Những điều cần biết về bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh dễ mắc nhiều bệnh do sức đề kháng còn non yếu, bao gồm một số bệnh nhiễm trùng mắt. Viêm kết mạc, còn được gọi là đau mắt đỏ, là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ.

Bệnh viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp ở trẻ nhỏ. Nó bao gồm tình trạng viêm phần lòng trắng của mắt và mí mắt trong, được gọi là kết mạc. Mặc dù trông có vẻ đau nhưng đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm trùng nhẹ, thường không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh của bạn có các triệu chứng của viêm kết mạc sơ sinh, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Một số trường hợp viêm kết mạc tự khỏi, nhưng nhiều trường hợp cần được điều trị.
 

Các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc
Dấu hiệu chính của đau mắt đỏ là khi mắt chuyển sang màu đỏ hoặc hồng. Ngoài sự thay đổi màu sắc dễ nhận thấy, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Các dấu hiệu khó chịu ở mắt, chẳng hạn như bé thường xuyên dụi mắt
  • Dịch tiết ra từ mắt bị viêm
  • Mí mắt sưng húp
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Có thể khó tự mình xác định bệnh nhiễm trùng mắt ở trẻ sơ sinh, nhưng việc đưa bé đến gặp bác sĩ sẽ cho bạn biết chắc chắn bé có bị viêm kết mạc hay không.
 

Viêm kết mạc là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ
Viêm kết mạc là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây viêm kết mạc

Có một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh, bao gồm tắc tuyến lệ, kích ứng do thuốc kháng khuẩn bôi ngoài da được sử dụng sau khi sinh hoặc do mẹ truyền sang con khi sinh. Ngay cả một người mẹ không có triệu chứng cũng có thể mang vi khuẩn hoặc vi rút hoạt động có thể truyền sang con mới sinh.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ phụ thuộc vào loại viêm kết mạc mà trẻ sơ sinh mắc phải. Hãy xem xét các loại viêm kết mạc sau đây và nguyên nhân của chúng:

  • Viêm kết mạc thể vùi: Còn được gọi là viêm kết mạc do chlamydia vì nó do chlamydia trachomatis gây ra. Nếu người mẹ bị nhiễm chlamydia không được điều trị, cô ấy có thể truyền vi khuẩn nguy hiểm sang con trong khi sinh. Các triệu chứng của trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện từ 5–12 ngày sau khi sinh hoặc sớm hơn nếu túi ối bị vỡ trong khi sinh. Loại viêm kết mạc này đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, như phổi hoặc vùng nối giữa mũi và miệng.
  • Viêm kết mạc do lậu cầu: Thường do người mẹ bị bệnh lậu không được điều trị. Các triệu chứng của viêm kết mạc do lậu cầu xuất hiện 2–5 ngày sau khi sinh và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Nó có thể tiến triển thành nhiễm trùng máu nghiêm trọng, được gọi là nhiễm khuẩn huyết, và lớp niêm mạc của tủy sống và não, một tình trạng được gọi là viêm màng não.
  • Viêm kết mạc do hóa chất: Khi trẻ sơ sinh được nhỏ thuốc nhỏ mắt để ngăn ngừa nhiễm khuẩn, nó có thể gây kích ứng mắt. Điều này có thể được chẩn đoán là viêm kết mạc do hóa chất và không nghiêm trọng - các triệu chứng sẽ không kéo dài quá vài ngày.
  • Các loại viêm kết mạc khác: Các loại vi rút và vi khuẩn khác có thể gây viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh. Nhiều loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong âm đạo của người mẹ, ngay cả những vi khuẩn không lây truyền qua đường tình dục, cũng có thể dẫn đến viêm kết mạc và tổn thương mắt nghiêm trọng.
  • Tắc tuyến lệ: Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ do tắc tuyến lệ là điều bình thường. Tuyến lệ tồn tại để giữ ẩm cho mắt và sau đó thoát ẩm qua ống dẫn nằm ở khóe mắt. Nếu em bé của bạn bị tắc tuyến lệ, điều đó sẽ tạo cơ sở cho kích ứng và viêm kết mạc. Tắc tuyến lệ sẽ tự khỏi, nhưng nếu tuyến lệ của con bạn vẫn bị tắc sau một năm, chúng có thể cần phẫu thuật để thông tắc.
     

Chẩn đoán bệnh viêm kết mạc

Nếu bạn nghi ngờ trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Họ sẽ cho bạn biết nguyên nhân gây ra bệnh và cách điều trị. Có một số bệnh về mắt nghiêm trọng dễ bị nhầm lẫn với đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh.
 

Điều trị bệnh viêm kết mạc

Đối với tất cả các loại viêm kết mạc, chườm ấm và chườm mát đều có tác dụng làm dịu. Chườm ấm giúp làm sạch dịch và đóng vảy, trong khi chườm mát giúp làm dịu sưng và phù nề. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên rửa mắt cho con bằng dung dịch muối sinh lý hay không.
Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn, trẻ sơ sinh có thể cần dùng thuốc kháng sinh. Các phương pháp điều trị viêm kết mạc sơ sinh khác bao gồm mát-xa tuyến lệ nhẹ nhàng, ấm áp cho các trường hợp tắc tuyến lệ.
Các dạng đau mắt đỏ khác, ít nghiêm trọng hơn sẽ tự khỏi mà không cần điều trị hoặc bằng thuốc kháng dị ứng. Bạn cũng có thể làm giảm các triệu chứng bằng acetaminophen hoặc ibuprofen, nhưng bạn nên kiểm tra với bác sĩ trước khi cho con bạn dùng bất cứ thứ gì.
 

Viêm kết mạc có thể được điều trị giảm đau bằng thuốc có chứa acetaminophen hoặc ibuprofen với liều dùng phù hợp.
Viêm kết mạc có thể được điều trị giảm đau bằng thuốc có chứa acetaminophen hoặc ibuprofen với liều dùng phù hợp.

Bệnh viêm kết mạc có lây không?

Khi do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, viêm kết mạc có thể lây lan. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do vi khuẩn không còn lây lan nữa sau 24 giờ kể từ khi dùng thuốc kháng sinh hoặc khi không còn chảy dịch mắt nữa. Đau mắt đỏ do vi rút không còn lây lan nữa khi các triệu chứng đã biến mất hoàn toàn. Viêm kết mạc do dị ứng hoặc kích ứng không lây.

Phòng ngừa viêm kết mạc
Có nhiều nơi yêu cầu các bác sĩ nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ để ngăn ngừa viêm kết mạc sơ sinh. Điều này thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi sinh. Thông thường, điều này được thực hiện dưới dạng thuốc nhỏ mắt kháng sinh.

Luôn rửa tay trước khi chạm vào mặt hoặc vùng mắt của trẻ sơ sinh. Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn giấy, khăn mặt hoặc bất cứ thứ gì tương tự với em bé của bạn. Đặc biệt cẩn thận nếu người khác mà bạn tiếp xúc gần đã bị viêm kết mạc.

Nếu bạn đang mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc sàng lọc và điều trị các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào, hãy đi khám thai để xác nhận không có vi khuẩn nguy hiểm trong ống sinh của bạn.

Gặp bác sĩ khi trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc

Nếu viêm kết mạc của con bạn không cải thiện sau vài ngày điều trị hoặc một tuần không điều trị, hãy liên hệ với bác sĩ. Theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của bé như: tăng đỏ, sưng và đau xung quanh mắt hoặc mí mắt là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đang lan rộng ra ngoài mắt và sẽ cần điều trị tích cực hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd
 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe