Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Phẫu thuật phaco là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất hiện nay với nhiều ưu điểm nổi bật như: vết mổ nhỏ, thời gian phẫu thuật nhanh, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường ngay sau phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này cũng sẽ để lại một số biến chứng sau phẫu thuật.
1. Tổng quan về bệnh đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể là một phần quan trọng của mắt, có cấu tạo dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Thủy tinh thể là thành phần quan trọng cho ánh sáng đi qua và các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc để có thể thấy được vật rõ nét.
Đục thủy tinh thể là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Công suất hội tụ của thể thủy tinh có vai trò rất quan trọng đối với hệ thống khúc xạ, giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Khả năng thay đổi độ dày của thể thuỷ tinh gọi là sự điều tiết, có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần.
Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thuỷ tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù lòa.
Việc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật phaco ngày càng phổ biến và đây cũng là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tốt nhất. Ưu điểm của nó là vết mổ nhỏ, thị lực nhanh chóng được hồi phục, ít xảy ra biến chứng, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.
Mặc dù các ca mổ phaco hiện nay chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút nhưng trên thực tế phẫu thuật đục thể thuỷ tinh được xếp vào nhóm đại phẫu do nó là một phẫu thuật nội nhãn và tác động trực tiếp đến thị lực.
2. Những biến chứng sau phẫu thuật Phaco
Tuy có ít nguy cớ xảy ra biến chứng nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ những người phẫu thuật bằng kỹ thuật phaco gặp phải biến chứng sau mổ. Nhất là nhóm người bệnh:
- Người có những bệnh khác về mắt
- Người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư.
- Người đang sử dụng thuốc giãn cơ Tamsulosin hoặc thuốc chẹn alpha-1.
2.1 Biến chứng do quá trình phẫu thuật
Khi thực hiện phẫu thuật, do nhiều yếu tố tác động mà cũng có thể xảy ra những rủi ro như:
- Không loại bỏ được hoàn toàn thủy tinh thể bị đục;
- Rách lớp màng nâng đỡ thủy tinh thể;
- Xuất huyết trong mắt;
- Một phần thủy tinh thể đã bị đục còn lại lạc về phía sau của mắt;
- Tổn thương các phần khác của mắt, hay gặp nhất là tổn thương giác mạc.
2.2 Những biến chứng có thể sau khi phẫu thuật
Tuy biến chứng ít xảy ra và thường ít nghiêm trọng. Nhưng vẫn có nguy cơ xuất hiện những biến chứng bao gồm:
- Đục bao sau: Đây là một trong những biến chứng sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể phổ biến nhất. Khi điều trị lấy thuỷ tinh thể đã bị đục ra ngoài, một số tế bào biểu bì có thể phát triển bất thường ở lớp bao sau của thuỷ tinh thể, gây ra đục bao sau. Nguy cơ xảy ra đục bao sau khi dùng ống kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo) vuông thấp hơn so với ống kính nội nhãn tròn.
- Sưng và viêm: Sau phẫu thuật những ngày đầu hoặc kéo dài đến một tuần xuất hiện tình trạng viêm gây sưng nề. Biến chứng này có thể rất nguy hiểm đối với người bệnh mắc viêm màng bồ đào.
- Bong võng mạc: Võng mạc ở phía sau của mắt có thể bị bong ra sau phẫu thuật thay thủy tinh thể.
- Tăng nhãn áp: Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị tăng nhãn áp do áp suất của thủy dịch trong mắt tăng cao một cách bất thường. Áp lực do tăng nhãn áp gây ra sức đè nén lên võng mạc và dây thần kinh thị giác. Nếu không được xử lý kịp thời, rối loạn này có thể khiến người bệnh bị tổn thương dây thần kinh thị giác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực hoặc bị mù hoàn toàn.
- Nhiễm trùng: Nhiễm khuẩn có thể xảy ra do phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn, do người bệnh có khả năng đề kháng kém hoặc chăm sóc sau phẫu thuật không đảm bảo tránh nhiễm khuẩn. Đây là một biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, xảy ra với xác suất là rất thấp, khoảng 0,2%.
- Chảy máu: Xuất huyết có thể xảy ra bên trong mắt. Biến chứng xuất huyết có thể xảy ra ngay ở vết mổ.
- Tầm nhìn mờ: Sau khi mổ đục thủy tinh thể, tầm nhìn có thể mờ trong vài ngày đầu nhưng sẽ cải thiện dần dần theo thời gian. Nếu gặp biến chứng này nên chú ý khi lái xe, tốt nhất không nên tự lái xe sau khi hết mờ mắt.
- Tầm nhìn đôi: Một trong những biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể thường thấy là tầm nhìn đôi. Tuy nhiên, biến chứng này không kéo dài mà sẽ biến mất khi quá trình hồi phục diễn ra.
3. Làm sao để phòng biến chứng sau mổ
- Sử dụng thuốc đầy đủ và tái khám theo sự hướng dẫn của bác sĩ sau khi phẫu thuật. Thông thường để tránh một số biến chứng bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc như kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc bôi.
- Chăm sóc mắt sau mổ: Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên thay băng nhẹ nhàng và làm sạch mắt bằng cách nhúng khăn sạch vào nước ấm sạch để lau mắt. Sau đó đặt miếng băng mới lên đảm bảo không trà vào mắt và không bong ra để bảo vệ mắt suốt cả ngày, đêm.
- Tránh luyện tập mạnh; không cúi người xuống phía trước; tránh nâng các vật nặng; hạn chế xem sách, tivi, điện thoại và nằm ngửa khi ngủ để tránh biến chứng tăng nhãn áp.
- Sau phẫu thuật tầm nhìn có thể thay đổi sau một khoảng thời gian, ảnh hưởng tới khả năng nhìn nên cần có sự hỗ trợ của người thân để người bệnh sau mổ hồi phục tới khi thị lực tốt hơn.
Biến chứng sau mổ phaco thường ít khi xảy ra, nhưng nếu thấy mắt có những dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.