Bài viết được viết bởi Bác sĩ Phạm Đỗ Ngọc Diệp - Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh là một bệnh nhiễm trùng nặng ở trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi. Nhiễm trùng trong máu của bé có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào hoặc toàn bộ cơ thể.
1. Phân loại nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh được phân loại là:
- Khởi phát sớm (sau sinh đến 3 ngày)
- Khởi phát muộn (từ ngày thứ 4 trở lên)
1.1 Nhiễm trùng huyết khởi phát sớm
85% xuất hiện trong vòng 24 giờ (tuổi khởi phát trung bình 6 giờ), 5% xuất hiện sau 24-48 giờ, và một tỷ lệ ít hơn xuất hiện trong 48-72 giờ. Khởi phát nhanh nhất ở trẻ sinh non.
- Nhiễm trùng huyết khởi phát sớm có liên quan đến vi sinh vật từ mẹ
- Nhiễm trùng có thể xảy ra do lây qua đường máu, qua nhau thai/dịch ối của người mẹ bị nhiễm trùng hoặc phổ biến hơn là lây nhiễm từ cổ tử cung (ngược dòng)
- Nhiễm trùng huyết khởi phát sớm nếu bé tiếp xúc với một số loại vi khuẩn gần/trong khi sinh
- Các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng huyết khởi phát sớm bao gồm:
- Vỡ màng ối sớm
- Nhiễm trùng ở mẹ (chẳng hạn như viêm màng đệm)
- Sự hiện diện của liên cầu nhóm tan máu nhóm B (GBS) ở tại đường sinh dục âm đạo hay đường tiểu của mẹ
- Đẻ non
- Nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn nếu màng ối vỡ sớm trước chuyển dạ hay rỉ ối 18 giờ trước khi sinh hoặc nếu người mẹ bị nhiễm trùng (đặc biệt là đường tiết niệu hoặc niêm mạc tử cung)
- Các loại vi khuẩn phổ biến nhất gây nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian mới sinh là Escherichia coli và GBS, chúng thường mắc phải khi đi qua đường sinh. Nhiễm trùng huyết do GBS là nguyên nhân hàng đầu của nhiễm trùng huyết khởi phát sớm. Nếu sàng lọc cho thấy GBS hoặc nếu người mẹ trước đó đã sinh một đứa trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS, thì người mẹ sẽ được dùng kháng sinh khi chuyển dạ (trong 4 giờ trước sinh). Mặc dù trẻ sơ sinh có thể cần được theo dõi thêm trong bệnh viện và có thể xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng, nhưng trẻ sơ sinh chỉ được dùng kháng sinh khi mẹ có các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng và con có các triệu chứng gợi ý nhiễm trùng
1.2 Nhiễm trùng huyết khởi phát muộn
- Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng huyết giai đoạn muộn nếu bé tiếp xúc với một số loại vi khuẩn trong bệnh viện..., trong môi trường sống (sau sinh).
- Các yếu tố nguy cơ quan trọng của nhiễm trùng huyết khởi phát muộn bao gồm:
- Sinh non
- Sử dụng lâu dài các thiết bị xâm nhập cơ thể như đặt ven nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài, đặt sonde bàng quang
- Sử dụng các loại máy hỗ trợ hô hấp cho trẻ kéo dài ngày
- Nằm viện nhiều ngày
- Nhiễm trùng huyết xảy ra muộn hơn có nhiều khả năng mắc phải từ các sinh vật trong môi trường của trẻ sơ sinh sống
2. Chẩn đoán nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh có thể khó xác định. Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Chúng cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và các cơ quan bộ phận bị tổn thương.
- Các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng huyết không đặc hiệu và có thể bao gồm:
- Thay đổi nhiệt độ cơ thể (không ổn định)
- Các vấn đề về hô hấp (suy hô hấp)
- Bệnh tiêu chảy
- Lượng đường trong máu không ổn định: tăng / hạ đường huyết
- Bú kém (Không bú trong hơn 8 giờ)
- Co giật
- Chướng bụng
- Nôn trớ sau ăn
- Vàng da và vàng mắt (sớm sau sinh)
- Phát ban xuất huyết
- Thay đổi nhịp tim: nhịp tim nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng. Nhịp tim trên 160 cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng huyết, nhịp tim nhanh này có thể xuất hiện đến 24 giờ trước khi bắt đầu các dấu hiệu khác.
- Quấy khóc nhiều
- Li bì
- Thay đổi màu da, da nhợt nhạt và loang lổ (vân tím trên da)
- Giảm đi tiểu - không đi tiểu trong hơn 12 giờ
- Thóp phồng
- Giảm huyết áp
- Nếu trẻ sơ sinh có nhiều hơn hai triệu chứng trên thì nên điều trị ngay vì nhiễm trùng huyết là một tình trạng tiến triển nhanh chóng, điều trị chậm trễ có thể gây hại vĩnh viễn cho sự tăng trưởng và phát triển của em bé.
- Bé sẽ cần các xét nghiệm / thăm dò để chẩn đoán nhiễm trùng huyết và loại trừ các bệnh khác. Các thử nghiệm này có thể bao gồm:
- Cấy máu: Điều này được thực hiện để kiểm tra vi khuẩn trong máu. Kết quả mất một vài ngày, nhưng điều trị sẽ bắt đầu ngay lập tức. Đây là cách chính để chẩn đoán nhiễm trùng huyết.
- Cấy nước tiểu: Điều này kiểm tra vi khuẩn trong hệ thống tiết niệu.
- Khám tai mũi họng: Xem có viêm nhiễm không.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng và các tác động có thể có của nhiễm trùng huyết đối với thận, gan và các tế bào máu.
- Thăm dò nước não tuỷ: Điều này được thực hiện để kiểm tra nhiễm trùng não và tủy sống (viêm màng não). Một lượng nhỏ dịch não tủy được xét nghiệm.
- Chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác: Ví dụ, chụp X-quang phổi được sử dụng để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phổi.
3. Điều trị nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, ngày tuổi và sức khỏe chung của bé. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng trẻ.
Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để chấm dứt nhiễm trùng huyết. Nếu bác sĩ cho rằng đó có thể là nhiễm trùng huyết, con bạn sẽ được dùng kháng sinh ngay lập tức, thậm chí trước khi có kết quả xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, họ có thể thay đổi phương pháp điều trị.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết sẽ cần phải ở lại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Trong NICU, con bạn sẽ được theo dõi rất chặt chẽ. Ngoài thuốc kháng sinh, trẻ sẽ được truyền dịch, các loại thuốc khác, cung cấp oxy (nếu cần), dinh dưỡng và hỗ trợ thở nếu cần.
4. Những biến chứng có thể xảy ra của nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh?
Nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh. Nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hệ thống cơ thể nào. Nó thường ảnh hưởng đến nhiều hơn 1 hệ thống cùng lúc.
5. Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh có thể ngăn ngừa được không?
Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh khó có thể được ngăn ngừa hoàn toàn. Nhưng bạn có thể giảm rủi ro bằng những biện pháp sau:
- Chăm sóc/theo dõi thai sản trước khi sinh có thể phát hiện và điều trị nhiều vấn đề của mẹ, khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết.
- Sinh con tại các cơ sở y tế có điều kiện chăm sóc/hỗ trợ tốt cho bé khi sinh.
- Thường xuyên rửa tay trước khi tiếp xúc với bé và sau khi chăm sóc vệ sinh cho bé.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người lạ.
- Cho trẻ đi khám sớm và điều trị sớm.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.