Nhức đầu, buồn nôn là triệu chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đây có thể là dấu hiệu ngầm cảnh báo các vấn đề của sức khoẻ như viêm tai giữa, rối loạn tiền đình hay thiểu năng tuần hoàn não. Vậy nhức đầu buồn nôn phải làm sao?
1. Các nguyên nhân gây ra nhức đầu buồn nôn
Hiện tượng chóng mặt, nhức đầu buồn nôn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể như sau:
- Rối loạn tiền đình: Là tình trạng tổn thương khu vực tai trong và não khiến cơ thể người bệnh mất khả năng kiểm soát cân bằng. Từ đó làm người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo.
- Thiểu năng tuần hoàn não: Là bệnh lý do lưu lượng máu lên não không đủ khiến lượng oxy và các dưỡng chất cung cấp cho hoạt động bình thường của não bị giảm sút. Ngoài chóng mặt, buồn nôn thì thiểu năng tuần hoàn não còn gây mất ngủ, trí nhớ suy giảm, suy nhược cơ thể,...
- Say tàu xe: Việc xe di chuyển làm cơ thể mất thăng bằng cũng có thể dẫn tới hiện tượng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
- Thay đổi thời tiết: Người có sức đề kháng kém chỉ cần thay đổi thời tiết, đặc biệt là giao mùa cũng rất dễ cảm cúm gây ra các triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau đầu chóng mặt. Thậm chí còn khiến bệnh nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Trong khi đang dùng thuốc điều trị có thể xảy ra hiện tượng nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn do tác dụng phụ của thuốc.
- Ốm nghén ở phụ nữ mang thai: Khi mang thai, phụ nữ có nhiều sự thay đổi nội tiết tố gây tình trạng chóng mặt, mệt mỏi. Đây là hiện tượng thường xảy ra trong những tháng đầu của thai kỳ và sẽ cải thiện nếu người mẹ có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi khoa học.
2. Khi nào nhức đầu buồn nôn cần đến bệnh viện?
Trong đa phần các trường hợp đau đầu buồn nôn từ nhẹ đến vừa có thể tự khỏi nhưng các trường hợp kéo dài có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị khi rơi vào các trường hợp sau:
- Nói lắp
- Nhầm lẫn
- Chóng mặt
- Cứng cổ và sốt
- Nôn hơn 24 giờ
- Không đi tiểu được trong 8 tiếng hoặc hơn
- Mất ý thức.
3. Nhức đầu buồn nôn nên làm gì?
Sau khi được thăm khám và chẩn đoán, bệnh nhân cần tham khảo các phương pháp điều trị do bác sĩ tư vấn và chỉ định như sau:
Dùng thuốc điều trị triệu chứng:
- Meclozine 25mg có thể làm giảm các biểu hiện chóng mặt, buồn nôn dùng khi bị say tàu xe.
- Metoclopramide HCL: Thường dành người bị đau đầu chóng mặt và có triệu chứng buồn nôn, nôn.
- Acetyl- DL- leucine: Có tác dụng với người chóng mặt bởi bất kỳ nguyên nhân nào. Tuy nhiên thuốc không dùng cho phụ nữ có thai hoặc mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Flunarizine: Thường sử dụng trong các trường hợp nhức đầu Migraine và có dấu hiệu chóng mặt do nguyên nhân khác. Không áp dụng cho bệnh nhân bị Parkinson, người trầm cảm, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
- Thuốc giãn mạch.
Điều trị căn nguyên, thay đổi lối sống:
- Không dùng chất kích thích, ma tuý và rượu bia.
- Nếu nguyên nhân chóng mặt, đau đầu buồn nôn kéo dài là do Zona thì cần điều trị bằng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ.
- Dùng thuốc kháng sinh nếu viêm tai giữa là nguyên nhân dẫn tới đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
- Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật loại bỏ khối y nếu u vùng đầu gây chóng mặt, buồn nôn.
- Kiểm tra, đo huyết áp thường xuyên. Nếu có biểu hiện tăng huyết áp thì cần điều trị sớm.
- Phối hợp điều trị phục hồi chức năng: áp dụng cho bệnh nhân bị chóng mặt tư thế hoặc do viêm dây thần kinh tiền đình.
- Tăng cường ăn hoa quả, rau tươi, ngủ đủ 8 tiếng/ngày, không làm việc căng thẳng quá sức, duy trì cân nặng ở mức hợp lý và chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.
Tóm lại, đau đầu buồn nôn kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Vì vậy để được chẩn đoán căn nguyên và điều trị dứt điểm tốt nhất người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm ra giải pháp đúng đắn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.