Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bệnh hôi nách tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến người bệnh khó chịu, lúng túng, mất tự tin khi giao tiếp. Hiểu rõ về bệnh hôi nách sẽ giúp người bệnh tìm ra cách điều trị hôi nách phù hợp với bản thân mình.
1. Bệnh hôi nách gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh
Bệnh hôi nách hay còn gọi là bệnh tăng tiết mồ hôi vùng nách là một bệnh rất thường gặp. Đây là bệnh có tính chất di truyền, nếu cha mẹ mắc bệnh hôi nách thì con cái sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy không ảnh hưởng đến đến sức khỏe nhưng bệnh hôi nách làm người mắc cảm thấy rất khó chịu, mất tự tin khi sinh hoạt, giao tiếp. Những người sống, làm việc bên cạnh người hôi nách cũng bị ảnh hưởng.
Có thể dễ dàng nhận biết bệnh hôi nách qua các đặc trưng:
- Khởi phát ở tuổi 25 trở xuống, thường có tiền sử gia đình.
- Mùi dưới cánh tay rất khó chịu, giống mùi chồn hôi. Khi vận động nhiều hoặc khi trời nắng nóng, mùi hôi càng rõ ràng hơn, nách tiết nhiều mồ hôi, đôi khi ướt cả áo. Không xuất hiện vào ban đêm.
- Trong các trường hợp hôi nách nặng, dù không vận động nhưng nách vẫn hôi. Việc khử mùi sau tắm chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, sau đó nách lại bị hôi trở lại.
- Vùng áo dưới cánh tay thường bị đổi màu. Nhất là áo màu trắng, vùng áo dưới cánh tay sẽ chuyển thành vàng ố, cứng lại do mồ hôi và các sản phẩm lăn nách kết hợp dính vào. Nếp da nách ẩm ướt dễ sinh nấm, nhiễm trùng, viêm da kích ứng.
- Nếu lông nách dài có thể thấy kết dịch do vi khuẩn phân hủy mồ hôi, tạo thành các cặn đóng tại nách.
2. Nguyên nhân gây hôi nách
Bài tiết mồ hôi là một hoạt động sinh lý bình thường, có vai trò quan trọng trong đào thải các chất và giúp duy trì sự ổn định thân nhiệt của cơ thể. Trên cơ thể người gồm 2 đến 4 triệu tuyến mồ hôi với hai loại chính là:
- Tuyến Eccrine có ở khắp bề mặt da, mồ hôi tiết ra thành phần chính là nước và chất muối khoáng, không có mùi. Đây là loại mồ hôi tiết ra ở trán, bàn tay, bàn chân,... khi nóng, vận động nhiều. Loại mồ hôi này không gây mùi hôi trong bệnh hôi nách, chúng chỉ thỉnh thoảng có mùi khó chịu một chút khi chúng ta ăn các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, cà ri,...
- Tuyến Apocrine: chỉ hoạt động khi đến tuổi dậy thì. Tuyến này tập trung ở các vị trí như nách, bẹn, cơ quan sinh dục, quanh tai, vùng mắt, quầng vú,... Mồ hôi do tuyến apocrine tiết ra có một số chất như axit béo, cholesterol, hydrocarbon. Những chất này khi sinh ra không có mùi, nhưng do hoạt động của một số vi khuẩn trên da, phân hủy các chất này gây ra mùi khó chịu. Hai vi khuẩn phân hủy mồ hôi thường gặp là Propionibacterium acnes và Staphylococcus epidermidis. Mồ hôi được phân hủy thành các sản phẩm như axit isovaleric, acid propionic, propanoic. Axit isovaleric có mùi như phô mai trong khi axit propionic có mùi như giấm.
Bệnh hôi nách xảy ra chủ yếu ở những người vừa có nhiều tuyến apocrine vừa có tăng tiết mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi là một rối loạn bất thường, khi lượng mồ hôi tiết ra vượt quá mức yêu cầu điều tiết nhiệt độ của cơ thể.
Tăng tiết mồ hôi có thể do tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Do sử dụng nhiều thuốc lá, cà phê, các thức ăn cay nóng hoặc tham gia nhiều hoạt động thể lực. Tăng tiết mồ hôi cũng có thể xảy ra ở người mắc một số bệnh lý như bệnh hôi mùi cá (Trimethylaminuria), bệnh đái tháo đường, bệnh cường giáp, bệnh tim mạch, suy hô hấp, Parkinson, mãn kinh,...hoặc do sử dụng một số thuốc.
3. Điều trị bệnh hôi nách như thế nào?
Để điều trị bệnh hôi nách người bệnh cần cải thiện điều kiện sinh hoạt, tùy theo từng trường hợp cụ thể bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc điều trị, liệu pháp can thiệp tại chỗ hoặc phẫu thuật.
3.1. Cải thiện điều kiện sinh hoạt
- Người bệnh hôi nách nên mặc quần áo thoát mát, dùng các loại vải thấm hút mồ hôi tốt, hạn chế mặc quần áo bó sát.
- Tắm bằng các sữa tắm không xà phòng, dùng bột talc khử mùi sau tắm hoặc dùng các loại lăn khử mùi tại chỗ.
- Sử dụng lót giày và thay thường xuyên. Hạn chế dùng các thức uống chứa cafein, các thuốc gây tăng tiết mồ hôi.
- Sử dụng muối nhôm Aluminium chloride 10-25% để chống bài tiết mồ hôi tại chỗ.
3.2. Liệu pháp điều trị bằng ion
Giúp giảm tiết mồ hôi ở nách. lòng bàn tay, lòng bàn chân. Sử dụng nguồn điện thông qua hệ thủy phân đưa ion qua da. Thực hiện 10-20 phút/ ngày, thực hiện trong nhiều ngày. Phương pháp này có thể gây cảm giác kích ứng, khó chịu hoặc viêm da tiếp xúc.
3.3. Điều trị bằng thuốc
Thuốc kháng acetylcholin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn calci, anxiolytics, thuốc chống viêm không steroid,... có thể hiệu quả trong một số trường hợp. Lưu ý mỗi thuốc trên đều có chống chỉ định riêng, phải cân nhắc trước khi sử dụng cho bệnh nhân.
3.4. Các liệu pháp can thiệp tại chỗ
Các phương pháp thường được sử dụng hiện nay là:
- Tiêm botulinum toxin: Botulinum toxin là độc tố chiết xuất từ Clostridium botulinum , độc tố này giúp ức chế xung động thần kinh từ não xuống tuyến mồ hôi, làm giảm tiết mồ hôi. Hiệu quả điều trị của phương pháp này là trên 90%, không để lại sẹo, thời gian tác dụng 2-8 tháng.
- Laser YAG: hiệu quả thấp, hiện nay ít được sử dụng.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi nách: bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, sau đó bác sĩ tiến hành mổ để loại bỏ tối đa tổ chức da tập trung nhiều tuyến mồ hôi. Thời gian cuộc mổ kéo dài khoảng 1 giờ. Phương pháp cho hiệu quả cao, bệnh hôi nách có thể giảm đến 90%. Trong khoảng thời gian đầu sau phẫu thuật, các hoạt động thể lực liên quan đến vận động cánh tay nên hạn chế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.