Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh nhân đục thủy tinh thể với các ưu điểm là an toàn, thực hiện nhanh, hiệu quả tốt. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp các biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể như nhiễm trùng, chảy máu, tăng nhãn áp, đục bao sau,...
1. Sơ lược về phẫu thuật đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt, góp phần quan trọng trong hoạt động của mắt. Theo tuổi tác lớn dần hoặc các nguyên nhân khác như dị tật bẩm sinh, tiểu đường, suy nhược thần kinh, viêm mắt, chấn thương,... thủy tinh thể thường sẽ bị đục, gây suy giảm thị lực cho bệnh nhân. Đục thủy tinh thể nếu không được điều trị thì có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
Các triệu chứng điển hình của đục thủy tinh thể gồm: Tầm nhìn mờ, mắt nhạy cảm với ánh sáng, tầm nhìn ban đêm hạn chế, khó phân biệt màu sắc, gặp khó khăn khi lái xe, đặc biệt là vào ban đêm,...
Hiện nay, phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất là phẫu thuật Phaco (viết tắt của phacoemulsification). Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm, nhũ tương hóa thủy tinh thể, sau đó lấy thủy tinh thể bị đục ra bằng cách hút qua một vết rạch nhỏ 1,5 - 2,8 mm. Cuối cùng, đặt lại vào mắt một thủy tinh thể nhân tạo. Phương pháp này có ưu điểm là độ an toàn và chính xác cao, thời gian hồi phục nhanh, ít biến chứng.
2. Yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể
Tuy có tỷ lệ an toàn cao nhưng mổ đục thủy tinh thể vẫn tồn tại một số biến chứng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng ở bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể là:
- Tuổi tác: Tỷ lệ biến chứng tỷ lệ thuận với tuổi tác của bệnh nhân khi thực hiện phẫu thuật. Điều đó có nghĩa người càng lớn tuổi thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao(Do độ cứng của thủy tinh thể )
- Mắc các bệnh ở mắt: Viêm màng bồ đào, có các chấn thương cũ, bị glaucoma, cận thị nặng,...;
- Các vấn đề sức khỏe vốn có của bệnh nhân: Ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp,... Người bệnh đái tháo đường nếu không kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả có thể gây tác động tiêu cực tới thời gian điều trị và quá trình hồi phục. Người mắc các vấn đề liên quan tới tuyến giáp cũng có tỷ lệ biến chứng sau mổ cao, làm trì hoãn quá trình hồi phục;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Các loại thuốc hỗ trợ ngăn ngừa đông máu hoặc chất làm loãng máu có thể dẫn tới xuất huyết. Với người sử dụng steroid trong thời gian dài, nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật sẽ cao hơn
3. Những biến chứng sau mổ đục thuỷ tinh thể thường gặp
Bên cạnh các rủi ro thông thường của một ca phẫu thuật, các rủi ro liên quan tới gây tê, gây mê, phẫu thuật đục thủy tinh thể còn có một số biến chứng đặc trưng. Cụ thể:
3.1 Biến chứng trong mổ
- Không thực hiện loại bỏ hoàn toàn thủy tinh thể bị đục (sót chất nhân).
- Rách lớp màng làm nhiệm vụ nâng đỡ thủy tinh thể (rách bao sau).
- Lệch IOL (Thủy tinh thể nhân tạo).
- Vỡ bao sau, có thể đi kèm tình trạng rớt một phần thủy tinh thể vào buồng dịch kính.
- Xuất huyết nội nhãn.
- Tổn thương các bộ phận khác ở mắt, đặc biệt là giác mạc (tổn thương lớp nội mô giác mạc).
3.2 Biến chứng sau mổ
- Đục bao sau: Là một trong những biến chứng thường gặp nhất. Có khoảng 10% bệnh nhân đục thủy tinh thể sẽ bị đục bao sau trong vòng 2 năm sau phẫu thuật. Về cơ chế hình thành, khi bác sĩ lấy thủy tinh thể bị đục ra ngoài, một số tế bào biểu bì có thể phát triển một cách bất thường ở lớp bao sau của thủy tinh thể, gây đục bao sao. Tình trạng này khiến thị lực của bệnh nhân giảm dần;
- Viêm kết mạc mắt: Xảy ra trong những ngày đầu hoặc kéo dài tới 1 tuần sau phẫu thuật;
- Chảy máu: Có thể chảy máu bên trong mắt;
- Nhiễm trùng: Là một biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật, xác suất xảy ra rất thấp, chỉ khoảng 0,2%. Các biểu hiện của nhiễm trùng sau phẫu thuật gồm đỏ mắt, chảy mủ, ngứa, mắt sưng tấy, dịch chảy ra từ mắt có màu vàng, xanh lá cây hoặc trắng sữa;
- Phù võng mạc, võng mạc chuyển sang màu nâu do tình trạng tích tụ chất lỏng giữa các lớp võng mạc phía sau mắt, gây ảnh hưởng tới thị lực;
- Bong võng mạc: Sau mổ thay thủy tinh thể, lớp võng mạc phía sau mắt có thể bị bong ra. Những người bị cận thị nặng sẽ có nguy cơ bị bong võng mạc cao hơn. Triệu chứng của bong võng mạc là nhìn thấy ánh đèn lóe lên khi nhìn sang 1 bên, thấy các mảnh nhỏ xuất hiện ở dạng đốm đen hoặc sợi dây trôi nổi phía trước mắt, có đốm sáng nhấp nháy trước mắt;
- Nhìn đôi, suy giảm thị lực hoặc mất thị lực;
- Tăng nhãn áp: Xảy ra do nguyên nhân áp lực trong mắt tăng cao một cách bất thường. Tình trạng tăng nhãn áp tạo sức nén lên võng mạc và dây thần kinh thị giác, nếu không điều trị kịp thời có thể gây tổn thương thần kinh thị giác, ảnh hưởng tới thị lực hoặc thậm chí là mù hoàn toàn.
4. Biện pháp phòng ngừa biến chứng của mổ đục thủy tinh thể
- Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc nhỏ mắt sau mổ;
- Ngày đầu tiên sau mổ không được tự lái xe, cúi người, ho hoặc hắt hơi mạnh;
- Sau một ngày phẫu thuật, bệnh nhân cần tái khám theo giấy hẹn để phát hiện sớm các biến chứng sau phẫu thuật nếu có;
- Đeo kính bảo vệ mắt để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng;
- Trong tuần đầu sau mổ, bệnh nhân không nên làm các việc nặng;
- Hạn chế đọc sách báo, nhìn vào các thiết bị điện tử,... quá lâu, nên dành nhiều thời gian cho mắt nghỉ ngơi;
- Trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật không được để nước rơi vào mắt;
- Sau phẫu thuật 1 tháng, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Bất kỳ biến chứng sau mổ đục thuỷ tinh thể nào cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu bệnh nhân không phát hiện, điều trị sớm. Vì vậy, khi có các biểu hiện trên, bệnh nhân nên đến ngay cơ sở nhãn khoa mà mình điều trị phẫu thuật đục thủy tinh thể để được can thiệp xử trí kịp thời, hiệu quả.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán đục thủy tinh thể
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.