Tất cả chúng ta đều sẽ lo lắng và khó chịu theo thời gian. Đó là một phần bình thường của cuộc sống, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự lo lắng hoặc tức giận đó lấn át và bạn không thể nào bình tĩnh lại? Hiện nay có nhiều cách giúp bạn giảm stress hay giảm căng thẳng. Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào những cách tự nhiên để xoa dịu sự lo lắng của bạn.
Rối loạn lo âu là một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất hiện nay. Ngay cả những người không mắc chứng rối loạn lo âu có thể chẩn đoán được cũng đôi khi cảm thấy lo lắng. Nhiều mẹo và thủ thuật có khả năng hữu ích, bao gồm tập thể dục, yoga và liệu pháp âm nhạc. Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm Hoa Kỳ nói rằng chứng rối loạn lo âu hiện ảnh hưởng tới khoảng 40 triệu công dân Hoa Kỳ mỗi năm. Bài viết này cũng cung cấp thông tin về thuốc và liệu pháp trò chuyện để điều trị chứng lo âu trầm trọng hoặc dai dẳng. Những mẹo và thủ thuật sau đây có thể giúp mọi người kiểm soát được mức độ căng thẳng và làm dịu lo lắng.
1. Lý do chúng ta cần giảm căng thẳng, giảm lo lắng
Lo lắng, căng thẳng và stress là những thuật ngữ không mới và nó diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Lo lắng có thể thúc đẩy con người phát triển nhưng nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, chúng ta hoàn toàn có thể gánh chịu những tác dụng phụ mà nó mang lại. Do đó, giảm căng thẳng, giảm lo lắng là điều cần thiết trong hoàn cảnh này. Hãy tìm hiểu câu chuyện sau đây của tiến sĩ Timothy J. Legg, một cây viết tự do về lo lắng mà ông gặp phải trong suốt khoảng thời gian trước đây để biết rõ hơn, tại sao chúng ta cần giảm lo lắng và căng thẳng.
“Tôi không phải lúc nào cũng là một người hay lo lắng, nhưng sau khi được chẩn đoán trầm cảm cách đây sáu năm, tôi nhanh chóng bị choáng ngợp với các triệu chứng khó có thể bỏ qua. Như thể trầm cảm vẫn chưa đủ, bác sĩ chẩn đoán tôi bị mắc chứng rối loạn lo âu toàn thân. Chẳng bao lâu, nó sẽ ngấm vào mọi khía cạnh của cuộc sống của tôi, khiến tôi không thể hoạt động bình thường. Tôi đã sống trong nỗi sợ hãi khi phải nói chuyện với người lạ. Tôi bắt đầu trải qua những cơn lo âu, tim đập nhanh và cảm giác buồn nôn dữ dội đến mức tôi phải tránh giao tiếp ở những nơi công cộng như quán bar và nhà hàng. Trong suốt một năm, tôi không thể làm việc gì cả.
Khi tôi quyết định thử làm việc trở lại, tôi đã đảm nhận một vai trò bán thời gian không có nhiều áp lực và càng ít căng thẳng càng tốt để điều trị được chứng rối loạn lo âu của mình. Phải mất nhiều năm sử dụng thuốc, trị liệu và tìm ra những thói quen lành mạnh mới, nhưng giờ tôi có thể nói rằng hầu như tôi không còn triệu chứng. Bây giờ tôi sẽ điều hành công việc viết lách tự do của riêng mình. Sau khi quá sợ hãi về không gian công cộng thì giờ đây tôi đã có thể tự tin kết nối với những người hoàn toàn xa lạ, phỏng vấn những người khác trực tiếp trên internet và chia sẻ nội dung video cá nhân của riêng tôi mỗi ngày. Tôi thường xuyên phát biểu trên podcast và chương trình phát sóng trực tiếp trên Instagram, đồng thời tham gia các sự kiện ở những nơi tôi chưa từng đến trước đây vì cuối cùng tôi đã kiểm soát được sự lo lắng của mình.
