Những điều cần biết khi bà bầu tiêm trưởng thành phổi

Thai phụ có nguy cơ sinh non hay dọa sinh non thường được bác sĩ chỉ định tiêm trưởng thành phổi. Vậy tác dụng thuốc trưởng thành phổi đối với thai như như thế nào và thai phụ nên tiêm vào thời điểm nào để phát huy tối đa tác dụng của thuốc?

1. Thuốc trưởng thành phổi là gì?

Hai loại thuốc giúp thúc đẩy sự phát triển phổi sớm ở thai nhi là Betamethasone và Dexamethasone. Các thuốc này thuộc nhóm thuốc Corticosteroid, nhóm thuốc có tác dụng thúc đẩy trưởng thành phổi ở thai nhi.

Thuốc trưởng thành phổi hoạt động theo cơ chế cụ thể như sau:

  • Sau khi tiêm trưởng thành phổi vào thai phụ, thuốc sẽ theo đường máu truyền vào thai nhi và tác động lên phổi.
  • Tăng khả năng phổi chuyển từ phế bào I thành phế bào II
  • Tổng hợp và giải phóng surfactant vào phế nang nhiều hơn, giúp giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang, chống lại lực đàn hồi của phổi.
  • Giúp tăng thể tích phổi và giảm lượng chất lỏng bên trong phổi
  • Sau khi tiêm trưởng thành phổi, thai phụ thường có dấu hiệu tăng đường huyết nhẹ trong khoảng 5 ngày, vì vậy trước khi tiêm nên làm tầm soát tiểu đường để tránh các biến chứng của tiểu đường thai kỳ. Nếu thai phụ đang bị tiểu đường thai kỳ thì nên ở lại bệnh viện để điều trị, theo dõi sau tiêm.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Tác dụng thuốc trưởng thành phổi

Đối với trẻ sinh non từ 28-34 tuần, một số cơ quan nội tạng bên trong cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện đầy đủ, đặc biệt là phổi. Trẻ sinh non thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như hệ miễn dịch yếu, rối loạn tiêu hóa, huyết áp thấp, các rối loạn máu như thiếu máu, vàng da, nhiễm trùng máu,... và đặc biệt là các vấn đề nghiêm trọng về hệ hô hấp.


Trẻ sinh non thường có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh
Trẻ sinh non thường có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh

Để giảm thiểu tối đa các biến chứng nguy hiểm về hệ hô hấp, các bác sĩ thường chỉ định thai phụ tiêm các mũi trưởng thành phổi nếu có hiện tượng sinh non hoặc dọa sinh non.

Nhìn chung, tiêm trưởng thành phổi có tác dụng thúc đẩy sự phát triển phổi của thai nhi để dự phòng các biến chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non.

3. Nên tiêm thuốc trưởng thành phổi vào thời điểm nào?

Bất cứ thai phụ nào khi mang thai đều mong muốn con mình phát triển đầy đủ và toàn diện nhất trước khi ra đời. Tuy nhiên không vì thế mà thai phụ lạm dụng sử dụng thuốc này để kích thích phát triển phổi cho thai nhi. Tiêm thuốc trưởng thành phổi chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ dành cho các thai phụ dọa sinh non và có nguy cơ sinh non. Vậy khi nào nên tiêm trưởng thành phổi để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất?

Đối với các thai phụ được chẩn đoán có nguy cơ sinh non, thời điểm nên tiêm thuốc này vào tuần thứ 24-34 của thai kỳ nếu có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày, lưu ý sau tuần 34 tiêm thuốc trưởng thành phổi sẽ không còn nhiều tác dụng nữa vì vậy không cần thiết phải tiêm để tránh lãng phí và các tác dụng phụ không mong muốn.

Liều lượng sử dụng thuốc tiêm trưởng thành phổi như sau:

  • Thuốc betamethasone 12mg (Diprospan (5+2)mg): Tiêm bắp 2 lần, mỗi liều cách nhau 24 giờ.
  • Thuốc dexamethasone 6mg: Tiêm bắp 4 liều, mỗi liều cách nhau 12 giờ.

4. Những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc trưởng thành phổi

Tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi có dấu hiệu sinh non là điều cần thiết để tránh các biến chứng về hô hấp. Tuy nhiên sử dụng thuốc này cũng có một vài tác dụng phụ như sau:

  • Thuốc thuộc nhóm C tức là nhóm có tác dụng phụ theo quy ước của cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ. Vì vậy thai phụ nên sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, tránh sử dụng quá liều hoặc ít hơn so với liều dùng quy định;
  • Khi tiêm thuốc trưởng thành phổi thường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở thai phụ sau khi sinh;
  • Gây hiện tượng tăng đường huyết trong vòng 5 ngày, thai phụ cần theo dõi cực kỳ cẩn thận để tránh gặp tình trạng tiểu đường thai kỳ, gây biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con;
  • Sau khi tiêm trưởng thành phổi, thai nhi có xu hướng ít vận động hơn, nguy cơ sau khi sinh ra trẻ bị chứng rối loạn tăng động ở trẻ em;
  • Sau khi tiêm, trẻ bị chậm tăng cân, chu vi vòng đầu giảm do cốt hóa sớm các sụn xương hay liền khớp sọ sớm.

Trẻ sinh ra có nguy cơ mắc rối loạn tăng động khi tiêm trưởng thành phổi
Trẻ sinh ra có nguy cơ mắc rối loạn tăng động khi tiêm trưởng thành phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe