Tia bức xạ ion hóa có nguồn gốc từ những nguồn phóng xạ bên ngoài như tia gamma, tia X hoặc từ các đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể nhằm mục đích điều trị bệnh. Phơi nhiễm phóng xạ xảy ra khi nồng độ các tia bức xạ ion xâm nhập vào cơ thể vượt quá mức độ an toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác.
1. Khả năng xâm nhập của các tia bức xạ đối với cơ thể
Bức xạ ion hóa bao gồm các sóng điện từ năng lượng cao như tia gamma, tia X... và các loại hạt như hạt beta, hạt alpha, neutron... Trong đó khả năng ảnh hưởng và xâm nhập vào cơ thể của mỗi loại bức xạ là khác nhau:
- Hạt alpha: Được phát ra bởi các hạt nhân phóng xạ nguyên tử cao (uranium, radium, plutonium). Khả năng xâm nhập qua da của loại hạt này không vượt qua độ sâu 0.1mm tính từ bề mặt da.
- Hạt Beta: Được phát ra bởi các hạt nhân phóng xạ không ổn định (iodine – 131, cesium – 137). Khả năng xâm nhập qua da của loại hạt này trong khoảng từ 1 – 2cm tính từ bề mặt da, gây tổn thương cho lớp biểu bì, lớp dưới biểu bì.
- Hạt neutron: Được tạo ra trong các phản ứng phân rã hạt nhân và còn được phát ra bởi một vài hạt nhân phóng xạ (californium – 252). Phơi nhiễm phóng xạ gây ra bởi loại hạt này có thể xâm nhập qua da với độ sâu từ vài milimet đến vài chục centimet.
- Tia gamma và tia X: Là các bức xạ điện từ có bước sóng ngắn và năng lượng lớn. Loại tia này có khả năng xuyên sâu vào các mô trong cơ thể với độ sâu nhiều centimet.
Với những đặc tính như trên, các loại hạt alpha và beta có khả năng gây tổn thương nhiều nhất ở người bị nhiễm phóng xạ, đặc biệt là đối với các trường hợp nhiễm xạ trong. Tia X và tia gamma có khả năng gây hội chứng nhiễm xạ cấp (ARS) và gây tổn thương ở khoảng cách xa so với nguồn phát ra chúng.
Mức độ gây tổn thương của các tia bức xạ ion được xác định theo cường độ và liều lượng bức xạ gây tổn thương, trong đó đơn vị đo lường cường độ phóng xạ được quy ước là sievert (viết tắt là sv) hoặc gray (viết tắt là Gy).
2. Các loại phơi nhiễm phóng xạ
Phơi nhiễm phóng xạ có thể do nguyên nhân chiếu xạ hoặc ô nhiễm phóng xạ. Đặc điểm của các loại phơi nhiễm này như sau:
- Chiếu xạ: Người bệnh bị nhiễm phóng xạ do tiếp xúc với tia bức xạ. Các tia bức xạ có thể gây nhiễm xạ toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một số cơ quan trên cơ thể (chẳng hạn như khi sử dụng phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư, tia bức xạ có thể gây tác động đến cơ quan đích trong quá trình điều trị), trường hợp liều chiếu xạ lớn có thể dẫn đến hội chứng phóng xạ và các triệu chứng toàn thân.
- Ô nhiễm phóng xạ: Người bị phơi nhiễm phóng xạ do tiếp xúc ngoài ý muốn với các chất phóng xạ, chẳng hạn như bụi hoặc chất lỏng. Nhiễm phóng xạ theo hình thức này có thể xảy ra ở trong cơ thể hoặc ngoài cơ thể. Nhiễm xạ ngoài cơ thể xảy ra do các chất phóng xạ dính trên da, quần áo... thông qua cọ xát, tiếp xúc rồi gây hại cho cơ thể. Nhiễm xạ trong cơ thể xảy ra do ăn uống, hít thở các chất bị nhiễm phóng xạ và khó để loại bỏ hơn so với loại nhiễm phóng xạ ngoài.
3. Nhiễm phóng xạ nguy hiểm như thế nào?
Các tia bức xạ ion gây tổn thương trực tiếp đến các phân tử ADN, ARN. Theo đó, các phân tử ADN và ARN bị suy giảm tốc độ phân chia tế bào và ở liều phóng xạ lớn có thể dẫn đến chết tế bào. Sự ảnh hưởng của phóng xạ là khác nhau đối với từng loại tế bào, trong đó các tế bào chưa biệt hóa hay những tế bào có khả năng phân bào cao như tế bào gốc, tế bào ung thư... sẽ dễ bị tổn thương bởi tia xạ.
Người bệnh bị nhiễm phóng xạ ở giai đoạn đầu (giai đoạn phơi nhiễm phóng xạ) thường không có triệu chứng điển hình, chỉ đến giai đoạn khi mà một phần lớn các tế bào của cơ thể bị phá hủy do các tia xạ mới xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Mức độ nhạy cảm của các loại tế bào đối với tia xạ giảm dần theo thứ tự sau đây: Tế bào bạch huyết, tế bào gốc, tế bào tăng sinh tủy xương, tế bào biểu mô ruột, tế bào gốc biểu bì, tế bào gan... Bên cạnh đó, mức độ gây tổn thương của các bức xạ phụ thuộc và cường độ và thời gian tác dụng. Trong nhiều trường hợp, người bị nhiễm phóng xạ chỉ xuất hiện các tổn thương trên cơ thể khi cường độ bức xạ vượt quá 1sv.