Bị kìm hãm quá lâu khiến tôi càng quyết tâm thử thách ranh giới của mình và đạt được mục tiêu bất chấp sự lo lắng của mình. Điều đó thật không dễ dàng, nhưng bằng cách làm việc với bác sĩ và học một số thủ thuật, tôi đã có thể kiểm soát sự lo lắng. Tôi vẫn có cảm giác lo lắng và tôi nghi ngờ rằng họ sẽ rời bỏ tôi vĩnh viễn - Tôi vừa trau dồi kỹ năng của mình vừa học cách phản ứng tích cực hơn.”
2. 12 cách tự nhiên để giảm căng thẳng có thể áp dụng
2.1. Tránh caffein
Caffeine được biết đến như một chất làm lo lắng. Nhưng đối với nhiều người, việc uống cà phê đã trở thành một thói quen đến nỗi họ thường quên mất mình nhạy cảm với cà phê như thế nào. Do đó, khi cảm thấy lo lắng hoặc đoán trước được những cảm giác đó - như trước khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng chẳng hạn – lời khuyên là nên tránh xa các đồ uống có chứa caffeine. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cũng nên tránh cả các loại nước ngọt có chứa caffeine nữa.
2.2. Tránh rượu
Nhiều người có thói quen uống rượu mỗi khi gặp phải những áp lực khiến họ căng thẳng hoặc lo lắng trong cuộc sống, tuy nhiên đây dường như lại là một lựa chọn hết sức sai lầm
Mặc dù rượu có thể mang lại tác dụng giải tỏa căng thẳng trong thời gian ngắn, nhưng rượu thực sự làm thay đổi mức serotonin và các chất dẫn truyền thần kinh khác trong não, khiến các triệu chứng lo lắng trở nên tồi tệ hơn. Trên thực tế, chúng ta có thể cảm thấy lo lắng hơn sau khi rượu hết tác dụng.
2.3. Viết nhật ký về những vấn đề lo lắng
Một trong những khía cạnh tồi tệ nhất của sự lo lắng là chúng ta nhiều khi không hiểu nguyên nhân thực sự của nó. Nhiều người có thể đang nằm trên một bãi biển với sóng biển vỗ về phía xa mà vẫn cảm thấy lo lắng mà hoàn toàn không có lý do. Và đó là khi việc viết ra những thứ mình nghĩ và những điều mình lo lắng có thể hữu ích để giúp chúng ta loại bỏ đi cảm giác khó chịu này.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng viết nhật ký thực sự là một cách lành mạnh để đối phó với cảm giác tiêu cực và có thể giúp giảm stress.
2.4. Sử dụng các loại hương liệu
Hoa oải hương nổi tiếng với đặc tính làm dịu những cơn lo lắng. Giữ một chai dầu oải hương nhỏ trên tay để mùi hương của nó lan tỏa nhằm phòng khi cảm thấy lo lắng.
Nếu lựa chọn thực hành chánh niệm hoặc thiền định, hãy thử ngửi mùi hoa oải hương trong khi thực hành. Theo thời gian, chúng ta sẽ kết hợp được cảm giác thư giãn với mùi hương đó, làm cho nó thậm chí còn hiệu quả hơn.
2.5. Trao đổi với người khác về vấn đề của mình
Nếu cảm giác lo lắng khiến chúng ta khó hoạt động, bạn nên nói chuyện với các chuyên gia y tế. Nhưng nói chuyện với bạn bè cũng có thể giúp ích. Nhiều người còn tham gia những hội nhóm gồm toàn những thành viên có chung tình trạng rối loạn lo âu hoặc căng thẳng và thường chia sẻ cảm giác của mình với nhau hằng ngày hoặc khi họ cảm thấy lo lắng. Một vài người trong nhóm có thể đưa ra lời khuyên cho những người còn lại bởi họ cũng đã từng trải qua cảm giác lo lắng và mọi chuyện có thể được giải quyết.
2.6. Tìm một câu thần chú
Lựa chọn cho mình một câu khẳng định về cảm giác lo lắng cũng là một cách hiệu quả. Nhiều người cho biết họ sẽ nói với bản thân mình, "Cảm giác này chỉ là tạm thời." Điều này giúp họ cảm thấy bình tĩnh, đặc biệt nếu họ đang trên bờ vực của một cơn hoảng loạn. Nhiều người khác chọn cách nhắc nhở bản thân rằng họ đã sống sót sau những cơn hoảng loạn trong quá khứ và thừa nhận rằng mọi chuyện sẽ ổn miễn là duy trì được sự kiên nhẫn với bản thân.
