Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Viêm tai giữa là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường. Viêm tai giữa gây các triệu chứng đau nhức khó chịu, sốt, bỏ bú ,kén ăn,... và thường được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến khác liên quan đến việc điều trị viêm tai giữa bằng kháng sinh hay trì hoãn đang được quan tâm
1. Nghiên cứu về việc dùng thuốc kháng sinh hay trì hoãn trong điều trị nhiễm trùng tai giữa
Hai nghiên cứu mới được đăng trên ấn phẩm tháng Sáu của tạp chí Nhi khoa đưa ra những thông tin đáng chú ý như sau:
Nghiên cứu đầu tiên, vốn một thử nghiệm lâm sàng, cho thấy điều trị bằng kháng sinh ngay lập tức giúp giảm thiểu các triệu chứng nhiễm trùng tai giữa trong 10 ngày đầu tiên. Nhưng chỉ cần quan sát và chờ xem liệu tình trạng nhiễm trùng có trở nên tồi tệ hơn hay không – giúp cắt giảm được 2/3 việc sử dụng kháng sinh. Ba mươi ngày sau lần khám bác sĩ đầu tiên, tỷ lệ khỏi bệnh là như nhau ở nhóm điều trị ngay lập tức và nhóm chờ đợi theo dõi.
Nghiên cứu thứ hai khảo sát các bậc cha mẹ và bác sĩ trong sáu cộng đồng tại bang Massachusetts. Khoảng một phần ba các bậc cha mẹ cho biết họ sẽ hài lòng với việc điều trị viêm tai giữa của con mình nếu bác sĩ khuyên họ nên theo dõi và chờ đợi. Nhưng 40% cho rằng điều này sẽ không khả quan. Trong khi đó, 38% bác sĩ cho biết họ không bao giờ sử dụng cách theo dõi và chờ đợi khi bị viêm tai giữa. Chỉ 6% cho biết họ theo dõi và trì hoãn dùng thuốc hầu hết thời gian, trong khi 39% cho biết họ không thường xuyên trì hoãn dùng thuốc.
2. Liệu viêm tai giữa có thể tự khỏi không?
Hầu hết thời gian, viêm tai giữa có thể tự khỏi, nhưng phải được theo dõi cẩn trọng. Đó là vì viêm tai giữa là do sự tụ dịch trong tai giữa của trẻ, tạo điều kiện tốt cho các tác nhân gây bệnh – như vi khuẩn – phát triển trong khu vực trọng yếu của cơ thể.
Phương pháp điều trị viêm tai giữa thường được áp dụng tại Hoa Kỳ là cho trẻ uống kháng sinh ngay. Phương pháp này hầu như luôn luôn có tác dụng, vì tai của trẻ được làm sạch. Nhưng bệnh cũng tự khỏi nếu không điều trị. Trên thực tế, 2/3 số trẻ em, theo nghiên cứu trên tạp chí Nhi khoa, cải thiện mà không cần dùng kháng sinh.
Các bác sĩ và bố mẹ thường lo lắng rằng nhiễm trùng nghiêm trọng có thể khởi nguồn từ những cơn đau tai đơn giản, đó là lý do rất nhiều trong số họ muốn điều trị sớm. Tuy nhiên, có một nhược điểm. Sáu mươi phần trăm đơn thuốc kháng sinh cho trẻ em là dùng để kê đơn cho bệnh viêm tai giữa. Việc sử dụng kháng sinh ồ ạt như vậy đang dẫn đến một cuộc phản công của vi khuẩn. Các loại vi khuẩn xấu đang trở nên kháng thuốc kháng sinh. Điều này có nghĩa là trong tương lai, việc điều trị hiệu quả sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Bác sĩ thực sự có thể cắt giảm kháng sinh điều trị viêm tai giữa không? Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ đã thực hiện bước đầu tiên. Năm ngoái, họ đã công bố hướng dẫn điều trị cho phép các bác sĩ tùy chọn theo dõi và chờ đợi các trường hợp viêm tai giữa không nặng - chỉ đau tai nhẹ và không ghi nhận sốt cao – cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đây, là liệu theo dõi và chờ đợi có tác dụng thực sự hay không? Và thậm chí nếu phương pháp này có tác dụng, liệu bố mẹ và bác sĩ có thật sự chấp nhận kế hoạch theo dõi và chờ đợi để xem liệu nhiễm trùng tai có thể tự khỏi?
