Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm lỗ chân lông là tình trạng lỗ chân lông và nang lông bị viêm hoặc nhiễm trùng, tạo ra các mụn đỏ nhỏ, có thể ngứa hoặc đau. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm lỗ chân lông là do nhiễm vi khuẩn, kích ứng da cũng là một yếu tố trực tiếp. Trong đó, nhổ lông nách là yếu tố gián tiếp, gây tổn thương và viêm nhiễm tại chỗ, trong các lỗ chân lông và nang lông.
1. Viêm lỗ chân lông là gì?
Viêm lỗ chân lông hay còn gọi là viêm nang lông là một vấn đề về da phổ biến xảy ra khi có tình trạng viêm nông một hoặc nhiều nang lông, nguyên nhân chủ yếu là do tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh. Nang lông ở khắp mọi nơi ngoại trừ môi, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Biểu hiện của viêm nang long là xuất hiện các sẩn nhỏ ở nang lông, đỏ, đau.
Tình trạng viêm lỗ chân lông có thể gặp ở bất cứ nơi nào có lông nhưng nhiều khả năng sẽ xuất hiện ở cổ, đùi, mông hoặc nách. Tại nách, người bệnh mắc viêm lỗ chân lông thường là hậu quả của việc tẩy lông; trong đó, nhổ lông nách bị viêm sẽ là nguồn gây nhiễm trùng tại da.
2. Các triệu chứng của viêm lỗ chân lông như thế nào?
Các triệu chứng từng người sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại viêm lỗ chân lông mắc phải và mức độ bệnh cũng như vị trí của bệnh. Theo đó, người bệnh có thể có các triệu chứng của viêm lỗ chân lông như sau:
- Các nhóm mụn đỏ nhỏ như mụn nhọt, một số có đầu trắng bên trên
- Các mụn nước vỡ ra, chảy nước và đóng vảy
- Các vùng da đỏ, sưng tấy lớn, có thể rỉ mủ
- Những vùng da này cũng có thể bị ngứa và đau
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gì gây viêm lỗ chân lông?
Tụ cầu vàng, một loại vi khuẩn, thường là nguyên nhân gây bệnh. Loại tụ cầu này thường cư trú trên da và thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu nó xâm nhập qua da, ví dụ như qua một vết cắt hay trầy xước, thì nó có thể gây ra vấn đề như viêm lỗ chân lông..
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác cũng có thể gây ra viêm lỗ chân lông:
- Tẩy lông không đúng cách, chẳng hạn như cạo, wax và nhổ lông. Trong đó, nhổ lông nách thường xuyên sẽ có ảnh hưởng đến nang lông nhiều nhất vì thao tác thực hiện nhắm mục tiêu trên từng sợi lông, lấy trọn chân lông, tạo khoảng trống bên trong nang lông. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn dễ xâm nhập, trú ngụ và gây bệnh.
- Lông mọc ngược – tác dụng ngoại ý của các biện pháp tẩy lông cơ học như nhổ lông hay wax.
- Sự tắc nghẽn lỗ chân lông do các sản phẩm chăm sóc da, chẳng hạn như kem dưỡng ẩm giàu tính dầu
- Nhiễm nấm da
- Các vi khuẩn khác, chẳng hạn như loại có thể tìm thấy trong bồn tắm nước nóng
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid được sử dụng để giảm viêm
- Tổn thương da sẵn có, như do cạo lông
- Bị bệnh gây suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS
4. Chẩn đoán viêm lỗ chân lông bằng cách nào?
Bác sĩ thường chẩn đoán viêm nang lông bằng thăm khám lâm sàng, đánh giá tổn thương da và hỏi tiền sử cũng như yếu tố nguy cơ.
Đối với viêm lỗ chân lông tại nách, cần hỏi người bệnh có các thói quen tẩy lông nách như nhổ lông nách. Chính vì vậy, người bệnh thường không cần xét nghiệm chuyên biệt gì trừ khi phương pháp điều trị không hiệu quả. Trường hợp điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể dùng que tăm bông vô khuẩn, lấy bệnh phẩm là mủ tại mụn viêm sau đó làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ để tìm loại kháng sinh phù hợp.
5. Các cách điều trị viêm lỗ chân lông như thế nào?
Viêm lỗ chân lông mức độ nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Để giúp bản thân mau chữa lành và cải thiện nhanh các triệu chứng, người bệnh có thể:
- Tắm, vệ sinh thân thể hàng ngày
- Mặc quần áo thoáng rộng, chất cotton thấm hút mồ hôi tốt
- Sát khuẩn vùng bị bệnh với dung dịch sát khuẩn chứa Iod (Betadin, PVP-iodine)
- Đồng thời, tránh các yếu tố tác dụng vào da như không tẩy lông tại chỗ, bao gồm cả nhổ lông nách hay dùng dao cạo, gãi và mặc quần áo bó sát hoặc thô ráp trên khu vực bị nhiễm trùng.
- Nếu các phương pháp điều trị tự chăm sóc này không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định:
- Kem kháng sinh nếu viêm lỗ chân lông hay viêm nang lông do vi khuẩn
- Kem chống nấm, dầu gội đầu hoặc thuốc uống nếu đó là do nấm gây ra
6. Làm sao để phòng ngừa viêm lỗ chân lông?
Để giảm nguy cơ bị viêm lỗ chân lông, tốt nhất nên tránh tác động vào vùng tổn thương trong ít nhất 3 tháng, nhất là việc dùng dao cạo hay nhổ lông nách. Tuy nhiên, nếu vẫn cần phải triệt lông, người bệnh có thể thử dùng dao cạo điện hoặc các sản phẩm tẩy lông để loại bỏ lông mà không gây tổn hại đến nang lông hay chân lông.
- Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần áp dụng các cách kết hợp sau đây:
- Rửa sạch da bằng nước ấm và sữa rửa dịu nhẹ hằng ngày
- Thoa nhiều gel hoặc kem cạo lông, không thoa xà phòng và để 5-10 phút để làm mềm lông. Sử dụng một lưỡi dao mới mỗi khi cạo râu để đảm bảo lưỡi dao sạch và sắc bén. Cạo theo hướng lông mọc.
- Nhổ lông nách cần sử dụng nhíp đã sát khuẩn bằng cồn trước khi thực hiện
- Sử dụng thêm kem dưỡng ẩm để giảm kích ứng
- Không nên mặc quần áo gây kích ứng da hoặc giữ nhiệt và mồ hôi, nhất là vùng da kín, nhiều nếp gấp như nách
- Hạn chế sử dụng dầu và các sản phẩm gây nhờn khác cho da vì có thể gây tắc nghẽn và bẫy vi khuẩn
- Rửa tay thường xuyên khi cần tiếp xúc da
Tóm lại, nhổ lông nách có ảnh hưởng đến vùng da dưới cánh tay, từ đơn giản là gây đau đớn, trầy xước nhẹ cho đến phức tạp như viêm lỗ chân lông. Mặc dù đây là bệnh không nặng, thường tự thuyên giảm nếu biết cách chăm sóc, việc không nhận ra các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sẽ làm cho tình trạng viêm lỗ chân lông kéo dài, gây mất thẩm mỹ và sự tự tin cho vẻ ngoài của người bệnh.
Hãy thường xuyên theo dõi website Vinmec (www.vinmec.com) để cập nhật thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích và để lại thông tin khi cần bác sĩ tư vấn hỗ trợ nhé!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.