2.7. Vận động nhiều hơn
Đôi khi, nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy lo lắng là do sự tích tụ của adrenalin. Tập thể dục - ngay cả khi chỉ là đi bộ - có thể giúp cơ thể sử dụng hết lượng adrenaline thừa đó. Nhiều người thường cảm thấy lo lắng khi không di chuyển đủ trong ngày, vì vậy đi bộ là một cách tuyệt vời để sử dụng hết năng lượng dư thừa.
Đi dạo ngoài trời trong không khí trong lành cũng có thể cải thiện sức khỏe của tất cả chúng ta. Một nghiên cứu cho thấy những người đi bộ trong một khu vực nhiều cây cối đã giảm sản xuất hormone căng thẳng so với khi họ ở trong thành phố.
2.8. Uống đủ nước
Có thể nhiều người không nhận ra, nhưng uống không đủ nước có thể khiến các triệu chứng lo âu của họ trở nên tồi tệ hơn. Mất nước thực sự có thể khiến tim đập nhanh. Điều này có thể dẫn tới cảm giác hoảng sợ, có thể kích hoạt cơn lo âu.
Hãy dành một chút thời gian để thư giãn và uống một cốc nước lớn và xem liệu bạn có cảm thấy tốt hơn không nhé?
2.9. Có thời gian ở một mình
Có thời gian ở một mình là điều cần thiết đối với tất cả chúng ta, nó giúp mỗi người sạc lại pin và thư giãn. Nếu đang cảm thấy lo lắng, thì hãy tìm lý do để ở một mình. Bạn có thể đi dạo qua các cửa hàng tạp hóa, đi tập thể dục hoặc dọn dẹp nhà cửa.
2.10. Tắt điện thoại
Điện thoại thông minh ra đời là công cụ để hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống, nhưng đôi khi cách chúng ta sử dụng chúng là khiến chúng phản tác dụng. Thi thoảng, đừng ngần ngại tắt điện thoại của mình một lúc. Hãy sử dụng khoảng thời gian này như một cơ hội để thực hành chánh niệm, đi tắm hoặc viết ra lý do tại sao bạn cảm thấy lo lắng.
2.11. Đi tắm
Bạn có thấy rằng những suy nghĩ lo lắng đang ảnh hưởng tới bạn cả về thể chất và tinh thần không? Điều này là phổ biến và nó có thể là một vòng luẩn quẩn, khiến bạn khó thư giãn nếu cơ thể căng thẳng. Tắm nước nóng với muối Epsom rất tốt để thư giãn cơ bắp, cũng có thể giúp thư giãn đầu óc.
2.12. Ăn một thứ gì đó
Nhiều người có thói quen làm việc mà không ăn sáng, thậm chí là ăn trưa và chỉ nhớ ra mình chưa ăn khi cảm thấy đói vào buổi chiều. Đó là một sai lầm dễ mắc phải và chúng ta thường chỉ nhớ ăn khi bắt đầu có cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng. Lượng đường trong máu thấp có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng, cáu kỉnh và lo lắng. Hãy thử ăn một thứ gì đó dễ tiêu hóa, chẳng hạn như chuối. Sau đó, hãy tiếp tục bằng một bữa ăn cân bằng với protein, carbohydrate và rau quả.
Không có cách khắc phục nhanh chóng đối với chứng rối loạn lo âu. Nhưng bằng cách nâng cao nhận thức về nguyên nhân gây ra các triệu chứng và nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát các triệu chứng của mình. Những phương pháp đưa ra có thể có hoặc không có hiệu quả nhưng điều quan trọng là cần kiên định với những lựa chọn của mình và kiên nhân với chính bản thân. Cố gắng chịu đựng cảm giác lo lắng chỉ khiến chúng ta cảm thấy khó khăn hơn về lâu dài. Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp phù hợp là chìa khóa giúp chúng ta phục hồi. Thực hành tạo nên sự hoàn hảo, vì vậy đừng ngừng cố gắng tìm ra những cách phù hợp với bản thân mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com