Một số đối tượng nhạy cảm hơn với phơi nhiễm phóng xạ như sau:
- Trẻ em;
- Người đồng hợp gen gây hội chứng thất điều – giãn mạch;
- Người bệnh đái tháo đường;
- Người mắc bệnh mô liên kết.
4. Các biểu hiện khi bị nhiễm phóng xạ
Một số triệu chứng mà người bị nhiễm phóng xạ có thể gặp phải như sau:
- Buồn nôn, nôn: Được xem là triệu chứng điển hình của giai đoạn đầu khi bị nhiễm phóng xạ. Cường độ càng lớn và lượng phóng xạ càng nhiều thì triệu chứng buồn nôn, nôn xuất hiện càng sớm. Người bệnh có triệu chứng này sau khi tiếp xúc với các tia bức xạ rất dễ bị tử vong.
- Chảy máu không có nguyên nhân: Các triệu chứng chảy máu như chảy máu mũi, chảy máu răng lợi, khoang miệng, nội tạng và thậm chí là nôn ra máu...
- Đi ngoài ra máu: Sự tăng trưởng với tốc độ nhanh của các tế bào bị nhiễm phóng xạ gây kích thích thành ruột và có thể dẫn đến triệu chứng đi ngoài ra máu.
- Da bị bong tróc: Vùng da bị phơi nhiễm với các tia bức xạ có nguy cơ cao dẫn đến nóng rát, nổi mụn nước, da chuyển thành màu đỏ, tổn thương tương tự như bị phơi nắng quá lâu.
- Rụng tóc: Phơi nhiễm phóng xạ làm tổn thương chân tóc, chân lông. Trong trường hợp lượng phóng xạ nhiễm nhiều, người bệnh có thể bị rụng tóc số lượng lớn trong thời gian ngắn.
- Mệt mỏi: Cơ thể mệt mỏi, suy yếu một cách nhanh chóng, lượng hồng cầu trong máu giảm có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tăng nguy cơ bị hôn mê.
- Đau cổ họng.
- Dễ bị viêm nhiễm: Ảnh hưởng của các tia bức xạ làm suy giảm lượng bạch cầu trong cơ thể, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch và dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm.
5. Chẩn đoán nhiễm phóng xạ
Chẩn đoán người bị nhiễm phóng xạ dựa vào tiền sử phơi nhiễm, triệu chứng lâm sàng và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó thời điểm xuất hiện triệu chứng, thời gian tiến diễn và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ xác định được liều bức xạ và phân loại người bệnh theo mức độ ảnh hưởng của bức xạ.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần được thực hiện như sau:
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được thực hiện lặp lại sau 24 giờ, 48 giờ và 72 giờ giúp so sánh sự khác biệt về số lượng tế bào lympho sau phơi nhiễm để đánh giá tiên lượng bệnh và ước lượng liều bức xạ.
- Xét nghiệm nồng độ amylase huyết thanh cho kết quả tăng theo thời gian phụ thuộc vào liều bức xạ.
- Xét nghiệm protein phản ứng viêm (CRP): Kết quả cho thấy nồng độ CRP tăng theo liều bức xạ; mức độ tăng còn giúp phân biệt giữa người bệnh phơi nhiễm nhẹ và người bệnh phơi nhiễm nặng.
- Xét nghiệm nồng độ citrulline máu: Có ý nghĩa đánh giá sự tổn thương trên đường tiêu hóa khi nồng độ citrulline máu giảm.
- Xét nghiệm nồng độ phối tử Fms Tyrosine kinase – 3 (FLT – 3) máu: Có ý nghĩa đánh giá sự tổn thương cơ quan tạo máu.
- Xét nghiệm nồng độ Interleukin – 6: Nồng độ tăng ở liều phóng xạ lớn.
- Xét nghiệm G - CSF (yếu tố kích thích tạo bạch cầu hạt): Nồng độ tăng ở liều phóng xạ lớn.
- Xét nghiệm di truyền học tế bào với chỉ số phân tán quá mức.
Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm phóng xạ do ô nhiễm, người bệnh cần được kiểm tra toàn bộ cơ thể bằng cửa sổ Geiger – Muller ngắn được gắn với đồng hồ khảo sát nhằm xác định vị trí, mức độ nhiễm xạ bên ngoài cơ thể. Bên cạnh đó để phát hiện các nhiễm xạ bên trong như tai, mũi, miệng... tiến hành dùng khăn sạch lau từng vị trí và đem kiểm tra bằng bộ đếm.
Tóm lại, phơi nhiễm phóng xạ là tình trạng vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như ung thư máu, ung thư bạch cầu cấp, ung thư tuyến giáp trạng... Mức độ gây tổn thương của các tia bức xạ ion được xác định theo cường độ và liều lượng bức xạ gây tổn thương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.