3. Thuốc kháng sinh ngay và luôn, hay chờ đợi theo dõi
Bác sĩ David McCormick, làm việc tại Phân khoa Y – Đại học Texas, Galveston, đã điều hành một nghiên cứu trên 223 em nhỏ từ 6 tháng đến 12 tuổi bị mắc viêm tai giữa không nghiêm trọng. Những em nhỏ này có các triệu chứng viêm tai giữa, có dịch trong tai nhưng nhiễm trùng không nặng. Một nửa trong số các em được điều trị với 2 liều kháng sinh amoxicillin mỗi ngày trong 10 ngày. Một nửa còn lại được đưa về nhà, bố mẹ các em được yêu cầu tiếp tục theo dõi xem các em có phục hồi không. Nếu không, bố mẹ sẽ đưa các em đến gặp bác sĩ để dùng kháng sinh.
Trong 12 ngày đầu tiên, trẻ trong nhóm áp dụng điều trị có xu hướng vượt qua các triệu chứng nhanh chóng hơn, liều giảm đau cần dùng cũng ít hơn. Tuy nhiên, những em nhỏ này cũng có nguy cơ gặp phải vi khuẩn kháng thuốc cao hơn. Và điều trị sớm không giúp các em tránh bị tái phát trong vòng 30 ngày.
Đến ngày thứ 30, tỷ lệ khỏi bệnh ở cả hai nhóm gần như giống nhau: 77% ở nhóm điều trị ngay lập tức và 76% ở nhóm chờ và theo dõi. Mức độ hài lòng của bố mẹ ở 2 nhóm như nhau với từng hình thức điều trị ở cả 12 và 30 ngày.
Điều quan trọng cần nói ở đây là 66% trẻ nhỏ trong nhóm theo dõi và chờ đợi không cần điều trị kháng sinh. Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố chính để làm cho phương pháp xem và chờ có hiệu quả:
- Các bác sĩ phải đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tai giữa.
- Các bác sĩ phải giáo dục cha mẹ về những nguy cơ của bệnh viêm tai giữa không được điều trị và những nguy cơ của việc kê đơn thuốc kháng sinh quá mức.
- Các triệu chứng viêm tai giữa cần được kiểm soát.
- Trẻ có điều kiện tiếp tục tái khám theo dõi.
- Khi cần thiết, phải có sẵn thuốc kháng sinh hiệu quả.
4. Trường hợp nào nên áp dụng phương pháp theo dõi chờ đợi?
Nhà nghiên cứu tại Harvard- Bác sĩ, Thạc sĩ y tế Công cộng Jonathan Finkelstein, và các cộng sự chỉ ra rằng một số chuyên gia không cho rằng đây là một ý kiến hay, mặc dù đã có hướng dẫn điều trị mới.
Để xem liệu việc theo dõi và chờ đợi có thực sự hiệu quả với việc điều trị viêm tai giữa hay không, nhóm của Finkelstein đã hỏi hơn 2.000 phụ huynh và 160 bác sĩ suy nghĩ của họ về việc ngừng điều trị kháng sinh, và họ phát hiện:
- 38% phụ huynh nói rằng họ sẽ hài lòng hoặc cực kỳ hài lòng với sự theo dõi và chờ đợi.
- 40% phụ huynh nói rằng họ sẽ không hài lòng hoặc cực kỳ không hài lòng với theo dõi và chờ đợi.
- 38% bác sĩ nói rằng họ không bao giờ hoặc hầu như không bao giờ thử theo dõi và chờ đợi.
- 39% bác sĩ nói rằng họ "thỉnh thoảng" cố gắng theo dõi và chờ đợi.
- 17% bác sĩ nói rằng họ "đôi khi" cố gắng theo dõi và chờ đợi.
- 6% bác sĩ nói rằng họ hầu như luôn khuyên phụ huynh nên theo dõi và chờ đợi.
Đối với các bậc cha mẹ, kết quả rất rõ ràng. "Ý kiến của cha mẹ trong cộng đồng về phương pháp này đang có xu hướng thay đổi khi kinh nghiệm điều trị thành công viêm tai giữa cấp mà không dùng kháng sinh trở nên phổ biến hơn", Finkelstein và các đồng nghiệp viết.
Nhưng đối với các bác sĩ, nó không quá rõ ràng. Mặc dù có những lợi ích cho cộng đồng như giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nhưng phương pháp theo dõi và chờ đợi không mang lại lợi ích quá lớn đối với từng bệnh nhân. Một số chuyên gia không hề cho rằng đó là một ý kiến hay. Và các bác sĩ Hoa Kỳ có xu hướng thích điều trị tích cực hơn là chờ đợi thụ động. Các nhà nghiên cứu đề xuất: “Vì tất cả những lý do này, người ta có thể dự đoán rằng việc thực hành [phương pháp theo dõi chờ đợi trong điều trị viêm tai giữa không cấp tính] sẽ được chấp thuận một cách chậm rãi,” các nhà nghiên cứu đề xuất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong