình phẫu thuật.
5. Các loại gây mê được sử dụng trong suốt quá trình sinh mổ?
Những loại gây mê có thể được sử dụng trong quá trình sinh mổ bao gồm gây mê toàn thân, gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống.
Nếu sử dụng gây mê toàn thân, sản phụ sẽ không thể nhớ những gì đã xảy ra trong lúc ngủ sau khi tỉnh lại, bởi vì đây là thủ thuật sử dụng các thuốc gây ngủ sâu.
Đối với thủ thuật gây tê ngoài màng cứng, nửa thân dưới của cơ thể sẽ bị tê liệt và mất cảm giác đau ở những vùng chịu lực nhiều nhất khi chuyển dạ. Khi gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ đưa thuốc gây tê vào cột sống thông qua một mũi tiêm.
Gây tê tủy sống cùng làm tê liệt nửa thân dưới. Thuốc sẽ được tiêm trực tiếp vào dịch tủy sống để gây tê.
6. Quá trình thực hiện sinh mổ
Bác sĩ sẽ rạch một đường trên bụng. Đường rạch có thể nằm ngang đường mặc bikini hoặc theo chiều dọc từ gần rốn tới phía trên xương mu. Tiếp theo, bác sĩ sẽ rạch tiếp một đường ngang hoặc dọc ở thành tử cung của bạn. Thông qua các vết mổ, em bé sẽ được đưa ra ngoài, sau đó, bác sĩ sẽ loại bỏ nhau thai, cắt dây rốn, làm sạch tử cung và khâu lần lượt các vết cắt bằng chỉ tự tiêu.
7. Một số biến chứng xảy ra khi sinh mổ
Một số biến chứng xảy ra ở một số ít phụ nữ và có thể được điều trị dễ dàng:
- Nhiễm trùng
- Mất máu
- Xuất hiện cục máu đông ở chân, cơ quan vùng chậu hoặc phổi
- Tổn thương ruột hoặc bàng quang
- Phản ứng với thuốc gây mê được sử dụng
- Sang chấn cho bé do lấy thai khó, ngôi không thuận lợi: ngôi ngược, ngôi ngang...
8. Những mong đợi sau sinh mổ
Nếu sản phụ tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật thì có thể bế con ngay lập tức sau khi kết thúc cuộc “vượt cạn”. Sau đó, người mẹ sẽ được đưa đến phòng hồi sức. Tại đây, bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi huyết áp, nhịp tim, hơi thở, lượng máu và khu vực bụng vừa phẫu thuật. Rất nhiều người lo lắng liệu có thể cho con bú sau khi sinh mổ không. Thực chất, việc sinh mổ không ảnh hưởng nhiều đến việc cho con bú, vì vậy bà mẹ có thể yên tâm và bắt đầu cho con bú sớm nhất có thể.
Ngay sau khi phẫu thuật, ống thông được lấy ra khỏi bàng quang. Trong những ngày đầu tiên sau khi mổ, vết mổ bụng sẽ bị đau, vì vậy bác sĩ sẽ kê một toa thuốc giảm đau cho bạn uống sau khi thuốc gây mê hết tác dụng.
Thời gian nằm viện sau khi sinh mổ thường là 2-4 ngày để cơ thể dần hồi phục. Khi về nhà, cần chăm sóc đặc biệt cho bản thân và hạn chế các hoạt động.
Những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hồi phục
Trong khi phục hồi, những điều sau đây có thể xảy ra:
- Chuột rút nhẹ, đặc biệt là khi đang cho con bú
- Bị chảy máu hoặc phải nằm viện lâu trong khoảng 4-6 tuần
- Đau ở vết mổ
Để ngăn ngừa nhiễm trùng, trong một vài tuần sau khi sinh mổ, bà mẹ không nên đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo hoặc quan hệ tình dục. Dành thời gian để chữa lành vết mổ trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động mạnh nào. Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bị sốt, chảy máu nhiều hoặc cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn Acog.org